Vào nội dung chính
TRUNG - NHẬT - BIỂN HOA ĐÔNG

Biển Hoa Đông : Trung Quốc ngày càng hung hăng hơn với Nhật Bản

Tân Hoa Xã hôm qua 30/01/2018 bình luận, vào lúc quan hệ Trung-Nhật gần đây có nhiều tiến triển, Tokyo cần biến lời nói thành hành động nếu muốn cải thiện quan hệ. Thế nhưng về phía Bắc Kinh thì lời nói có gắn liền với hành động hay không ? Tác giả Ben Brimelow trên tờ Business Insider tố cáo « Quân đội Trung Quốc đang chuyển sang chiến thuật hung hăng hơn với Nhật Bản trên Biển Hoa Đông ».

Máy bay tiêm kích SU-27 của Trung Quốc trên không phận Biển Hoa Đông. Ảnh chụp ngày 24/05/2014 và được Bộ Quốc phòng Nhật công bố.
Máy bay tiêm kích SU-27 của Trung Quốc trên không phận Biển Hoa Đông. Ảnh chụp ngày 24/05/2014 và được Bộ Quốc phòng Nhật công bố. REUTERS
Quảng cáo

Theo tác giả, các hành động khiêu khích của Bắc Kinh trên Biển Đông lâu nay thì đã quá rõ. Trung Quốc dùng đủ mọi biện pháp để tranh giành chủ quyền các hòn đảo tại đây với năm quốc gia khác, còn việc tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư với Nhật Bản tại Biển Hoa Đông tương đối ít gay gắt hơn.

Thế nhưng tình hình bây giờ bắt đầu đổi khác. Bắc Kinh muốn thay đổi nguyên trạng, trực tiếp đe dọa Tokyo. Bên cạnh đó, Nga cũng muốn xây dựng hạm đội Thái Bình Dương trở thành lực lượng đáng kể trong khu vực.

Tờ báo dẫn lời chuyên gia Richard Weitz, giám đốc Trung tâm phân tích quân sự và chính trị thuộc Viện Hudson, nhận định Trung Quốc « muốn xác quyết yêu sách chủ quyền » qua việc buộc phi cơ các nước phải chấp nhận sự kiểm soát của Bắc Kinh trên không phận vùng biển tranh chấp. Còn Nga thì muốn « giám sát các hoạt động quân sự của Hoa Kỳ » tại Nhật. Matxcơva xung đột với Tokyo về quần đảo Kuril, do quân Liên Xô chiếm của Nhật trong những ngày cuối cùng của Đệ nhị Thế chiến.

Hiện Trung Quốc và Nga hành động riêng rẽ, nhưng hai cường quốc này có thể xích gần với nhau trong trường hợp Mỹ can thiệp.

Với một sức mạnh Nga tái sinh ở hướng bắc, một Bắc Triều Tiên sở hữu vũ khí nguyên tử ở hướng tây và một Trung Quốc ngày càng mạnh hơn về quân sự ở hướng tây nam, Nhật Bản có thể bị kẹt trong vòng vây.

Trung Quốc muốn thay đổi nguyên trạng tại Biển Hoa Đông

Trước hết về phía Trung Quốc, đã khởi đầu năm 2018 bằng việc cho một khu trục hạm Type 054 và một tàu ngầm nguyên tử lớp Shang xâm nhập vào vùng biển tiếp giáp Senkaku/Điếu Ngư hôm 11/1. Điểm khác biệt so với trước đây là việc công khai sử dụng tàu chiến thay vì tàu tuần duyên, và đây là lần đầu tiên một tàu ngầm tấn công được Bắc Kinh điều đến.

Các dữ liệu của chính phủ Nhật Bản được tiến sĩ Nori Katagiri dịch lại cho thấy các vụ xâm nhập của máy bay và tàu Trung Quốc đã gia tăng mạnh mẽ kể từ 2012. Phi cơ Trung Quốc chiếm 51% tổng số vụ mà Lực lượng phòng vệ Nhật Bản phải xuất kích ngăn chặn, và càng ngày càng hung hăng hơn. Tháng 8/2017, Bắc Kinh lần đầu tiên cho oanh tạc cơ H-6K có thể mang theo vũ khí nguyên tử bay qua bán đảo Kii của Nhật, và khi Tokyo phản đối, thì được trả lời một cách ngang ngược là « phải tập làm quen » với việc này.

Nhà nghiên cứu Zack Cooper của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (CSIS) nói với Business Insider là có hai điều ngăn trở Trung Quốc bớt tung hoành. Đó là quan hệ liên minh giữa Mỹ và Nhật, và năng lực vượt trội của quân đội Nhật Bản. Nếu không có Hoa Kỳ, thì Trung Quốc đã ngược ngạo hơn.

Nhật tăng cường sức mạnh quân sự

Tuy nhiên cũng theo ông Cooper, thì « cả Mỹ và Nhật đều biết rằng với quy mô và nhịp độ hiện đại hóa của quân đội Trung Quốc hiện nay, thì việc Bắc Kinh vượt qua Tokyo trong nhiều lãnh vực quân sự chỉ còn là vấn đề thời gian ». Trong khi chờ đợi, Trung Quốc lấn dần từng bước, duy trì sức ép lên Nhật Bản.

Trước tình hình đó, Nhật phải tăng cường quân đội - chủ yếu là mua thêm nhiều thiết bị quân sự - và có thể sửa đổi Hiến Pháp. Thủ tướng Shinzo Abe vừa chấp nhận cho bố trí hai hệ thống chống hỏa tiễn Aegis Ashore từ đây đến năm 2023. Tháng 6/2017, Nhật Bản cũng sản xuất được chiến đấu cơ tàng hình F-35 đầu tiên. Đây là máy bay chiến đấu tối tân nhất, có thể được sử dụng với phiên bản cải tiến tàu chở trực thăng lớp Izumo, gần như mang lại sức mạnh của một hàng không mẫu hạm. Chính phủ Nhật cũng tăng ngân sách quốc phòng, chú trọng phòng vệ trước hỏa tiễn đạn đạo.

Tuy vậy theo tiến sĩ Katagiri, với Hiến Pháp chủ hòa hiện nay, Nhật Bản đứng trước nhiều trở ngại về luật pháp khi muốn sử dụng các loại vũ khí này.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.