Vào nội dung chính
CÔNG GIÁO - TRUNG QUỐC

Một hồng y lên án Vatican ‘‘bán đứng’’ Giáo Hội cho Trung Quốc

Hồng y Trần Nhật Quân (tức Joseph Zen), nguyên giám mục địa phận Hồng Kông, hôm thứ Hai, 30/01/2018, công bố thư ngỏ, phản đối việc Vatican thay thế một giám mục người Hoa do Tòa Thánh bổ nhiệm, bằng một giám mục do chính quyền Bắc Kinh chọn lựa. Vatican hôm nay, 31/01, lên tiếng chỉ trích phát biểu của vị hồng y này.

Hồng y Trần Nhật Quân - Joseph Zen cùng một số nhà tranh đấu khác trong một cuộc biểu tình đòi dân chủ cho Hồng Kông năm 2014.
Hồng y Trần Nhật Quân - Joseph Zen cùng một số nhà tranh đấu khác trong một cuộc biểu tình đòi dân chủ cho Hồng Kông năm 2014. REUTERS/Bobby Yip/File Photo
Quảng cáo

Phát biểu trên Facebook, cựu giám mục Hồng Kông 86 tuổi, công khai chỉ trích mạnh mẽ chính sách xích gần với chính quyền Trung Quốc của Tòa Thánh hiện nay. Trong thư ngỏ nói trên, hồng y họ Trần đã dẫn ra trường hợp của giám mục Trang Kiến Viên (Zhuang Jianjian), đang làm việc tại tỉnh Quảng Đông. Hồng y Trần Nhật Quân khẳng định ông đã trực tiếp nói chuyện với giáo hoàng Phanxicô về trường hợp giám mục Quảng Đông trong tháng Giêng này.

Theo trang mạng AsiaNews, vị giám mục 88 tuổi ở Quảng Đông đã được một nhà ngoại giao cao cấp của Vatican đề nghị về hưu, để dành chỗ cho một giám mục Trung Quốc, được chính quyền Bắc Kinh bổ nhiệm, mà không được giáo hoàng cho phép. Giám mục được Bắc Kinh hậu thuẫn, ông Joseph Hoàng Bính Chưởng (Huang Bingzhang), vốn bị Giáo Hội Công Giáo rút phép thông công năm 2011.

Cựu giám mục Hồng Kông đặt câu hỏi : « Phải chăng Vatican đang bán đứng Giáo Hội Công Giáo tại Trung Quốc cho chính quyền ? ». Ông tự trả lời : « Chắc chắn là như vậy », đồng thời lưu ý công luận là « chính quyền cộng sản Trung Quốc đang thiết lập các quy định mới nghiêm ngặt hơn, để giới hạn tự do tôn giáo ».

Bức thư ngỏ của cựu giám mục Trần Hồng Quân cũng ngầm để công chúng hiểu là giáo hoàng Phanxicô không hề biết về quyết định này. Tuy nhiên, theo thông báo của người phát ngôn Vatican hôm nay, 31/01/2018, Đức giáo hoàng đã liên tục được cơ quan ngoại giao của Tòa Thánh thông tin « trung thành và chính xác » về các vấn đề với Trung Quốc. Vatican cũng cáo buộc các phát biểu đi ngược lại chính sách Trung Quốc của Tòa Thánh như trên « gây tranh cãi và hiểu lầm ».

Trong nội bộ Vatican, có hai luồng quan điểm đối lập nhau trong những năm gần đây. Luồng thứ nhất, với nhân vật chủ chốt là ngoại trưởng của Tòa Thánh, hồng y Pietro Parolin, khẳng định cần phải mềm dẻo với Bắc Kinh, với hy vọng là chính quyền Trung Quốc dành nhiều tự do hơn cho người Công Giáo. Luồng thứ hai phản đối mạnh, với nhận định Bắc Kinh không thực sự tiến bộ trong lĩnh vực này.

Bắc Kinh và Tòa Thánh không có quan hệ ngoại giao từ năm 1951. Khoảng 12 triệu tín đồ Công Giáo tại Trung Quốc bị chia thành hai. Một bên là « Hiệp hội Công Giáo yêu nước », với chức sắc do Bắc Kinh lựa chọn. Bên kia là một giáo hội phi chính thức, với các giám mục do Tòa Thánh bổ nhiệm, mà chính quyền cho phép hoạt động, nhưng không chính thức công nhận. Kể từ năm 2013, giáo hoàng Phanxicô thi hành chính sách cải thiện quan hệ với Trung Quốc. Trong những tháng gần đây, Vatican và Bắc Kinh chuẩn bị một thỏa thuận nhằm thừa nhận một số giám mục do Bắc Kinh lựa chọn.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.