Vào nội dung chính
ẤN ĐỘ - ASEAN

Biển Đông: Ấn Độ - ASEAN yêu cầu giải quyết tranh chấp theo luật quốc tế

Ấn Độ và ASEAN vừa có cuộc họp thượng đỉnh lịch sử, với việc lần đầu tiên New Delhi mời toàn bộ 10 lãnh đạo khối các nước Đông Nam Á tham dự lễ kỉ niệm Ngày Cộng Hòa Ấn Độ. Trong bản « Tuyên bố chung Delhi », được công bố hôm qua, 25/01/2018, hai bên đặc biệt nhấn mạnh rằng các tranh chấp tại Biển Đông phải được giải quyết thể theo luật pháp quốc tế.

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi ( giữa ) chụp ảnh lưu niệm với các lãnh đạo ASEAN  tại thượng đỉnh New Delhi 25/01/2018.
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi ( giữa ) chụp ảnh lưu niệm với các lãnh đạo ASEAN tại thượng đỉnh New Delhi 25/01/2018. Handout / AFP
Quảng cáo

Hợp tác về « chính trị và an ninh » là lĩnh vực được hai bên quan tâm trước hết. Trong Tuyên bố chung Delhi, Ấn Độ và ASEAN tái khẳng định vai trò trung tâm của Hiệp Hội các Quốc Gia Đông Nam Á trong kiến trúc an ninh quốc tế đang hình thành tại khu vực, với nguyên tắc « rộng mở, minh bạch, không loại trừ ai và dựa trên cơ sở luật pháp quốc tế ».

Thông cáo chung khẳng định « tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình, ổn định an toàn hàng hải và an ninh, tự do hàng hải và hàng không trong khu vực » nói chung, và mọi tranh chấp cần được « giải quyết bằng con đường hòa bình », thể theo các nguyên tắc của luật pháp quốc tế, mà trong đó Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển 1982 là một trụ cột.

Biển Đông là khu vực địa chiến lược duy nhất được Ấn Độ và ASEAN nêu tên trong văn bản nói trên. Tuyên bố chung Delhi khẳng định ủng hộ việc thực thi « hoàn toàn và đầy đủ » Tuyên Bố về Ứng Xử của Các Bên ở Biển Đông (gọi tắt là DOC) và kêu gọi các bên liên quan sớm hoàn tất Bộ Quy Tắc Ứng Xử ở Biển Đông (COC), nhằm phòng ngừa và tạo cơ sở pháp lý để giải quyết các xung đột tại khu vực này.

Tuyên bố chung Delhi cũng thúc đẩy các hợp tác về kinh tế giữa Ấn Độ và ASEAN trong khuôn khổ không gian thương mại tự do song phương, « bảo vệ và sử dụng bền vững các nguồn tài nguyên trên biển tại Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương », tăng cường hợp tác về giao thông đường bộ, đường biển và hàng không, công nghệ tin học. Trong số các hợp tác văn hóa xã hội, hợp tác đào tạo Anh ngữ, cổ vũ cho các quan hệ văn hóa, văn minh lâu đời giữa các nước Đông Nam Á và Ấn Độ, nhất là tại khu vực đồng bằng sông Mê Kông, được chú ý hàng đầu.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.