Vào nội dung chính
ẤN ĐỘ - KINH TẾ

Ấn Độ : Narendra Modi và các chính sách cải cách táo bạo

Diễn đàn Kinh tế Davos hôm nay23/01/2018 khai mạc. Một trong những nhân vật tiêu biểu sáng giá tại diễn đàn lần này là thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, người đã tiến hành một cuộc biến đổi đất nước đầy tham vọng. Le Figaro đặt một câu hỏi lớn : « Tại Ấn Độ, phải chăng chính sách cải cách của Modi bắt đầu đơm hoa kết trái ? ».

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tại diễn đàn Davos, Thụy Sĩ ngày 23/01/2018.
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tại diễn đàn Davos, Thụy Sĩ ngày 23/01/2018. Fabrice COFFRINI / AFP
Quảng cáo

Đầu tiên hết, Le Figaro so sánh cách thực thi cải cách giữa hai cường quốc châu Á có dân số đông nhất thế giới. Tại Trung Quốc, chính quyền cộng sản có thể san bằng cả một khu phố không chút thương tiếc để xây dựng một sân bay.

Ngược lại tại Ấn Độ, một đất nước có số dân đang đà qua mặt Trung Quốc, đa dạng về sắc tộc, tôn giáo hay ngôn ngữ, và lại là một quốc gia dân chủ, thì việc thực hiện các chương trình cải cách đất nước sâu rộng hay phát triển các dự án cơ sở hạ tầng không phải là một điều dễ dàng.

Vậy mà chỉ trong vòng có bốn năm, thủ tướng Modi đã thành công buộc « chú voi » ì ạch đó phải chuyển động theo như cách nói ví von của người dân khi nói đến đất nước mình. Làm thế nào mà ông đạt được điều đó ? Le Figaro liệt kê ba nguyên nhân chính.

Thứ nhất, đó là vì ông Narendra Modi là một nhà giao tiếp ngoại hạng. Ông đã biết cách áp đặt văn hóa làm việc theo kết quả để cải cách bộ máy hành chính nặng nề và đầy tham nhũng bằng cách tiến hành chiến dịch cạnh tranh giữa các bang. Căn cứ vào 340 tiêu chí đăng trên mạng, người dân có thể so sánh hiệu năng làm việc của các công chức giữa các bang, thúc đẩy các công chức địa phương đưa ra các sáng kiến nhằm đơn giản hóa các thủ tục hành chính và hạn chế tham nhũng.

Thứ hai, thủ tướng Ấn Độ đã có những quyết định táo bạo trong việc cải cách hệ thống thuế khóa Ấn Độ bị xem là quá nặng nề, đè nặng tăng trưởng và gây nhiều tốn kém cho doanh nghiệp. Một trong những biện pháp quan trọng nhất và được giới chuyên gia đánh giá là thành công nhất chính là GST, tương đương với thuế giá trị gia tăng TVA.

GST hợp nhất các loại thuế thành một kiểu thuế duy nhất áp dụng trên toàn lãnh thổ. Trước đây, Ấn Độ vận hành như một quần thể bao gồm 29 thị trường, tương đương với 29 bang và mỗi bang có một chính sách thuế riêng. Hàng hóa di chuyển từ bang này sang bang khác phải xếp hàng nộp thuế ở cửa khẩu mỗi bang, dẫn đến chi phí vận chuyển hàng hóa tăng cao, mất thời gian và làm tăng nạn tham nhũng.

Bên cạnh đó, ông còn cho ban hành bộ luật mới về phá sản, cho phép các doanh nghiệp liên quan có thêm thời hạn tìm kiếm giải pháp và giảm thiểu rủi ro thiệt hại tài chính cho chủ nợ.

Đáng chú ý là chính sách cấm lưu hành tờ 500 và 1000 rupi, nhằm chống tình trạng kinh doanh trái phép. Đương nhiên chính sách này đã làm trì trệ tăng trưởng, gây khó khăn cho hàng triệu người buôn bán và những người lao động không khai báo, nhưng đổi lại số người chịu thuế tăng thêm 50% và lượng giao dịch điện tử cũng tăng lên 80%.

Thứ ba, trên lĩnh vực xã hội, chính sách chủ đạo của thủ tướng Modi là cuộc chiến chống đói nghèo, tại một đất nước có đến gần 300 triệu người sống với mức thu nhập 2 đô la/ ngày, với ba mục tiêu chính. Đó là cấp cho những người nghèo nhất một tài khoản ngân hàng, một chế độ bảo hiểm và một nguồn vốn.

Để thực hiện chương trình này, chính phủ dựa vào căn cước sinh trắc của công dân, do những người tiền nhiệm thực hiện theo chương trình Aadhaar. Chính phủ thúc đẩy các ngân hàng mở cửa rộng hơn cho tầng lớp thu nhập thấp hơn. Kết quả là thêm 300 triệu người được mở tài khoản ngân hàng trong vòng ba năm.

Số tài khoản ngân hàng và căn cước sinh trắc được kết nối với số điện thoại di động. Cả nước có hơn một tỷ người dùng điện thoại di động, trong số này có đến 350 triệu điện thoại thông minh. Nhờ vào chương trình kết nối này, các khoản trợ cấp xã hội được chuyển vào tài khoản của người thụ hưởng.

Dù vậy, các chuyên gia vẫn nhìn thấy nhiều rào cản lớn trên con đường hiện đại hóa đất nước của thủ tướng Modi. Nông nghiệp vẫn là lĩnh vực sử dụng nhiều lao động nhất. Dư thừa lao động trong lĩnh vực xây dựng hay dịch vụ cho thấy là mức độ sử dụng nhân lực còn rất thấp.

Và điều đáng quan ngại nhất theo như một báo cáo của Ngân Hàng Thế Giới, chênh lệch giàu-nghèo tại Ấn Độ ngày càng lớn. Vào những năm 1990, 10% người giàu nhất chiếm giữ 40% tài sản cả nước. Hai mươi năm sau, con số này là 55%. Trong khi 50% số người nghèo nhất trước đây chia nhau 20% tài sản còn lại trong những năm 1990 thì nay chỉ còn có 15%.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.