Vào nội dung chính
NAM Á - CHÍNH TRỊ

Donald Trump đang đẩy Pakistan vào tay Trung Quốc

Lên án Pakistan « lừa đảo » không tích cực chống khủng bố, Hoa Kỳ đe dọa ngưng viện trợ. Quyết định này nếu được thực hiện có thể gây khó khăn kinh tế cho quốc gia Hồi Giáo, nhưng Hoa Kỳ sẽ bị tổn hại nặng về địa chiến lược nếu Pakistan ngả theo Trung Quốc.

Dân Pakistan biểu tình chống chính quyền Trump tại Peshawar, Pakistan ngày 05/01/2018
Dân Pakistan biểu tình chống chính quyền Trump tại Peshawar, Pakistan ngày 05/01/2018 REUTERS/Fayaz Aziz
Quảng cáo

Trong thông điệp đầu năm, tổng thống Mỹ Donald Trump dùng lời lẽ nặng nề lên án Pakistan, « đồng minh số một » của Mỹ, ngoài NATO : Hoa Kỳ đã cấp cho Pakistan 33 tỷ đôla trong 15 năm qua (nhưng họ) cho khủng bố bị chúng ta đánh đuổi từ Afghanistan chạy sang trú ẩn mà không làm gì cả. Họ lừa đảo, dối trá, xem các tổng thống Mỹ là khờ dại. Thôi nhé !

Theo một viên chức bộ Quốc Phòng Mỹ, Washington có thể phong tỏa 2 tỷ đôla, tiền viện trợ của năm nay và hủy bỏ quy chế « đồng minh số một của Mỹ ngoài NATO » mà tổng thống George Bush Jr đã cấp cho Islamabad năm 2004, sau vụ khủng bố Al Qaida ngày 11 tháng 9 năm 2001. Khác với tuyên bố đao to búa lớn của chủ nhân Nhà Trắng, bộ trưởng Quốc Phòng Jim Mattis tỏ ra nhẫn nại hy vọng Islamabad « tỏ tín hiệu thay đổi, thấy rõ khủng bố là kẻ thù chung » thì Hoa Kỳ sẽ tái lập viện trợ.

Tuy nhiên, có nhiều dấu hiệu cho thấy là nếu lời đe dọa của Donald Trump được thi hành thì Mỹ sẽ rơi vào thế lợi ít, hại nhiều.

Lợi bất cập hại

Theo AFP, so với trọng lượng kinh tế của Pakistan, 300 tỷ đôla GDP mỗi năm, thì 2 tỷ đôla viện trợ Mỹ không là bao. Cho đến giai đoạn này, giới chuyên gia tại Islamabad không sợ về việc nước này bị mất viện trợ. Pakistan chỉ lo ngại Washington gây áp lực với các định chế tài chính quốc tế như Ngân Hàng Thế Giới, Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế thì lúc đó sẽ khó mà vay tiền để tài trợ cho các dự án phát triển quốc gia.

Khalid Mahmood, giám đốc Viện Nghiên Cứu Chiến Lược của chính phủ Islamabad, chua chát nhận định : chúng tôi là nước đồng minh thân thiết nhất trong một giai đoạn, nhưng đến một giai đoạn khác thì bị trừng phạt nghiêm khắc nhất trong số các nước bị trừng phạt.

Tuy nhiên, trong cuộc đấu trí này, Washington không ở thế chủ động mà còn có nguy cơ mất mát nhiều. Thượng nghị sĩ Mushahid Hussain Sayed dọa ngược lại Mỹ : nếu Hoa Kỳ tiếp tục hù dọa chúng tôi, quy trách nhiệm cho chúng tôi thì chúng tôi sẽ chọn giải pháp khác. Giải pháp đó, theo AFP, là ngả theo Trung Quốc, đồng minh cũ của Pakistan trước 2001.

Ngày 09/01/2017, bộ trưởng Quốc Phòng Pakistan Khuram Dastgir Khan chỉ trích Mỹ « đem Pakistan làm vật tế thần, biện minh cho chính sách thất bại tại Afghanistan » và thông báo « ngưng hợp tác với Mỹ về phòng thủ và an ninh tình báo ». Chính phủ Pakistan chưa chính thức thông báo với Mỹ quyết định này, nhưng hệ quả trước mắt là quân đội Mỹ và NATO trên chiến trường Afghanisstan sẽ vất vả hơn, vì Taliban sẽ có hậu cứ an toàn ở Pakistan.

Trong khi đó, Bắc Kinh nhanh chóng bênh vực Islamabad trước những lời công kích của Mỹ. Trong cuộc họp báo ngày 02/01/2017, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc Cảnh Sảng khẳng định là « sẽ tăng cường giúp nước bạn muôn đời Pakistan trong mọi lãnh vực ». Trong dự án « con đường tơ lụa » Bắc Kinh đề nghị đầu tư 60 tỷ đôla xây dựng hạ tầng cho Pakistan.

Trừ phi tổng thống Donald Trump có một nước cờ độc đáo, buộc Pakistan sát cánh với Mỹ, thái độ đe dọa của ông chỉ làm Hoa Kỳ cô đơn trên chiến trường, mất đi một đồng minh cốt lõi trong khu vực và tạo thêm vây cánh cho Trung Quốc.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.