Vào nội dung chính
HÀN QUỐC - NHẬT BẢN

Seoul xác nhận tôn trọng thỏa thuận với Tokyo về gái giải sầu

Sau một thời gian dài để ngỏ khả năng đòi Tokyo đàm phán lại một thỏa thuận song phương trên vấn đề gái giải sầu, chính quyền Hàn Quốc của tổng thống Moon Jae In vào hôm nay, 09/01/2018 rốt cuộc đã chính thức loan báo chấp nhận thỏa thuận từng gây tranh cãi.

Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In (P) tiếp một phụ nữ Hàn Quốc, bị cưỡng ép vào nhà thổ phục vụ quân đội Nhật Hoàng trước đây, Seoul, ngày 04/01/2018
Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In (P) tiếp một phụ nữ Hàn Quốc, bị cưỡng ép vào nhà thổ phục vụ quân đội Nhật Hoàng trước đây, Seoul, ngày 04/01/2018 The Presidential Blue House/Yonhap via REUTERS
Quảng cáo

Phát biểu với báo giới tại Seoul, ngoại trưởng Hàn Quốc, bà Kang Kyung Wha, nói rằng chính quyền Seoul sẽ không đòi đàm phán lại thỏa thuận mà Hàn Quốc và Nhật Bản đã ký tháng 12 năm 2015 trên hồ sơ "gái giải sầu", tức là những phụ nữ Triều Tiên bị cưỡng bức làm nô lệ tình dục cho binh sĩ Nhật Bản trong cuộc Chiến Tranh Thế Giới Thứ Hai.

Theo ngoại trưởng Hàn Quốc, "không thể phủ nhận" sự kiện là thỏa thuận đó đã được cả hai chính phủ thông qua.

Vấn đề "phụ nữ giải sầu" là một cái gai trong quan hệ song phương Hàn-Nhật trong nhiều thập kỷ nay. Nhiều người Hàn Quốc cho đấy là biểu tượng của tội ác của Nhật Bản đối với họ trong thời kỳ bán đảo Triều Tiên bị Nhật Bản đô hộ từ năm 1910 đến năm 1945.

Vào tháng 12 năm 2015, dưới thời cựu tổng thống Park Geun Hye, Hàn Quốc và Nhật Bản đã đạt được thỏa thuận "chung cuộc và không không thể đảo ngược được" về vấn đề này, theo đó Nhật Bản lên tiếng xin lỗi chân thành, và chi ra một tỷ yen (gần 9 triệu đô la) cho một quỹ giúp đỡ các "phụ nữ giải sầu" hiếm hoi vẫn còn sống.

Tuy nhiên, thỏa thuận của chính phủ Park Geun Hye đã bị một phần công luận Hàn Quốc chỉ trích, và trong chiến dịch vận động tranh cử tổng thống, ông Moon Jae In đã hứa là sẽ xem xét lại thỏa thuận.

Cuối tháng Mười Hai năm ngoái 2018, tổng thống Hàn Quốc đã cho rằng thỏa thuận trên "rất thiếu sót" và không giải quyết được vấn đề, làm dấy lên suy đoán về khả năng Seoul đòi Tokyo thương thuyết lại. Ngay khi ấy, phía Nhật Bản đã lên tiếng kêu gọi Hàn Quốc tôn trọng thỏa thuận năm 2015, khẳng định rằng bất kỳ yêu cầu đàm phán lại nào cũng đều không được chấp nhận và có thể gây tổn hại cho quan hệ song phương.

Theo hãng tin Pháp AFP, đa số các sử gia đều cho rằng có đến 200.000 phụ nữ châu Á đã bị ép buộc làm nô lệ tình dục cho binh sĩ Nhật Bản trong giai đoạn chiến tranh. Phần lớn trong số này là phụ nữ Triều Tiên, nhưng cũng có người Trung Quốc, Indonesia và nước khác.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.