Vào nội dung chính
PHÁP - TRUNG QUỐC - NGOẠI GIAO

Tổng thống Pháp Macron thăm Trung Quốc để thắt chặt quan hệ song phương

Ngày 07/01/2017, tổng thống Pháp Emmanuel Macron rời Paris để đi thăm Trung Quốc trong 3 ngày nhằm xác lập quan hệ cá nhân với chủ tịch Tập Cận Bình và kiến tạo một liên minh giữa Paris với Bắc Kinh trên các hồ sơ như môi trường, chống khủng bố, Bắc Triều Tiên hay Syria.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và phu nhân Brigitte tiếp khách mời nhí tại điện Elysée nhân dịp Giáng Sinh. Ảnh chụp ngày 13/12/2017.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và phu nhân Brigitte tiếp khách mời nhí tại điện Elysée nhân dịp Giáng Sinh. Ảnh chụp ngày 13/12/2017. REUTERS/Etienne Laurent
Quảng cáo

Đây sẽ là chuyến viếng thăm Trung Quốc đầu tiên của một lãnh đạo châu Âu kể từ sau Đại hội Đảng Cộng Sản Trung Quốc tháng 10/2017, củng cố thêm thế lực của ông Tập Cận Bình. Còn đối với tổng thống Pháp, đây là chuyến công du đầu tiên của ông ở châu Á. Tháp tùng ông Macron trong chuyến viếng thăm Trung Quốc bắt đầu từ ngày 08/01 sẽ có phu nhân tổng thống Pháp Brigitte và hơn 50 lãnh đạo doanh nghiệp.

Theo hãng tin AFP, tổng thống Macron được dân Trung Quốc biết đến nhiều qua chuyện tình của ông với bà Brigitte Macron. Sự chênh lệch gần 25 tuổi giữa hai người gây ấn tượng rất mạnh tại một quốc gia mà đàn ông thường lấy vợ trẻ hơn rất nhiều.

Một trong những hồ sơ sẽ được đề cập đến trong chuyến công du Trung Quốc đầu tiên của tổng thống Pháp sẽ là chống biến đổi khí hậu. Là quốc gia gây ô nhiễm nhiều nhất thế giới, nhưng cũng là quốc gia đầu tư nhiều nhất vào các năng lượng sạch, Trung Quốc nay đóng một vai trò trọng yếu kể từ khi Hoa Kỳ rút ra khỏi hiệp định Paris về khí hậu. Paris muốn cùng với Bắc Kinh thúc đẩy thế giới trên hồ sơ này. Tổng thống Macron cũng sẽ thảo luận với các nhà lãnh đạo Trung Quốc về khủng hoảng Bắc Triều Tiên, hồ sơ mà Pháp có thể đóng vai trò trung gian hòa giải.

Về kinh tế, ông Macron muốn cân bằng lại quan hệ thương mại Pháp - Trung vì mức thâm thủng mậu dịch lớn nhất của Pháp chính là với Trung Quốc, khoảng 30 tỷ euro. Nhưng vấn đề nhạy cảm nhất chính là việc Liên Hiệp Châu Âu nay muốn gia tăng kiểm soát các dự án đầu tư chiến lược của các tập đoàn không thuộc châu Âu, mà chủ yếu là của Trung Quốc. Về phần mình, Bắc Kinh muốn tổng thống Macron nêu rõ lập trường của châu Âu về dự án các Con đường Tơ lụa mới, tức là các dự án cơ sở hạ tầng đại quy mô giữa Trung Quốc với châu Âu.

Về mặt chiến lược, tổng thống Emmanuel Macron hy vọng có được sự yểm trợ của Trung Quốc cho lực lượng quân sự của nhóm G5 (gồm 5 nước châu Phi Mauritanie, Mali, Burkina Faso, Niger và Tchad) chống khủng bố ở khu vực Sahel.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.