Vào nội dung chính
Tạp chí đặc biệt

Trung Quốc : Gặp nữ luật sư ngồi xe lăn bảo vệ công lý

Đăng ngày:

Nhân chuyến công du Trung Quốc của tổng thống Pháp Emmanuel Macron, từ ngày 08 đến 10/01, giới tranh đấu ở Trung Quốc hy vọng nguyên thủ Pháp sẽ đề cập đến hồ sơ nhân quyền. Thông tín viên RFI Heike Schmidt đã đến gặp luật sư có tên tuổi, bà Nghê Ngọc Lan (Ni Yulan), người đã từng ba lần ngồi tù vì đấu tranh bảo vệ công lý :

Nữ luật sư Nghê Ngọc Lan (ngồi xe lăn) với bạn bè tại một công viên ở Bắc Kinh. Ảnh chụp ngày 27/05/2010.
Nữ luật sư Nghê Ngọc Lan (ngồi xe lăn) với bạn bè tại một công viên ở Bắc Kinh. Ảnh chụp ngày 27/05/2010. AFP PHOTO/Robert J. SAIGET
Quảng cáo

Trên cánh cửa vào nhà có dán một thông báo trục xuất. Trong nhà, bà Nghê Ngọc Lan ngồi trên giường đợi chúng tôi. Các vụ tra tấn, bạo hành mà vị nữ luật sư này phải hứng chịu trong tù đã làm cho bà bị tàn phế và phải di chuyển bằng xe lăn.

Bà tỏ ra không lo ngại về nguy cơ vô gia cư. Bà đã quen với việc bị đuổi khỏi nhà như vậy. Bà cho biết : Ngày 03/09 vừa qua, công an đã tìm thấy địa chỉ mới của chúng tôi. Họ đập cửa vào nhà đuổi chúng tôi. Camera đặt khắp nơi trong tòa nhà và họ theo dõi tôi từ hai năm nay.

Giống như hàng trăm nhà ly khai, bà Nghê Ngọc Lan, 57 tuổi, đã phải trả giá đắt vì đã dấn thân đấu tranh đòi công lý.

Bà giải thích, năm 2002, tôi là luật sư ở bộ phận ngoại thương. Khi Bắc Kinh được chọn để tổ chức Thế Vận Hội, một chiến dịch đập phá nhà cửa, giải phóng mặt bằng trên quy mô lớn bắt đầu. Tôi đã giúp đỡ một chủ sở hữu bảo vệ quyền lợi của họ. Do vậy, tôi đã bị bắt và giam cầm.

Tôi bị đánh gãy xương ở nhiều chỗ và gãy nhiều răng. Ra tù, tôi trở thành người tàn phế. Tuy vậy, tôi vẫn tiếp tục đấu tranh chống lại việc đập phá nhà cửa của dân một cách phũ phàng.

Năm 2008, chính nhà của bà cũng bị đập phá. Chỉ vì chống lại việc này, bà lại bị bắt và ngồi tù lần thứ hai.

Bà kể lại : Ở trong tù, người ta cấm dùng xe lăn, do vậy, tôi phải bò từ chỗ giam đến nơi làm việc. Tôi phải bọc đũa phục vụ cho Thế Vận Hội. Nếu tôi không bọc đủ 1100 đôi đũa mỗi ngày, tôi sẽ bị phạt, không được ăn và ngủ. »

2002, 2008, 2012, ba lần bị giam tù, rồi bị công an quấy nhiễu dọa nạt, bà Nghê Ngọc Lan vẫn không từ bỏ tranh đấu. Năm 2016, bộ Ngoại Giao Mỹ trao tặng bà « Giải Người Phụ Nữ Dũng Cảm Quốc Tế », nhưng Bắc Kinh không cho bà đi Washington để nhận giải. Thông tín viên Heike Schmidt cho biết tiếp :

 Luật sư Nghê Ngọc Lan vẫn tin tưởng rằng sự quan tâm của quốc tế sẽ bảo vệ bà. « Sự quan tâm, chú ý của các vị là rất cần và quan trọng đối với chúng tôi. Trước đây, công an dám phá cửa vào nhà đuổi chúng tôi đi và thường xuyên đánh đập chúng tôi. Chúng tôi đã từng vô gia cư. Nay, nhờ có sự ủng hộ của các vị, công an không dám trắng trợn đánh đập chúng tôi nữa.

Nghê Ngọc Lan hy vọng tổng thống Emmanuel Macron công du Trung Quốc nhưng đồng thời cũng bảo vệ những người tranh đấu cho nhân quyền. Bà cho biết : Tổng thống Mỹ Donald Trump khi đi thăm chỉ nói về kinh tế và chúng tôi thất vọng. Các chính trị gia không hành động nhiều cho chúng tôi. Họ lo ngại bị trừng phạt.

Tôi hy vọng là tổng thống Pháp sẽ cam đảm nêu lên những khó khăn mà chúng tôi phải đối mặt. Hàng trăm luật sư đã bị bắt, nhiều người trong số họ bị kết án tù, những người khác thì không còn được tự do.

Luật sư Nghê Ngọc Lan giờ đây không thể bảo vệ được ai nữa. Bà đã bị đoàn luật sư xóa tên khi bị bắt lần đầu ».

Tiền ảo, « cơn khát » của tin tặc Bắc Triều Tiên ?

Tin tặc Bắc Triều Tiên mới đây bị tố cáo đã tấn công vào các máy tính ở Hàn Quốc để ngầm nhắm vào các loại tiền ảo. Một lần nữa, các vụ tin tặc cho thấy Bắc Triều Tiên đang « thèm khát » các đồng tiền ảo vốn có rất nhiều lợi thế trong bối cảnh thế quốc tế tăng cường ngăn chặn các nguồn thu nhập bằng ngoại tệ của Bình Nhưỡng bằng các biện pháp trừng phạt kinh tế.

Vào mùa hè năm 2017, một nhóm hacker có tên gọi « Andariel » đã xâm nhập vào máy chủ của một doanh nghiệp ở Hàn Quốc. Theo hãng tin Bloomberg, một lãnh đạo của một viện nghiên cứu của chính phủ Hàn Quốc cho rằng nhóm tin tặc là từ Bắc Triều Tiên. Thông tín viên RFI Frédéric Ojardias từ Seoul giải thích :

« Các tin tặc đã sử dụng những máy chủ đó để khai thác một loại tiền ảo có tên là « Monero » với tổng giá trị 25.000 đô la mà doanh nghiệp không hề biết.

« Miner » là một thuật ngữ dùng để chỉ quy trình xử lý các thuật toán phức tạp để khai thác tiền ảo. Để giải được các thuật toán trên, cần có các máy tính có khả năng tính toán siêu việt. Đó là lý do vì sao tin tặc xâm nhập vào máy chủ của các doanh nghiệp. »

Đây không phải lần đầu tiên tin tặc Bắc Triều Tiên nhắm tới các đồng tiền ảo. Thông tín viên Ojardias cho biết :

« Hàn Quốc bây giờ đã nhận ra Bắc Triều Tiên đặc biệt quan tâm tới các loại tiền ảo. Trong năm 2017, các sàn giao dịch tiền ảo của Hàn Quốc đã bị tin tặc Bắc Triều Tiên tấn công ít nhất là 3 lần.

Hồi tháng 12/2017, các sàn giao dịch tiền ảo « Youbit » đã phá sản sau khi 17% lượng tiền ảo của họ « không cánh mà bay » sau khi bị tin tặc tấn công. Các vụ tấn công mạng kiểu này thường bắt nguồn từ việc các nhân viên bất cẩn mở thư điện tử mà file đính kèm có chứa mã độc.

Cũng vào tháng trước, Hoa Kỳ cáo buộc Bình Nhưỡng là thủ phạm vụ tấn công tin tặc bằng mã độc WannaCry nhắm vào hàng trăm ngàn máy tính hồi đầu năm 2017. Để lấy lại được tài liệu bị dính mã độc, nạn nhân phải giao nộp tiền ảo cho tin tặc. Tuy nhiên, Bắc Triều Tiên bác bỏ mọi cáo buộc về các tấn công tin tặc trên.»

Vấn đề là tại sao Bình Nhưỡng lại ngày càng quan tâm đến tiền ảo ? Vẫn theo thông tín viên Ojardias, các lệnh trừng phạt của quốc tế khiến chế độ Kim Jong Un không tiếp cận được nhiều nguồn ngoại tệ, trong khi đó tiền ảo không bị các nhà nước kiểm soát, tiền ảo gần như ẩn danh và dễ dàng vượt qua mọi biên giới. Đó là chưa kể tới giá trị của tiền ảo tăng chóng mặt trong năm qua.

Mặc dù đầu tư ít, nhưng tiền ảo lại mang về nhiều lợi nhuận. Chính vì thế, hàng ngàn hacker Bắc Triều Tiên, vốn ban đầu được đào tạo để đánh cắp các bí mật quốc gia, nay lại chuyển hướng sang chiếm đoạt tiền ảo để thu lời nhiều hơn cho chính quyền Bình Nhưỡng.

Yêu cầu chính phủ ngưng khai thác chất đốt : Các tổ chức bảo vệ môi trường ở Na Uy thua kiện

Na Uy là một trong các quốc gia xuất khẩu chất đốt lớn nhất hành tinh, đứng thứ 3 về khí ga, thứ 7 về dầu lửa trên toàn thế giới. Mới đây, trong vụ các tổ chức bảo vệ môi trường đệ đơn yêu cầu chấm dứt khai thác dầu lửa vì lý do bảo vệ bầu khí quyển, tư pháp Na Uy đã ra phán quyết sản xuất chất đốt không phải là bất hợp pháp tại Na Uy … Điều có có nghĩa là chính phủ Na Uy vẫn có quyền cấp giấy khép khai thác chất đốt thêm thềm lục địa nước này.

Từ Oslo, thông tín viên RFI Grégory Tervel giải thích :

« Vụ kiện bắt nguồn từ 3 tổ chức bảo vệ môi trường, trong đó có Greenpeace. Họ đã yêu cầu hủy quyết định của chính phủ trong việc cấp 10 giấy phép khai thác chất đốt ở biển Barents, vùng Bắc cực.

Theo các tổ chức này, việc tiếp tục khai thác dầu lửa và khí ga của Na Uy đi ngược lại Hiến pháp nước này theo đó các công dân đều có quyền được hưởng môi trường trong sạch và đi ngược lại thỏa thuận khí hậu Paris mà Na Uy là một trong các quốc gia đầu tiên cam kết thực hiện.

Tòa án Oslo đã bác yêu cầu của các tổ chức bảo vệ môi trường với lý do theo Hiến pháp Na Uy và thỏa thuận Paris, nhà chức trách phải có các biện pháp để bảo đảm một môi trường trong lành, kể cả cho các thế hệ tương lai, nhưng không hề ngăn cản chính phủ khai thác các nguồn tài nguyên ngầm trong lòng đất.

Các tổ chức bảo vệ môi trường đã thành công trong việc tuyên truyền về điều mà truyền thông Na Uy gọi là « phiên tòa về khí hậu ». Tuy nhiên, vụ kiện khá tốn kém : tòa án đã yêu cầu các tổ chức trên thanh toán chi phí xét xử lên tới 60.000 euro. »

Cuộc chiến chống ô nhiễm không khí ở Trung Quốc : chiến thắng trong tầm tay ?

Bầu trời Bắc Kinh đã xanh trong hơn một chút. Thủ đô của Trung Quốc vốn nổi tiếng về ô nhiễm không khí trầm trọng dường như đang mấp mé chiến thắng trong cuộc chiến giành lại bầu không khí trong lành … nếu chúng ta tin vào số liệu của cơ quan môi trường của nước này.

Từ Bắc Kinh, thông tín viên RFI Heike Schmidt giải thích :

« Cần phải thắng trong cuộc chiến không khoan nhượng để bảo vệ bầu trời trong xanh », nhân vật quyền lực số 1 của Trung Quốc hồi tháng 10/2017 đã nhấn mạnh từng chữ như vậy. Giờ đây, chiến thắng dường như đã trong tầm tay, ít nhất là ở thủ đô, nơi mật độ hạt bụi siêu nhỏ nguy hiểm trong bầu không khí đã giảm 20% so với năm 2016.

Mục tiêu đảm bảo mật độ hạt bụi siêu nhỏ chỉ dưới ngưỡng 60µg/m3 không khí đã đạt được. Tuy nhiên, chỉ tiêu trên khá khiêm tốn. Tổ chức Y Tế Thế Giới cảnh báo lượng bụi siêu nhỏ ở Trung Quốc đã tăng thêm 10 µg/m3 không khí sau 1 năm.

Nhà chức trách khoe là trong năm 2017 có 226 ngày bầu trời Trung Quốc trong xanh. Dù có lạc quan, phấn khởi thì vẫn phải rất cảnh giác … bởi vì cho dù có tới 100µg hạt bụi li ti/m3 không khí thì trong mắt nhà chức trách Trung Quốc, không khí vẫn … « sạch ».

Tuy nhiên, chính quyền Bắc Kinh đã cho áp dụng các biện pháp cứng rắn : hàng ngàn nhà máy đã phải đóng cửa hoặc di dời, và ít nhất 3 triệu hộ gia đình không được dùng than mà phải chuyển sang dùng khí ga để sưởi ấm. Khí ga thì đắt hơn và không phải ở đâu cũng có, nên kết quả là nhiều gia đình đã không được sưởi ấm trong kỳ Giáng Sinh lạnh giá.

Thế nhưng, 22 triệu người dân thủ đô Bắc Kinh lại tỏ ra lạc quan : số mặt nạ chống độc bán được trên thị trường đã giảm mạnh. »

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.