Vào nội dung chính
CHÂU Á - KINH TẾ

Châu Á làm thay đổi trật tự kinh tế quốc tế

Thời sự Iran được báo chí Pháp quan tâm với nhiều bài viết, phân tích, bình luận.Tuy nhiên, trang nhất báo Le Monde lại chú ý tới châu Á với hàng tựa « Sự thăng tiến không cưỡng nổi của châu Á làm thay đổi bản đồ kinh tế thế giới ».

Khu phố tài chính Phố Đông ở Thượng Hải. Ảnh chụp ngày 09/03/2017.
Khu phố tài chính Phố Đông ở Thượng Hải. Ảnh chụp ngày 09/03/2017. REUTERS/Aly Song
Quảng cáo

Châu Á không ngừng tăng trưởng kinh tế

Dựa trên các nghiên cứu, báo Le Monde nhận định « Châu Á làm thay đổi trật tự kinh tế thế giới ». Trên bàn cờ kinh tế thế giới, châu Á khẳng định vị trí của mình và trong năm 2018, Ấn Độ sẽ đứng hàng thứ năm trong số các cường quốc kinh tế hàng đầu thế giới, qua mặt Pháp và Anh. Dự báo phân loại này do Trung Tâm nghiên cứu kinh tế và kinh doanh của Anh (CEBR) công bố ngày 26/12 vừa qua.

Sự thăng tiến này sẽ còn tiếp tục trong 15 năm tới. Từ nay đến năm 2032, Hàn Quốc và Indonesia sẽ nằm trong nhóm 10 nền kinh tế hàng đầu. Đài Loan, Thái Lan, Philippines và Pakistan sẽ trong nhóm 25.

Vẫn theo nghiên cứu của CEBR, nếu tính tổng sản phẩm nội địa (PIB) theo đô la, thì đến năm 2030, Trung Quốc sẽ vượt lên trên Hoa Kỳ. Còn nếu tính theo « sức mua », tức là cùng một số tiền mua hàng hóa ngay tại nước đó, thì PIB của Trung Quốc dường như đã ngang bằng Mỹ.

Bất kể tính theo tiêu chí nào, châu Á đều có xu hướng gia tăng tỉ trọng kinh tế. Theo điều tra của công ty tư vấn Anh PricewaterhouseCoopers (PwC), được công bố hồi tháng 02/2017, thì đến năm 2030, trong số 5 nền kinh tế hàng đầu thế giới, có tới 4 nước châu Á, đó là Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản và Indonesia. Ông Julien Marcilly, chuyên gia kinh tế thuộc cơ quan bảo hiểm xuất khẩu Pháp Coface, nhận định : Các trung tâm quyền lực kinh tế có xu hướng di chuyển rõ nét về châu Á. Đó là điều chắc chắn. Còn trọng lượng kinh tế các nước phát triển sẽ giảm dần.

Về phần mình, CEBR nhắc lại : cho đến năm 2000, các quốc gia vẫn thường được gọi là « những nước phát triển » chiếm 76% trọng lượng kinh tế toàn thế giới. Con số này sẽ giảm xuống còn 44% vào năm 2032. Và các quốc gia vốn được coi là « đang phát triển », sẽ chiếm 56%. Do vậy, báo cáo của CEBR kết luận : ảnh hưởng chính trị tất yếu sẽ biến đổi theo chiều hướng này. Các nền kinh tế đang phát triển trước đây sẽ có trọng lượng gia tăng trong các định chế quốc tế và quan hệ song phương.

Sự năng động của khu vực châu Á-Thái Bình Dương tiếp tục thể hiện trong năm 2018 với tỷ lệ tăng trưởng có thể lên tới 5,4%, cao hơn mức tăng trưởng chung của nền kinh tế giới (3,7%), cũng như tất cả các khu vực kinh tế khác.

Le Monde cho biết, có nhiều yếu tố giải thích cho sự thăng tiến của kinh tế châu Á : các nền tảng vĩ mô kinh tế vững chắc, hội nhập thương mại mạnh mẽ với đầu tàu là Trung Quốc, dân số tăng nhanh. Đến năm 2030, châu Á sẽ có thêm 410 triệu dân và chiếm 50% tổng dân số toàn cầu.

Tỷ lệ đô thị hóa của châu Á cũng cao, 40%. (Các nước phát triển có tỷ lệ từ 80 đến 90%). Sự phát triển các trung tâm đô thị sẽ thúc đẩy ngành công nghiệp, dịch vụ và mức chi tiêu dùng. Đó là những động lực thúc đẩy tăng trưởng.

Tuy nhiên, báo Le Monde cũng lưu ý là nên tỉnh táo đánh giá các thành tích kinh tế. Chuyên gia Julien Marcilly giải thích : sức mạnh kinh tế được thể hiện qua quy mô tầm vóc thị trường. Các phân loại nói trên không phản ánh được mức độ giàu có trung bình của từng quốc gia. Một số nền kinh tế tiến rất nhanh nhưng PIB tính theo đầu người lại thấp hơn so với các nước phát triển.

Theo Ngân Hàng Thế Giới, trong năm 2016, thu nhập tính theo đầu người của Trung Quốc chỉ bằng 15% so với dân Mỹ, Ấn Độ chỉ bằng 3%.

Mặt khác, mức chênh lệnh giàu nghèo tại Trung Quốc và Ấn Độ rất cao. Giới chủ các tập đoàn lớn tại Ấn Độ có thu nhập cao hơn 229 lần mức lương tháng trung bình và Ấn Độ đứng hàng thứ hai, sau Hoa Kỳ, có mức chênh lệnh giàu nghèo cao nhất thế giới.

Ngoài ra, châu Á cũng phải đối mặt với một số thách thức, như dân số tại một số nước có xu hướng giảm, nguy cơ già trước khi giàu như tại Trung Quốc, tăng trưởng không còn cao như trước. Một số quốc gia châu Á có thể rơi vào cái « bẫy thu nhập trung bình », sau một thời gian tăng trưởng nhanh thì bị khựng lại, ngăn cản khả năng cải thiện nâng cao mức sống cho ngang bằng với các quốc gia phát triển.

Mâu thuẫn Mỹ-châu Âu về tình hình Iran

Về tình hình Iran, Liberation chạy trên trang nhất : « Iran, đánh thức sự sợ hãi ». Sau nhiều ngày biểu tình sôi sục, phong trào phản đối tại Iran có nguy cơ bị chính quyền bóp nghẹt, đe dọa trừng phạt nặng nề những ai dám biểu tình, không sợ bị trấn áp.

Les Echos cho biết « Chính quyền Iran làm chủ lại tình hình ». Lực lượng vệ binh Cách mạng khẳng định : tình trạng phản loạn đã chấm dứt.

Trong khi đó, Mỹ và châu Âu lại có phản ứng khác nhau về tình hình tại Iran.

Nhật báo Le Monde có bài xã luận nhận định về « Những chia rẽ xuyên Đại Tây Dương về Iran ».

Phong trào phản đối của người dân đang lan rộng tại Iran từ một tuần qua đã đẩy phương Tây vào tình thế khó khăn : hiệp định hạt nhân mà các cường quốc phương Tây ký với Iran là cội nguồn gián tiếp của làn sóng phản đối này và thỏa thuận nói trên có thể là nạn nhân liên đới.

Thỏa thuận được ký ngày 14/07/2015 giữa Iran và 5 thành viên Hội Đồng Bảo An (Mỹ, Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc) cùng với Đức bao gồm việc Iran ngưng một số hoạt động hạt nhân. Đổi lại, phương Tây sẽ dỡ bỏ cấm vận đối với chính quyền Teheran. Hiệp định do phe cải cách dẫn đầu là tổng thống Hassan Rohani đám phán ký kết cũng như viễn cảnh đón nhận các đầu tư nước ngoài đã làm cho người dân Iran hy vọng tình hình kinh tế sẽ được cải thiện. Thế nhưng, các mong đợi này không hề được thực hiện do thái độ dè chừng của chính quyền Donald Trump làm tê liệt mọi tham vọng của châu Âu quay trở lại Iran làm ăn, đầu tư.

Vấn đề này lại càng trở nên phức tạp khi phương Tây có lập trường chia rẽ rõ rệt trong quan hệ với Iran. Không ngần ngại đổ thêm dầu vào lửa, ngay từ đầu phong trào biểu tình, tổng thống Mỹ Donald Trump nhiều lần lên tiếng khuyến khích người dân Iran. Nhà Trắng coi việc ủng hộ này là cơ hội thể hiện lập trường khác biệt với chính quyền của cựu tổng thống Barack Obama.

Năm 2009, khi phong trào biểu tình nổ ra và bị đàn áp, chính quyền Mỹ lúc đó có thái độ thận trọng.

Ý thức được sự phức tạp của tình hình, các nước châu Âu chỉ kêu gọi chính quyền Teheran kiềm chế, tôn trọng quyền tự do ngôn luận và biểu tình của người dân, bày tỏ mối lo ngại trước các hành động trấn áp biểu tình.

Le Monde giải thích, Mỹ và châu Âu có các phản ứng khác nhau vì hai bên có lập trường đối lập nhau về tương lai của hiệp định hạt nhân Iran. Tổng thống Donald Trump không dấu diếm thái độ thù nghịch đối với Iran và thỏa thuận hạt nhân, trong lúc các nước châu Âu muốn giữ văn bản này. Hồi tháng 10/2017, khi buộc phải có ý kiến về việc Iran có tôn trọng thỏa thuận hạt nhân hay không, tổng thống Mỹ đã lựa chọn giải pháp nửa vời, từ chối xác nhận nhưng để cho Quốc Hội có khả năng cải thiện văn bản này.

Giai đoạn hiện nay khá tế nhị : trong khoảng thời gian từ 11 đến 17/01/2018, tổng thống Mỹ lại phải đối mặt với việc thừa nhận Iran tôn trọng hiệp định hạt nhân và qua đó, dỡ bỏ cấm vận hoặc là ông sẽ chính thức bác bỏ hiệp định này. Giải thuyết thứ hai, trong bối cảnh bạo động ở nhiều nơi tại Iran, chắc chắn làm gia tăng căng thẳng bên trong Iran.

Tại Pháp, tổng thống Emmanuel Macron tìm cách « dung hòa » nhiều yếu tố : duy trì hiệp định hạt nhân, lo ngại về vai trò của Iran trong bối cảnh mất ổn định khu vực, duy trì đối thoại với tổng thống Rohani, có lập trường thận trọng về phong trào biểu tình hiện nay. Do vậy, trong cuộc điện đàm với đồng nhiệm Iran, ngày 02/01, tổng thống Macron kêu gọi chính quyền Teheran kiềm chế, làm dịu căng thẳng. Đồng thời, nguyên thủ Pháp yêu cầu ngoại trưởng Jean-Yves Ledrian hoãn chuyến công du Iran được dự kiến vào ngày 05/01. Theo Le Monde, đó là một quyết định khôn ngoan, khác hẳn với thái độ náo động tại Washington.

Đi cùng hướng này, xã luận báo La Croix cho rằng « Nên thận trọng với Iran ». Khác với tổng thống Mỹ Donald Trump, châu Âu không nên đổ thêm dầu vào lửa, kêu gọi thay đổi chính quyền, đồng thời vẫn luôn luôn cảnh giác về tình trạng nhân quyền tại Iran. Pháp và châu Âu cần thúc đẩy làm dịu căng thẳng trong khu vực, tạo thuận lợi cho các trao đổi thương mại, văn hóa và du lịch với người dân Iran.

2017 : Số phụ nữ bị ung thư phổi tăng tại Pháp

Trong lĩnh vực y tế, báo Le Figaro có bài đáng chú ý với lời báo động, tại Pháp, trong năm 2017, « Ung thư phổi ở phụ nữ gia tăng ».

Ngày 02/01 vừa qua, các cơ quan phụ trách y tế công, viện nghiên cứu ung thư quốc gia Pháp đã công bố nghiên cứu thẩm định về bệnh ung thư, theo đó, số các trường hợp chẩn đoán bị ung thư gia tăng, tuy nhiên, số người tử vong về bệnh này lại giảm.

Trong năm 2017, có thêm 400 ngàn trường hợp được chẩn đoán là bị ung thư, nam giới 54% và nữ giới là 46%/. Tổng cộng, 150 ngàn bệnh nhân tử vong vì căn bệnh quái ác này.

Ba loại ung thư có số người tử vong cao nhất, đối với nam giới là ung thư phổi, ung thư ruột già và sau cùng là ung thư tuyến tiền liệt. Ở phụ nữ, nếu nhìn trong một giai đoạn vài năm thì ung thư ngực có tỷ lệ tử vọng cao nhất. Tuy nhiên, trong năm 2017, tỷ lệ phụ nữ qua đời vì ung thư phổi lại tăng vọt, hơn 10 ngàn người.

Theo giải thích của giới chuyên gia, phụ nữ bắt đầu hút thuốc lá nhiều từ cuối những năm 1960 và các thế hệ phụ nữ sau đó còn hút nhiều hơn. Ngược lại, nam giới lại có xu hướng giảm hút thuốc lá.

Yếu tố thứ hai là rượu. Những thế hệ trưởng thành từ giữa thế kỷ trước đã uống nhiều rượu hơn hiện nay.

Do vậy, giới chuyên gia khẳng định lại những khuyến cáo từ trước tới nay, để giảm nguy cơ gây ung thư, thì cần giảm hút thuốc lá và uống rượu.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.