Vào nội dung chính
Tạp chí đặc biệt

Tại Ý, mũ phớt nổi tiếng Borsalino có nguy cơ phá sản

Đăng ngày:

Chiếc mũ Borsalino một thời gắn liền với các tên tuổi điện ảnh lừng danh như Humphrey Bogart, Alain Delon, Jean-Paul Belmondo, Marcello Mastroianni hay Johnny Depp và Stromae. Chiếc mũ phớt huyền thoại này giờ có nguy cơ sẽ không còn được sản xuất nữa. Vừa qua, tòa án thành phố Alexandrie đã tuyên bố doanh nghiệp này phá sản.

Jean-Paul Belmondo và Alain Delon cùng với chiếc mũ phớt Borsalino, trong một phim của Jacques Deray, năm 1970, tại Paris.
Jean-Paul Belmondo và Alain Delon cùng với chiếc mũ phớt Borsalino, trong một phim của Jacques Deray, năm 1970, tại Paris. Jean-Pierre BONNOTTE/Gamma-Keystone via Getty Images
Quảng cáo

Từ Roma, thông tín viên Anne Le Nir giải thích vì sao một doanh nghiệp huyền thoại, mang tính biểu tượng cao của sản phẩm thời trang cao cấp của Ý lại rơi vào nông nỗi này :

« Thực ra, tòa án thành phố Alexandrie vào cuối năm 2016, đã áp dụng thủ tục phục hồi hoạt động đối với nhà sản xuất mũ phớt huyền thoại này, có trụ sở ở Piémont (phía tây bắc Ý). Quỹ đầu tư Haeres Equita đã mua lại doanh nghiệp này trong năm 2015. Và kế hoạch phục hồi hoạt động do quỹ này trình lên đã bị bác bỏ.

Thế nhưng, quỹ Haeres, mà doanh nhân Ý Philippe Camperio nắm giữ đa số cổ phiếu, dường như vẫn cố theo đuổi cam kết của mình, nhằm bảo giữ kỹ nghệ làm mũ độc đáo duy nhất của 134 nhân công tại đây và xóa món nợ 30 triệu euro mà ông chủ cũ, Marco Marenco, đã đi vay. Xin nói thêm là Marco Marenco đã bị bắt tại Thụy Sĩ năm 2015 với tội danh gian dối và trốn thuế.

Tuy quyết tâm cao và có doanh thu hơn 15 triệu euro, Quỹ Haeres đã không vượt qua được các khó khăn trong năm 2017. Do vậy, tòa đã bác bỏ kế hoạch phục hồi hoạt động thứ hai, ra lệnh thanh toán nợ và tuyên bố doanh nghiệp phá sản. Hai người quản lý doanh nghiệp được bổ nhiệm. Vấn đề hiện nay là trong hoàn cảnh này, doanh nghiệp liệu có thể tiếp tục hoạt động được nữa hay không. »

Ngược dòng lịch sử của một trong những kiểu mũ lịch duyệt nhất. Ai đã sáng tạo ra mũ Borsalino?

« Tất cả bắt đầu vào năm 1857, khi hai anh em, Giuseppe và Lazzaro Borsalino, lập một xưởng làm mũ. Vải dạ được sản xuất theo truyền thống cổ xưa, với các máy chế biến lông thỏ rừng hoặc lông hải ly thành loại dạ mềm mại. Vào đầu thế kỷ 20, hơn 2 triệu mũ Borsalino được sản xuất mỗi năm. Nhưng từ năm 1942 trở đi, mũ Borsalino trở thành một sản phẩm huyền thoại thần bí trên toàn thế giới, nhờ vào Humphrey Bogart và Ingrid Bergman.

Hai diễn viên điện ảnh nổi tiếng này đều đội mũ phớt sang trọng trong cảnh cuối bộ phim Casablanca. Sự huyền bí gia tăng với việc các diễn viên điện ảnh nổi tiếng khác như Mastroianni, Alain Delon và Belmondo đều đội mũ này. Nhưng không chỉ có giới nghệ sĩ, mà cả trùm mafia Al Capone, tổng thống Pháp François Mitterrand, hay thủ tướng Ý Silvio Berlusconi, hoặc người mẫu nổi tiếng Kate Moss.

Tóm lại, đó là đồ trang sức phải có đối với các nghệ sĩ, chính trị gia và cả các ông trùm mafia. Thế nhưng, doanh nghiệp bị đổi chủ nhiều lần và trở thành tâm điểm một vụ bê bối chính trị-kinh tế hồi năm 1992 và từ đó, không tài nào vươn dậy được. »

Vậy giá trung bình một chiếc mũ phớt Borsalino là bao nhiêu?

« Loại mũ phớt lông thỏ xám, vành rộng dài và mềm, hơi uốn cong một chút phía sau và phần trên đỉnh mũ trũng xuống hiện được bán với giá gần 300 euro. Nhưng nên biết là mũ Borsalino được làm một cách thủ công và phải trải qua hơn 70 công đoạn. Năm 2017, 70% số mũ làm ra trong một năm, tức là khoảng 250 ngàn chiếc là dành cho xuất khẩu. Hy vọng là một sự thần bí nào đó trong dịp Noel sẽ giúp duy trì được việc sản xuất loại mũ huyền thoại này. »

Volkswagen và chế độ quân sự độc tài tại Brazil

Tại Đức, nhiều doanh nghiệp giao cho giới sử gia độc lập nghiên cứu nhằm làm rõ mối quan hệ của họ dưới thời phát xít Đức. Tập đoàn sản xuất xe hơi Đức Volkswagen cũng vừa làm việc này, nhưng có khác một chút, đó là điều tra về quan hệ của tập đoàn với chế độ quân sự độc tài Brazil từ những năm 1960 đến 1980.

Đầu tiên, thông tín viên Pascal Thibaut tại Berlin giải thích những chỉ trích nhắm vào tập đoàn Volkswagen trong giai đoạn này :

« Nghiên cứu mà sử gia Đức Christofer Kopper vừa trao cho Volkswagen nói đến sự cộng tác của một số thành viên bộ phận an ninh của tập đoàn này tại Brazil với cảnh sát chính trị của chế độ quân sự. Sự cộng tác này trong những năm 1970 dường như dẫn đến việc bắt giữ ít nhất là 7 nhân viên của tập đoàn vào thời điểm mà ai cũng biết là chế độ quân sự Brazil tiến hành tra tấn tù nhân.

Ngược lại, nghiên cứu cho rằng không có những nhân tố chứng minh rằng Volkswagen đã ủng hộ giới quân nhân lên nắm quyền tại Brazil năm 1964. Tập đoàn chế tạo xe hơi Đức coi đây là một bước ngoặt thuận lợi, chế độ quân sự độc tài giúp ổn định đất nước và thực hiện một chính sách tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp, trấn áp các công đoàn. Volkswagen Brazil được thành lập năm 1953 và lãnh đạo đầu tiên của chi nhánh này là một cựu phát xít. »

Động cơ nào thúc đẩy Volkswagen giao cho các sử gia độc lập nghiên cứu về mối quan hệ này ?

« Nếu như tập đoàn Volkswagen đã đi được bước này đó là vì Tiểu ban sự thật tại Brazil đã tiến hành nhiều công trình tìm kiếm và nghiên cứu về những tội ác của chế độ quân sự độc tài. Lời chứng của một cựu nhân viên Volkswagen, nạn nhân của chính sách đàn áp, đã chỉ trích gay gắt lãnh đạo tập đoàn tại Brazil, và nhiều đơn kiện hiện đang được tư pháp Brazil xem xét. Sự đồng lõa giữa Volkswagen và chế độ quân sự độc tài không phải là một phát hiện mới mẻ gì.

Tuy nhiên, việc giao cho một sử gia độc lập nghiên cứu điều tra cũng là một cách thức để Volkswagen chứng tỏ là sẵn sàng chịu trách nhiệm về quá khứ của tập đoàn. Cải thiện được uy tín của tập đoàn cũng có thể tạo thuận lợi cho việc gặt hái được những kết quả kinh tế. Volkswagen là doanh nghiệp Đức đầu tiên chấp nhận làm việc này. Chủ tịch Volkswagen Brazil đã xin lỗi các nạn nhân. Một tấm biển ghi lại những sự việc đau buồn này được gắn ở chi nhánh trong những ngày qua. »

Một chiếc Volkswagen cổ được sơn mầu cờ của Brazil.
Một chiếc Volkswagen cổ được sơn mầu cờ của Brazil. AFP/Raphael Alves

Sau khi báo cáo được công bố, người dân Brazil và Đức đã có phản ứng ra sao ?

« Các phản ứng chủ yếu là ở Brazil và không phải tất cả những lời bình luận đều tốt đẹp đối với Volkswagen. Các nạn nhân của chính sách đàn áp, gần như là bị Volkswagen giao nộp cho chế độ quân sự độc tài, đã tẩy chay lễ gắn biển tưởng nhớ. Họ cho rằng doanh nghiệp làm việc này để chứng tỏ là « trong trắng », không thừa nhận trách nhiệm trực tiếp của mình. Nghiên cứu lịch sử cho rằng không tìm thấy một chỉ dấu rõ ràng nào về sự cộng tác của doanh nghiệp với cảnh sát chính trị của chế độ quân sự độc tài. Những người phụ trách an ninh của Volkswagen dường như chủ động làm những việc đó.

Các tranh luận này gây ra một hậu quả khác. Chuyến thăm Brazil của một lãnh đạo cấp cao tập đoàn Volkswagen đã bị hủy bỏ. Tập đoàn tuyên bố sẵn sàng đền bù cho các cựu nhân viên là nạn nhân của chính sách đàn áp chính trị. Volkswagen làm việc này cũng như nhiều doanh nghiệp Đức, cách nay khoảng 15 năm, đã phải đền bù cho những người bị cưỡng bức làm việc dưới thời phát xít Đức. Thế nhưng, các lãnh đạo của chi nhánh Brazil lại khuyến cáo tập đoàn không nên làm như vậy vì lo sợ sẽ gây ra hậu quả tài chính nặng nề. »

« Làng hợp nhất » : Ốc đảo giữa lòng khu siêu quân sự biên giới liên Triều

Đến với bán đảo Triều Tiên, đặc biệt là vùng biên giới nơi mà hai miền Nam-Bắc Triều Tiên đối đầu nhau từ 7 thập niên qua. Tại đây binh sĩ hai miền 24 giờ trên 24 giờ quanh năm suốt tháng, vũ trang đến tận răng, nhìn nhau trừng trừng, theo dõi nhất cử nhất động.  Mức độ căng thẳng lên cao đến mức một lần cựu tổng thống Mỹ Bill Clinton đã phải thốt lên cho rằng đây là « Nơi kinh hãi nhất hành tinh ».

Nghịch lý thay khu vực vũ trang nhất hành tinh này lại được gọi là « Khu vực phi quân sự hóa ». Và ngay giữa lòng khu phi quân sự đó, ít có ai biết được rằng lại có một ngôi làng nhỏ với 200 cư dân, và bầu không khí căng thẳng, ngột ngạt ở đây không hề làm cho dân làng lo ngại, sợ hãi. Thông tín viên RFI Frédéric Ojardias đã có dịp đến khu làng này, gặp gỡ và trao đổi với người dân.

« Hàng rào dây thép gai, các chòi canh gác, khu vực rải mìn, binh sĩ qua lại… và ở chính giữa khung cảnh, lại có một trường học, một nhà thờ : Đó là Làng Thống Nhất. Một binh sĩ Hàn Quốc, không được phép tiết lộ tên của mình, hướng dẫn nhóm phóng viên đi thăm khu làng.

Anh cho biết đây là khu vực cấm dân. Những người được phép sinh sống tại đây là những gia đình được lựa chọn vì họ có tinh thần chống cộng kiên cường, không thay đổi. Các gia đình này có nhiều ưu đãi, như được miễn thuế. Việc thành lập khu làng vào năm 1973, như một dạng tuyên cáo của miền Nam gửi tới miền Bắc. »

Xa xa vọng lại các chương trình tuyên truyền mà hai miền phát suốt ngày, xỉ vả nhau thông qua các loa phóng thanh…Mùa đông, thời tiết giá lạnh, âm 10 độ. Dù sống trong bầu không khí căng thẳng, nhưng người dân tại đây vẫn cảm thấy bình thản và chẳng có gì phải sợ hãi. Thông tín viên Frédéric Ojardias tường thuật tiếp :

« Trước một siêu thị nhỏ duy nhất trong khu làng, đối diện với hầm trú ẩn tránh bom, hai nông dân hàn huyên sôi nổi quanh chiếc lò sưởi điện. Một người nông dân chỉ rõ ngay phía trước mặt là Bắc Triều Tiên. Họ còn nhìn thấy cả một khu làng Bắc Triều Tiên.

Một người nông dân cho biết ông không sợ. Ngay cả khi sống trong bầu không khí căng thẳng giữa hai miền, thì cũng chẳng có lý do gì để sợ hãi cả. Bởi vì nếu xẩy ra chiến tranh, bom không rơi vào đây mà chỉ bay qua thôi. Ở đây, nếu có đánh nhau thì là giáp lá cà…

Còn Bang Nae-ok, 92 tuổi, sống ở đây từ những năm 1980. Bà cho biết là được sinh ra ở miền Bắc, nhưng đến tị nạn ở miền Nam trong thời gian có chiến tranh. Bà đến sinh sống tại khu làng này bởi vì đây là nơi gần nhất với quê bà. Bà không cảm thấy có gì căng thẳng. Phía trước là Bắc Triều Tiên, có thế thôi. Bà sống bình thản ở đây. »

Vẫn theo mô tả của Frédéric Ojardias, giữa làng là ngôi trường tiểu học, sơn các mầu cầu vồng. Trường có 53 học sinh, rất nhiều em sống ở bên ngoài khu phi quân sự, nhưng đến học ở đây. Bà Kim Hee Sook là hiệu phó của trường :

« Tự tôi đã đề nghị được đến dậy học ở đây. Có rất nhiều giáo viên đăng ký đến dậy ở trường này. Tôi làm việc ở đây từ lâu rồi và tôi không nghĩ là nguy hiểm. Trường chúng tôi rất yên bình, nhỏ bé và các em học sinh thì vui chơi sung sướng. Chính vì thế mà có nhiều học sinh và giáo viên muốn đến trường này. »

Trong toàn khu làng, người nào cũng nói : Bắc Triều Tiên không làm chúng tôi sợ hãi. Việc nhắc đi nhắc lại điệp khúc này gây nghi ngờ : chỉ còn vài tuần nữa là có Thế vận hội mùa đông tại Hàn Quốc, chắc vì thế mà không nên làm cho du khách nước ngoài lo ngại.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.