Vào nội dung chính
MIẾN ĐIỆN - VATICAN

Tại Miến Điện, Đức giáo hoàng kêu gọi tôn trọng mọi sắc tộc

Hôm nay, 28/11/2017, tại Naypyidaw, Đức giáo hoàng Phanxicô tuyên bố tương lai của Miến Điện thông qua nền hòa bình, dựa trên « sự tôn trọng mọi nhóm sắc tộc thiểu số », hàm ý nói đến người Rohingya tuy ngài không nêu tên.

Đức giáo hoàng Phanxico đọc diễn văn tại Naypyitaw, Miến Điện, ngày 28/11/2017.
Đức giáo hoàng Phanxico đọc diễn văn tại Naypyitaw, Miến Điện, ngày 28/11/2017. REUTERS/Soe Zeya Tun
Quảng cáo

Trong bài phát biểu trước chính quyền dân sự Miến Điện và các nhà ngoại giao, Đức giáo hoàng Phanxicô kêu gọi tôn trọng tư pháp và nhân quyền. Ngài hoan nghênh « những nỗ lực của chính phủ », trong đó có giải Nobel Hòa Bình Aung San Suu Kyi, trong việc khởi động tiến trình đối thoại với nhiều sắc tộc khác nhau, để « cố gắng chấm dứt bạo động, tạo dựng lòng tin và bảo đảm tôn trọng quyền lợi của tất cả những ai coi mảnh đất này là ngôi nhà của mình ».

Trái với thói quen, người đứng đầu Giáo hội Công giáo tránh đề cập trực tiếp nạn bạo động tại miền tây Miến Điện từ cuối tháng Tám, làm trên 620.000 người Rohingya theo đạo Hồi phải sang Bangladesh tị nạn. Liên Hiệp Quốc cho rằng đây là trường hợp điển hình về « thanh lọc chủng tộc ».

Đức giáo hoàng Phanxicô đã có cuộc gặp với bà Aung San Suu Kyi, điểm nhấn trong chương trình tông du châu Á lần này. Bà Suu Kyi tuyên bố : « Chính phủ chúng tôi có mục tiêu bộc lộ nét đẹp của sự đa dạng và củng cố, bảo vệ các quyền, khuyến khích sự dung thứ và bảo đảm an ninh cho tất cả mọi người ».

Giáo hội Công giáo Miến Điện, vốn bênh vực giải Nobel Hòa bình, đang bị chỉ trích dữ dội vì im lặng trước thảm cảnh của người Rohingya, đã vận động Đức giáo hoàng không dùng từ « Rohingya », để tránh đụng chạm cộng đồng Phật giáo đông đảo ở Miến Điện. Trong khi trước đó, nhiều lần từ Roma, Đức giáo hoàng Phanxicô bày tỏ nỗi xúc động trước số phận của những người thiểu số « bị tra tấn và sát hại chỉ vì truyền thống và tín ngưỡng của họ ».

Một nhà hoạt động người Rohingya tại Rangun nói với AFP, họ vẫn hiểu rằng Đức giáo hoàng đang hướng về họ, và hy vọng ngài sẽ dùng từ « Rohingya » một khi đã sang Bangladesh.

Hôm qua, Đức giáo hoàng Phanxicô đã gặp tổng tham mưu trưởng quân đội Min Aung Hlaing. Nhân vật quyền lực nhất Miến Điện khẳng định « không hề phân biệt tín ngưỡng » và quân đội hành động chỉ vì « hòa bình và ổn định của đất nước ».

Sáng nay, Đức giáo hoàng tiếp riêng các lãnh đạo Phật giáo, Ấn Độ giáo, Cơ Đốc giáo, Hồi giáo và Do Thái giáo tại Rangun. Sau bốn ngày thăm Miến Điện, ngài sẽ đến Bangladesh, nước đang tiếp nhận 900 000 người Rohingya tị nạn.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.