Vào nội dung chính
PHÁP - TRUNG - BẮC TRIỀU TIÊN

Ngoại trưởng Pháp không thuyết phục được Bắc Kinh về Bắc Triều Tiên

Đến Bắc Kinh từ ngày 24/11/2017, ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian khẳng định chuyến viếng thăm Trung Quốc của tổng thống Emmanuel Macron sẽ diễn ra vào đầu năm 2018. Trong cuộc hội đàm cùng ngày với đồng nhiệm Vương Nghị, Ngoại trưởng Le Drian muốn tìm được tiếng nói chung trên nhiều hồ sơ quan trọng, trong đó có Bắc Triều Tiên.

Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves le Drian và đồng nhiệm Trung Quốc Vương Nghị trong cuộc họp báo tại Bắc Kinh, ngày 24/11/2017.
Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves le Drian và đồng nhiệm Trung Quốc Vương Nghị trong cuộc họp báo tại Bắc Kinh, ngày 24/11/2017. REUTERS/Jason Lee
Quảng cáo

Tuy nhiên, về hồ sơ hạt nhân Bình Nhưỡng lại tồn tại một « điểm bất đồng » giữa hai nước thành viên của Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc, dù cả Pháp và Trung Quốc đều bỏ phiếu thuận cho nghị quyết tăng cường trừng phạt chế độ Kim Jong Un.

Từ Bắc Kinh, thông tín viên RFI Heike Schmidt tường trình :

« Ông Jean-Yves Le Drian nhấn mạnh : « Không có giải pháp quân sự ». Nhưng làm thế nào để buộc Bình Nhưỡng trở lại bàn đàm phán ? Paris và Bắc Kinh bất đồng về điểm này.

Ngoại trưởng Pháp phát biểu : « Chúng tôi có một điểm đánh giá khác nhau. Tôi không tin vào chiến lược « đình chỉ kép » cho lắm, vì trước hết, tôi không thấy hiện nay Bắc Triều Tiên sẵn sàng đàm phán đến cả nguyên tắc các chương trình hạt nhân của họ. Mặt khác, căn cứ vào tình trạng nghiêm trọng của mối đe dọa, Hàn Quốc và Hoa Kỹ khó có thể chấp nhận giảm bớt các cuộc tập trận chung. Đây là một cách trấn an người dân Hàn Quốc ».

Tuy nhiên, đồng nhiệm Trung Quốc Vương Nghị vẫn kiên trì bảo vệ lập trường của Bắc Kinh. Lo ngại về các biện pháp trừng phạt mới, một lần nữa, ông Vương Nghị yêu cầu Mỹ ngừng các hoạt động quân sự để đổi lại việc Bắc Triều Tiên ngừng thử hạt nhân. Ông nói :

« Ít nhất chúng tôi có điểm chung này : chúng tôi phản đối chiến tranh và ủng hộ đàm phán. Chiến lược « đình chỉ kép » của Trung Quốc là thực tế và thực hiện được, đồng thời có nhiều nước ủng hộ quan điểm này. Cần phải tiến bước đầu tiên để đạt được mục đích phi hạt nhân bán đảo Triều Tiên và để ngừng mọi vụ thử. Nếu không hội tụ đủ điều kiện, thì chúng ta phải tạo ra chúng để đạt được mục tiêu ».

Có điều cả Washington và Bình Nhưỡng đều kịch liệt bác bỏ sáng kiến ngoại giao của Trung Quốc ».

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.