Vào nội dung chính
CAM BỐT - ĐỐI LẬP

Châu Âu và Mỹ kêu gọi Cam Bốt hủy quyết định giải tán đảng đối lập

Ngay sau khi Tòa Án Tối Cao Cam Bốt ra phán quyết giải tán Đảng Cứu Nguy Dân Tộc Cam Bốt, đảng đối lập chính tại quốc gia này, vào ngày 16/11/2017, Liên Hiệp Châu Âu và Hoa Kỳ kêu gọi Phnom Penh hủy quyết định nói trên, bị lên án là phản dân chủ. Bruxelles để ngỏ khả năng trừng phạt Cam Bốt về thương mại.

Biểu ngữ có hình ông Kem Sokha, lãnh đạo Đảng Cứu Nguy Dân Tộc Cam Bốt, tại Phnom Penh, ngày 17/11/2017.
Biểu ngữ có hình ông Kem Sokha, lãnh đạo Đảng Cứu Nguy Dân Tộc Cam Bốt, tại Phnom Penh, ngày 17/11/2017. REUTERS/Samrang Pring
Quảng cáo

AFP cho hay, tối 16/11, Nhà Trắng ra thông cáo kêu gọi « chính phủ hoàng gia Cam Bốt hủy các biện pháp mới đây chống lại đảng Đảng Cứu Nguy Dân Tộc Cam Bốt, trả tự do cho lãnh đạo của đảng này, ông Kem Sokha, cho phép các đảng phái đối lập, xã hội dân sự và các phương tiện truyền thông tiếp tục hoạt động ». Hoa Kỳ lên án Cam Bốt thụt lùi về dân chủ, và báo trước sẽ chấm dứt ủng hộ Ủy Ban Bầu Cử Quốc Gia Cam Bốt, bởi trong tình trạng hiện nay, « cuộc bầu cử năm tới (2018) sẽ không mang tính chính đáng, không tự do và không công bằng ».

Về phần mình, một người phát ngôn của Liên Hiệp Châu Âu cũng nhấn mạnh là cuộc bầu cử Quốc Hội Cam Bốt năm 2018 sẽ không có tính chính đáng, nếu không có sự tham gia của đảng đối lập chính, Đảng Cứu Nguy Dân Tộc Cam Bốt. Liên Hiệp Châu Âu cũng cảnh báo : « việc tôn trọng nhân quyền » là một điều kiện tiên quyết để bảo đảm Cam Bốt có thể tiếp tục được hưởng các điều kiện thương mại ưu đãi của Liên Âu.

Theo phán quyết của Tòa Án Tối Cao Cam Bốt, Đảng Cứu Nguy Dân Tộc Cam Bốt phải giải thể, do bị khép tội âm mưu tổ chức dân chúng nổi dậy. Hậu quả là đảng này mất đi toàn bộ 489 lãnh đạo dân cử địa phương và 55 ghế nghị sĩ. Các ghế dân biểu bị trống tại Quốc Hội sẽ được phân phối cho các đảng nhỏ thân chính quyền.

Trả lời phỏng vấn RFI, nhà chính học Mỹ gốc Cam Bốt Sophal Ear, Đại học Los Angeles, cho biết một số đảng nhỏ đã nhận tiền của chính quyền Hun Sen để kiện đảng đối lập, và kết quả là họ đã « thành công ».

Theo ông, quyết định của Tòa Án Tối Cao Cam Bốt trên thực tế chính là quyết định của thủ tướng Hun Sen, bởi chánh tòa là thành viên ban lãnh đạo Đảng Nhân Dân Cam Bốt cầm quyền. « Chúng ta đang chứng kiến những giờ phút cuối cùng của nền dân chủ tại Cam Bốt », ông nói.

Theo các nhà quan sát, cho đến nay, được chính quyền Trung Quốc chống lưng, thủ tướng Cam Bốt Hun Sen tỏ ra không mấy quan tâm đến các áp lực từ phương Tây. Sau vụ chủ tịch Đảng Cứu Nguy Dân Tộc Cam Bốt bị bắt, hơn một nửa nghị sĩ đảng này đã phải chạy ra nước ngoài để tránh đàn áp, thủ tướng Cam Bốt đe dọa các nghị sĩ đối lập nào không tuân phục sẽ bị trừng phạt nặng nề.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.