Vào nội dung chính
CAM BỐT - ĐỐI LẬP

Cam Bốt : Tòa Án Tối Cao ra phán quyết giải thể đảng đối lập

Hôm nay, 16/11/2017, Tòa Án Tối Cao Cam Bốt đã ra phán quyết giải thể đảng đối lập  Cứu Nguy Dân Tộc Cam Bốt, theo đề nghị của chính quyền Hun Sen. Đối lập Cam Bốt kêu gọi cộng đồng quốc tế can thiệp cứu nguy nền dân chủ tại quốc gia này.

Ảnh minh họa : cảnh Tòa án Tối Cao Cam Bốt ngày 16/11/2017.
Ảnh minh họa : cảnh Tòa án Tối Cao Cam Bốt ngày 16/11/2017. REUTERS/Samrang Prin
Quảng cáo

Theo quyết định của Tòa, sau một ngày xét xử, Đảng Cứu Nguy Dân Tộc Cam Bốt chính thức bị giải thể, 118 lãnh đạo của đảng bị cấm hoạt động chính trị trong vòng 5 năm. Căng thẳng dâng cao tại thủ đô Phnom Penh trước giờ phán quyết của tòa. Lực lượng an ninh được triển khai tại các khu phố xung quanh trụ sở Tòa Án Tối Cao.

Giới bảo vệ nhân quyền lên án thủ tướng Hun Sen – cầm quyền từ 32 năm nay - muốn loại trừ đối lập, để độc quyền điều hành đất nước, trước thềm cuộc bầu cử Quốc Hội, dự kiến vào tháng 7/2018.

Chính phủ Cam Bốt yêu cầu giải tán đảng đối lập đầu tháng 10, sau nhiều tháng gia tăng đàn áp nhắm vào đối lập và xã hội dân sự. Kể từ đầu tháng 9, khi chủ tịch đảng, ông Kem Sokha, bị bắt giam vì cáo buộc « phản quốc », hơn một nửa dân biểu đảng Cứu Nguy Dân Tộc đã phải chạy ra nước ngoài để tránh bị truy bức.

Trả lời RFI, nữ nghị sĩ Mu Sochua, phó chủ tịch đảng đối lập Cam Bốt, phải rời đất nước từ tháng 10, khẳng định không từ bỏ cuộc đấu tranh và kêu gọi cộng đồng quốc tế lên tiếng :

« Nền dân chủ tại Cam Bốt đã cáo chung. Chúng tôi đã chuẩn bị điều kiện cho nền dân chủ tại Cam Bốt từ hơn 20 năm nay, nhưng chúng ta đang chứng kiến sự kết liễu của nền dân chủ.

Tuy nhiên, chúng tôi vẫn tiếp tục cuộc đấu tranh, bởi mục tiêu của chúng tôi là vì đất nước Cam Bốt. Chúng tôi đại diện cho tiếng nói của ít nhất 3 triệu cử tri, 3 triệu người dân Cam Bốt mong muốn thay đổi, mong muốn một sự thay đổi thật sự, thay đổi cho cuộc sống của chính họ.

Hiện tại, điều kiện an ninh của chúng tôi bị đe dọa. Chúng tôi kêu gọi cộng đồng quốc tế, Liên Hiệp Châu Âu và nước Pháp, phản ứng ngay lập tức. Bởi vì, cần phải có các biện pháp cụ thể, bao gồm các trừng phạt, đặc biệt nhắm thẳng vào các quan chức cao cấp của chính quyền Cam Bốt, vây cánh của ông Hun Sen, thì mới chuyển đến chính quyền Phnom Penh một thông điệp mạnh.

Một thông điệp mạnh là thông điệp thống nhất của cộng đồng quốc tế ».

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.