Vào nội dung chính
Tạp chí đặc biệt

Hàn Quốc : "Đại hạn" của Lotte, từ tẩy chay đến án tù

Đăng ngày:

Lotte, tập đoàn lớn thứ năm của Hàn Quốc, « gặp hạn » và đang lao dốc không phanh. Sau khi bị tẩy chay ở Trung Quốc, buộc phải đóng cửa vài chục cửa hàng bán lẻ, đến lượt chủ tịch tập đoàn Shin Dong Bin bị kết án 10 năm tù hôm 30/10/2017 vì tội lạm dụng tài sản xã hội.

Một siêu thị Lotte tại Bắc Kinh bị đóng cửa. Ảnh chụp ngày 17/03/2017.
Một siêu thị Lotte tại Bắc Kinh bị đóng cửa. Ảnh chụp ngày 17/03/2017. REUTERS/Stringer
Quảng cáo

Vậy tập đoàn Lotte bị tư pháp Hàn Quốc cáo buộc những tội gì ? Thông tín viên RFI Frédéric Ojardias từ Seoul giải thích :

« Chủ tịch Shin Dong Bin của tập đoàn Lotte bị cáo buộc đã biển thủ 39 triệu euro và đã trả lương khống với số tiền khổng lồ cho anh trai cả, em gái và cha của ông, thậm chí cho cả… người tình của cha. Tất cả những người này đều ngồi trên ghế bị cáo. Thiệt hại được thẩm định lên đến 103 triệu euro đối với doanh nghiệp.

Trong một vụ việc khác, từ tháng 04/2017, ông Shin Dong Bin bị buộc tội trong khuôn khổ một vụ tai tiếng lớn khiến nữ tổng thống Park Geun Hye bị phế truất. Cùng với nhiều lãnh đạo các tập đoàn lớn khác, ông bị tố cáo đã rót tiền cho người bạn thân của cựu tổng thống để nhận đặc quyền đặc lợi.

Ông Shin Dong Bin có lẽ sẽ không được hưởng sự khoan dung của các thẩm phán, vẫn thường bị lên án là « nương tay » với các tập đoàn thống trị nền kinh tế Hàn Quốc. Lý do là tân tổng thống Moon Jae In, được bầu từ tháng Năm, đã quyết tâm thẳng tay trong cuộc chiến chống tội phạm trong giới lãnh đạo ».

Đế chế Lotte nổi tiếng trong các lĩnh vực khách sạn, công nghiệp thực phẩm, chuỗi siêu thị, cửa hàng miễn thuế và công viên giải trí… không che giấu tham vọng chinh phục thị trường Trung Quốc với khoản đầu tư 7 tỉ euro. Tuy nhiên, bất đồng chính trị về việc lắp đặt hệ thống THAAD đã chặn đường tiến của Lotte tại Trung Quốc, buộc tập đoàn phải bán lại nhiều cửa hàng tại thị trường đông dân nhất hành tinh vào tháng 09/2017. Mọi « tai ương » ập đến đúng lúc Lotte vừa mới kịp ổn định sau cuộc đấu đá « huynh đệ tương tàn ».

« Hai người con trai của nhà sáng lập, hiện đã 94 tuổi, tranh giành quyền lãnh đạo tập đoàn… và người em Shin Dong Bin, một doanh nhân thành đạt, đã chiến thắng nhờ một cuộc « đảo chính », đi ngược lại nguyện vọng của người cha.

Cuộc đấu đá huynh đệ là chủ đề bàn tán sôi nổi của báo chí Hàn Quốc… Được các nhà đầu tư ủng hộ về quyết định tái cấu trúc tập đoàn, nhưng hiện ông Shin đang đứng đầu một đế chế suy yếu.

Ngoài ra, người ta có thể chú ý là tên gọi của tập đoàn, Lotte, được lấy từ tên của nữ anh hùng trong câu chuyện nổi tiếng Nỗi đau của chàng Werther (Die Leiden des jungen Werther)của đại văn hào Goethe. Liệu phải chăng đó là một điềm báo ? »

Ai Cập : Phát hiện hầm trống trong Kim Tự Tháp Kheops

Kim Tự Tháp Kheops, cao 139 m và rộng 230 mét, một trong bẩy kỳ quan thế giới, vẫn không ngừng làm công chúng bất ngờ. Ngày 02/11/2017, một nhóm nghiên cứu quốc tế (Pháp, Nhật Bản, Ai Cập) thông báo đã phát hiện một hầm bí mật rất lớn ở giữa lòng Kim Tự Tháp Kheops nằm ở cao nguyên Gizeh, Ai Cập, nhờ công nghệ quét bằng các hạt Muyôn (muon), cho phép xuyên qua chất rắn từ xa mà không ảnh hưởng đến công trình.

Kỳ quan 4.500 tuổi giấu trong mình một « hầm lớn đến mức có thể chứa được một chiếc máy bay 200 chỗ », dài ít nhất 30 mét, và nằm cách phòng Hoàng Hậu (ở chính giữa Kim Tự Tháp) khoảng 40 mét. Theo thông báo của một đồng giám đốc dự án ScanPyramids trên tạp chí Nature, đây có thể là « Phòng Trưng bày lớn » và cũng là phòng lớn nhất được biết đến hiện nay trong Kim Tự Tháp Kheops.

Theo thông tín viên RFI Alexandre Buccianti tại Cairo, người dân Ai Cập rất tự hào về những kỳ công của tổ tiên :

« Trong một Thung Lũng sông Nil đang trỗi dậy lòng yêu nước, thông báo về khám phá mới khiến người Ai Cập thêm tự hào. Mỗi lần có thêm một phát hiện khảo cổ, các nhà bình luận trên truyền hình đều ca ngợi « thiên tài của các Pharaon tổ tiên chúng ta ». Đông đảo người sử dụng internet Ai Cập cũng có cùng cảm xúc.

Tuy nhiên, các chuyên gia khảo cổ vẫn còn dè dặt. Dù họ không nghi ngờ về sự tồn tại của căn hầm này, nhưng vẫn thắc mắc về bản chất của nó. Vì trong Kim Tự Tháp Kheops còn có rất nhiều căn hầm khác, đôi khi chứa đầy cát, được cho là để làm nhẹ bớt cấu trúc, hay đơn giản chỉ là vấn đề tiết kiệm.

Vì thế, trong tương lai, sẽ phải khoan một đường hầm nhỏ để đưa camera vào khám phá căn hầm và tìm hiểu vai trò của căn hầm này. Trong khi chờ đợi, các nhà hoạt động trong lĩnh vực du lịch đánh giá cao « quảng cáo » mới này đối với Ai Cập trước mùa nghỉ lễ cuối năm ».

Du lịch Miến Điện : Vừa khởi sắc đã lụi vì tàn khủng hoảng Rohingya

Với những bãi biển trữ tình, gần như còn hoang sơ, hay những ngôi đền uy nghiêm như quần thể đền Bagan, Miến Điện mơ trở thành điểm du lịch mới của Đông Nam Á. Trong vòng 4 năm, từ khi Miến Điện mở cửa năm 2011, hơn một triệu khách du lịch quốc tế đã tò mò đến khám phá đất nước khép kín trong suốt gần nửa thế kỷ dưới thời chính phủ quân đội bảo thủ.

Du lịch là một trong những lĩnh vực kinh tế có nhiều thay đổi nhanh chóng và đồng loạt trong những năm gần đây tại Miến Điện. Thay vì chỉ có hai máy bay đón khách từ Bangkok và khoảng vài nghìn du khách mỗi năm, hiện Miến Điện đón khoảng 100 chuyến bay quốc tế mỗi ngày.

Gần đây, chính phủ còn đặt mục tiêu thu hút hơn 7,5 triệu du khách từ nay đến năm 2020. Năm 2017 khởi đầu tốt đẹp với lượng khách tăng 22% so với cùng kỳ năm ngoái. Nhưng từ tháng Tám, cuộc khủng hoảng sắc dân thiểu số Rohingya ở miền tây Miến Điện với chiến dịch đàn áp của quân đội đã gây hệ quả xấu đến ngành du lịch đang khởi sắc : Hàng loạt tour du lịch bị hủy ngay trước mùa cao điểm ; lượng đặt phòng khách sạn đã giảm khoảng 30% và sẽ còn thấp hơn vào mùa Giáng Sinh.

Nguyên nhân được một giám đốc hãng lữ hành nêu lên là « đa số các nhóm khách Nhật, Úc và nhiều nước châu Á khác lo ngại vấn đề an ninh, trong khi đó nhiều khách châu Âu nói thẳng là họ tẩy chay vì tình trạng nhân quyền » tại Miến Điện. Một vài thượng khách quốc tế cũng giữ khoảng cách : Thái tử Charles và phu nhân Camilia sẽ không dừng chân ở Miến Điện trong chuyến công du châu Á vào mùa Thu này.

Trong giai đoạn còn bị giam lỏng tại nhà, bà Aung San Suu Kyi, ngoại trưởng Miến Điện hiện nay, là người đầu tiên kêu gọi du khách tẩy chay nước mình. Nhưng giờ bà tỏ ra lo lắng vì số khách ngày càng giảm. Ngày 29/10/2017, bà cho biết đã thành lập một ủy ban chuyên trách về vấn đề « du khách quốc tế » do cuộc khủng hoảng Rohingya.

Ấn Độ : Du khách Thụy Sĩ bị đánh chấn thương… chỉ vì hôn nhau ?

Du khách quốc tế « tẩy chay » Miến Điện vì tình trạng nhân quyền, liệu họ có tránh xa Ấn Độ vì tình trạng bạo lực và cưỡng hiếp phụ nữ. Thêm một trường hợp đánh khách du lịch nước ngoài vừa mới xảy ra ở vùng Agra, nơi có đền Taj Mahal nổi tiếng.

Theo thông tín viên RFI Sébastien Farcis từ New Delhi, hai nạn nhân là người Thụy Sĩ, khoảng 24 tuổi và đến từ thành phố Lausanne.

« Từ một tháng nay, họ du lịch Ấn Độ. Chủ Nhật 22/10, họ tới Fatehpur Sikri, một khu du lịch nổi tiếng chỉ cách thành phố Agra và Taj Mahal khoảng một tiếng. Khi ra khỏi nhà ga, một nhóm người Ấn tiến gần và năn nỉ chụp ảnh với họ. Những người này tỏ ra sấn sổ, đặc biệt là nữ du khách tóc vàng khiến họ tò mò.

Khi người đàn ông đi cùng phản đối, nhóm người Ấn Độ tức giận và bắt đầu lấy gạch và gậy đánh cả hai. Người đàn ông bị chấn thương sọ não và thính giác bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Còn cô gái bị gẫy một cánh tay ».

Sau khi ngoại trưởng Ấn Độ và bộ trưởng Du Lịch lên tiếng, ngày 26/10, cảnh sát thông báo bắt giữ 5 nghi phạm đều là đàn ông, trong đó có 3 trẻ vị thành niên. Ngoài việc tố cáo các hành vi trên, người đứng đầu bang Uttar Pradesh cam đoan mở rộng thêm phạm vi hoạt động của cảnh sát trong khu vực. Đây là vấn đề quan trọng ảnh hưởng đến hình ảnh đất nước, vì trong số du khách nước ngoài đến Ấn Độ, 10% đến tham quan đền Taj Mahal.

« Theo cảnh sát, các nhân chứng khẳng định cặp du khách Thụy Sĩ đứng gần một bụi cây khi bị tấn công và có vẻ như họ đang ôm hôn nhau, vì thế khiến các thanh niên đứng gần bức xúc. Cặp du khách thì bác bỏ điều này. Nhưng chỉ vì ôm hôn nhau mà bị đánh cũng cho thấy tình trạng bảo thủ và chế độ phụ quyền vẫn ăn sâu tại các vùng nông thôn miền bắc Ấn Độ.

Tại đây, chỉ cần ánh mắt của một phụ nữ nước ngoài cũng có thể kích thích ham muốn của thanh niên địa phương. Đây cũng chính là nguồn gốc của phần lớn các vụ tấn công người nước ngoài. Cách đây 4 năm, một cặp du khách Thụy Sĩ, cắm trại trên một cánh đồng trong vùng, cũng bị tấn công và người phụ nữ bị nhiều người đàn ông cưỡng hiếp ».

Unicef : Thiếu niên và trẻ em tiếp tục làm mồi cho bạo lực

Nhờ lòng hảo tâm tăng mạnh trong năm 2017, Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc Unicef đã có thể cung cấp được nước sạch cho 3 triệu trẻ em tị nạn ở Syria. Cũng như tình trạng bạo lực và cưỡng hiếp, thiếu nước và suy dinh dưỡng cũng bị liệt vào các hành động hung bạo mà trẻ em phải hứng chịu.

Trong bản báo cáo về tình trạng bạo lực năm 2017 đối với trẻ em, Unicef nhắc lại rằng một em bị đánh là một em bị chấn thương, nhưng một em chứng kiến một tội ác cũng là một em bị ngược đãi. Chiến tranh, khủng hoảng kinh tế và thậm chí ngay trong các nước hòa bình, thiếu niên và trẻ em vẫn tiếp tục làm mồi cho tình trạng bạo lực rõ ràng hoặc che giấu.

Trong bản báo cáo mới này, chỉ riêng Mỹ La-tinh và Caribe là hai vùng trên thế giới có số thiếu niên bị giết hại nhiều nhất, theo giải thích của ông Sébastien Lyon, quản lý cơ quan đại diện tại Pháp của Unicef :

« Tại Nam Mỹ và vùng Caribe, hiện tượng băng đảng phát triển mạnh mẽ, nơi những đứa trẻ ngay từ 13-14 tuổi, đã bị bắt gia nhập các băng đảng rồi nhanh chóng sử dụng vũ khí. Một trong những đường hướng hành động của chúng tôi là lập các chương trình đào tạo cho cán bộ xã hội để có thể đến các cộng đồng đó.

Ví dụ ở Cam Bốt từng xảy ra hiện tượng bạo lực học đường. Một kế hoạch hành động đã được hình thành với bộ Giáo Dục Cam Bốt để đào tạo giáo viên và phụ huynh học sinh với mục đích nhấn mạnh rằng cách hiệu quả nhất để đưa vào khuôn phép ở trường không phải là đánh trẻ nhỏ. Đó là điều mà chúng tôi có thể đề xuất để thực hiện công tác phòng ngừa, đóng vai trò rất quan trọng. Nhưng để đạt được điều đó, chúng tôi chỉ có thể thực hiện với các chính phủ muốn làm và có phương tiện để làm điều đó ».

Bản bảo cáo năm 2017 của Unicef nhắc lại là dù ở bất kỳ lục địa nào, hay nước đó giầu nghèo ra sao, chính cha mẹ, gia đình hoặc những người chịu trách nhiệm nuôi dưỡng trẻ em lại là những người hành hạ các em nhất.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.