Vào nội dung chính
Tạp chí kinh tế

Ổn định kinh tế chìa khóa giúp thủ tướng Abe củng cố quyền lực

Đăng ngày:

Với những thành quả chưa được như mong đợi, nhưng ổn định kinh tế là yếu tố góp phần củng cố quyền lực của thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, ít nhất cho đến 2021.

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tái đắc cử, sau bầu cử Quốc Hội ngày 22/10/2017.
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tái đắc cử, sau bầu cử Quốc Hội ngày 22/10/2017. REUTERS/Toru Hanai
Quảng cáo

Với điểm tín nhiệm không cao, thành quả kinh tế không nhiều, vậy mà thủ tướng Abe cùng với đồng minh là đảng trung hữu Komeito đã giành được đa số rộng rãi, hơn 2 phần ba ở Quốc Hội để tiếp tục cầm quyền. Theo tất cả các nhà quan sát đây là một thành tích hiếm có tại các nền dân chủ.

Riêng trên vế kinh tế, kẻ bênh người chống liều thuốc "Abenomics" ông đã áp dụng cho Nhật Bản từ khi trở lại cầm quyền cuối 2012.

Vài giờ sau khi Tokyo công bố kết quả bầu cử hôm 22/10/2017, chỉ giá chứng khoán Nhật Bản Nikkei tăng ở mức kỷ lục, vượt quá ngưỡng 22.000 điểm đây là mức cao nhất trên xứ hoa anh đào từ tháng 7/1996.

Lý giải cho hiện tượng này, các nhà bình luận cho rằng, trong bối cảnh trên thế giới có nhiều điểm nóng như hiện nay, từ ở Âu sang Á, kể cả ở Hoa Kỳ và Châu Mỹ La Tinh, ít ra chính sách cải tổ được thủ tướng Abe tiến hành từ 5 năm qua đã và đang cho phép Nhật Bản duy trì ổn định kinh tế.

Abenomics và một vài kết quả cụ thể

Chính sách Abenomics với "ba mũi tên" chủ trương sử dụng cùng lúc ngân sách nhà nước để bơm thêm tiền vào guồng máy kinh tế quốc gia, huy động ngân hàng trung ương BoJ mở van tín dụng với hai dụng ý : phá giá đồng yen để kích thích xuất khẩu và cố tình đẩy vật giá leo thang, hòng chặn đứng vòng luẩn quẩn của hiện tượng giảm pháp. Tokyo muốn đẩy lạm phát lên thành 2 %.

Sau cùng mũi tên thứ ba nhằm cải tổ cơ cấu để đem lại khả năng cạnh tranh lớn hơn cho nước Nhật và giải quyết núi nợ đã tương đương với gần 250 % GDP chính phủ quyết định tăng thuế trị giá gia tăng TVA.

Tuy không hoàn hảo và cũng không làm tất cả mọi người hài lòng, nhưng liều thuốc mạnh này đã đem lại một số kết quả cụ thể trong 5 năm qua.

Richard Kaye, thuộc công ty quản trị Comgest đặt chi nhánh tại 8 quốc gia trên thế giới, trong đó có Nhật Bản ghi nhận : cung và cầu trên thị trường lao động Nhật Bản từ 2013 tới nay đang trong giai đoạn được "cân đối" nhất tính từ sau Đệ Nhị Thế Chiến. Khi ông Abe trở lại cầm quyền năm 2012, tỷ lệ thất nghiệp ở Nhật vốn đã rất thấp (6 %) nay lại càng xuống thấp hơn, chỉ còn là 3,3 %. Abenomics cho phép tạo thêm 3 triệu chỗ làm từ 2013 tới nay.

Một dấu hiệu khả quan khác, là nhiều tập đoàn của Nhật như hiệu quần áo Uniqlo hay tập đoàn chuyên sản xuất máy điều hòa không khí, Daikin đã bắt đầu tăng giá thành khi bán ra các sản phẩm. Điều đó theo ông Richard Kaye, chứng tỏ Nhật Bản bắt đầu thoát khỏi cái vòng luẩn quẩn của hiện tượng giảm phát đã kéo dài suốt hơn 2 thập niên trên xứ hoa anh đào. Chỉ số giá cả tại Nhật Bản không còn ở số âm mà từ 2014 tới nay, các chính trị gia ở Tokyo đã sử dụng lại cụm từ "lạm phát" khi giá cả trung bình tăng từ 0,1 đến 0,7 % một năm.

Một điểm son khác của thủ tướng Abe là ông đã khuyến khích phụ nữ đi làm, thực sự đóng góp cho xã hội và tham gia một cách tích cực vào các hoạt động kinh tế. Cũng nhờ có đầu lương thứ nhì mà chỉ số tiêu thụ của các hộ gia đình tăng lên một chút, dân Nhật ít để dành tiền tiết kiệm hơn, qua đó kích hoạt được cỗ máy sản xuất hơn mong đợi.

Thiên thời - địa lợi - nhân hòa

Nhưng công bằng mà nói thủ tướng Abe đã gặp may : lần đầu tiên từ sau khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008, hai thị trường lớn để mua hàng Nhật là Châu Âu và Mỹ bước vào một chu kỳ ổn định hơn và bắt đầu phục hồi. Lục địa Già tạm thời xua tan đe dọa khu vực đồng euro tan vỡ. Nhật Bản là một quốc gia lệ thuộc vào xuất khẩu, thì đây là một tin vui.

Song song với hiện tượng này, từ 2014 nguyên liệu và năng lượng trên thế giới giảm mạnh. Nhật là là nguồn tiêu thụ dầu và khí đốt của thế giới được hưởng lợi từ khâu này.

Nhìn đến khu vực sản xuất : chỉ số công nghiệp của Nhật Bản tăng hơn 5 % riêng trong tháng 8/2017. Dưới nhãn quan của Paul Jackson, giám đốc Invesco PowerShares, một cơ quan tư vấn cho các doanh nghiệp, có trụ sở tại Luân Đôn, đây là thành quả rõ rệt nhất của "hiệu ứng Abenomics".

Trên thị trường tài chính, cổ phiếu của các tập đoàn Nhật tăng đều đặn trong lúc Ngân Hàng Trung Ương BoJ tiếp tục áp dụng chính sách "tiền rẻ" để khuyến khích tiêu thụ và đầu tư.

Những người bị bỏ rơi

Nhưng nói như vậy không có nghĩa là tất cả mọi người đều hài lòng với chính sách kinh tế mang tên thủ tướng Shinzo Abe. Trả lời trên đài RFI Pháp ngữ, nhà xã hội học chuyên nghiên cứu về Nhật Bản, và cũng là người sống nhiều năm trên xứ hoa anh đào, ông Jean François Sabouret ghi nhận : thắng lợi vẻ vang của thủ tướng Abe trong đợt tuyển cử vừa qua, trước hết có được là nhờ yếu tố địa chính trị : trước đe dọa hạt nhân Bắc Triều Tiên cử tri Nhật không dám đánh cuộc vào những chính trị gia non tay. Thứ nữa thủ tướng Abe đắc cử nhờ hàng ngũ đối lập trên chính trường Tokyo rệu rã :

"Trước hết cần nhớ rằng ông Shinzo Abe xuất thân từ một gia đình dòng dõi có truyền thống chính trị rất uy tín. Dù không được lòng dân, nhưng phải hiểu rằng công luận Nhật không có nhiều lập luận để đả kích ông. Phe đối lập thì chỉ biết chỉ trích nhưng không có một cương lĩnh hành động rõ ràng như đã đưa ra hồi 2009.

Các phe phái khác nhau trong hàng ngũ chống đối thủ tướng Abe chỉ nêu lên hai vấn đề một cách khá chung chung mà không đưa ra những giả pháp cụ thể đáng tin cậy. Thứ nhất họ xem vấn đề dân số đang bị già đi là một quả bom nổ chậm. Đa số dân Nhật tuổi đã ngoài 60, thậm chí là thế hệ sinh sau Thế Chiến Thứ Hai nay đã xấp xỉ 75. Từ đó đặt ra nhiều vấn đề như là quỹ bảo hiểm y tế và an sinh xã hội đang bị thiếu hụt nghiêm trọng. Thứ hai là chính sách y tế của Nhật Bản phải đáp ứng nhu cầu về dân số này".

Công luận Nhật Bản không hẳn ủng hộ ông Abe nhất là trước chính sách đòi tăng thuế trị giá gia tăng, đang từ 8 % hiện nay, Tokyo báo trước là thuế TVA sẽ tăng lên thành 10 % kể từ tháng 10/2019. Nhà xã hội học Jean François Sabouret giải thích thêm :

"Lập luận của thủ tướng Abe là nếu tăng thuế trị giá gia tăng, lên thành 10 % thay vì 5 % trước đây và hiện tại là 8 % thì chính phủ sẽ có thêm phương tiện để tài trợ nhiều công trình xã hội, và nhất là lập nhà trẻ, giúp cho nữ giới vừa có thể đi làm mà vẫn có thể sinh con. Khi người đàn bà đi làm, gia đình có thêm một đầu lương thứ nhì, giảm bớt áp lực lên người chủ gia đình, họ có thể dùng đồng lương để lo cho con cái đi học, vì ai cũng biết ở Nhật lo được cho con đi học là rất tốn kém.

Một số khác thì lại coi trọng vấn đề giải quyết nợ nần : tỷ lệ của nhà nước so với GDP đã lên tới 230 %. Trước mắt Tokyo trông vào tiền tiết kiệm của dân xứ hoa anh đào, thế rồi Tokyo không bị ràng buộc vì chính sách tiền tệ, nên khi cần chính phủ có thể bơm thêm tiền vào cỗ xe kinh tế, nhưng biện pháp này đã và đang cho thấy những giới hạn của nó. Như tất cả mọi quốc gia khác trên thế giới, Nhật Bản không thể bơm thêm tiền mãi được.

Về điểm thứ nhì này thủ tướng Abe quan niệm rằng, tăng thuế TVA sẽ giải quyết được rất nhiều vấn đề, kể cả chuyện giảm bớt nợ công. Tuy vậy đây là một tính toán liều lĩnh vì có nhiều thành phần với thu nhập thấp, tăng thuế TVA sẽ đánh thẳng vào túi tiền của họ, sức mua bị giảm.

Thực ra công luận không mấy hào hứng với chính sách kinh tế của thủ tướng Abe. Thế nhưng phe đối lập Nhật Bản đã không khai thác được bất bình đó để kiếm phiếu. Thực chất của vấn đề là đối lập đang bị chia rẽ không thể hứa hẹn gì nhiều và không có một chính sách để thay thế vào những gì mà ông Abe đang đề xuất và đang áp dụng".

Cốc nước nửa đầy hay nửa vơi ?

Nếu chỉ nhìn vào những chỉ số vừa nêu - như là mục tiêu đưa Nhật Bản ra khỏi giải đoạn đình đốn và giảm phát, rõ ràng là thủ tướng Shinzo Abe đã "lập nên thành tích" trong lúc những người tiền nhiệm của ông trong hơn 20 năm trời không đảo ngược được thế cờ.

Dù vậy những thành quả có được còn "rất mong manh" như ghi nhận của Sébastien Lechevalier, chuyên gia kinh tế Nhật Bản thuộc Trường Cao Đảng Khoa Học Xã Hội EHESS Paris : trong lúc đề ra mục tiêu đẩy lạm phát lên trở lại ở mức 2 %, thì sau 5 năm chính sách Abenomics mới chỉ đẩy chỉ số giá cả lên được có 0,7 %.

Trên bình diện xã hội, thủ tướng Abe chưa xóa bỏ được những bất bình đẳng và tình trạng bấp bênh của một phần dân số Nhật. Gần 40 % người lao động Nhật có đó lương không đủ sống, phải chấp nhận những công việc lặt vặt và tạm bợ hay đi làm với hợp đồng bán thời gian. Mức lương trung bình tại Nhật Bản theo chuyên gia Lechevalier không được tăng thêm kể từ 15 năm qua.

Như ghi nhận ở phần trên của nhà xã hội học Sabouret nước Nhật của thủ tướng Abe đang phải đối mặt với hai thách thức lớn : hiện tương dân số bị lão hóa và nợ của nhà nước lên tới 240 - 250 % so với GDP của nền kinh tế thứ ba toàn cầu

Chính sách "tiền rẻ" với lãi suất ở số âm của Ngân Hàng Trung Ương Nhật là một con dao hai lưỡi, theo phân tích của kinh tế giá Ryutaro Kono thuộc ngân hàng Pháp BNP Paribas. Ông cho rằng, tăng trưởng mà Nhật Bản có được là một sự giả tạo mà chuyên gia này gọi là "đi vay trả góp", đùn đẩy nợ của thế hệ này cho con cái mai sau. Nói một cách ví von, chuyên gia của ngân hàng BNP Paribas cho rằng, ngay từ những năm 1990, Nhật Bản đã "chẩn bệnh sai và dùng sai thuốc".

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.