Vào nội dung chính
HOA KỲ - MIẾN ĐIỆN

Hồ sơ Rohingya ở Miến Điện : Mỹ sẽ dùng khái niệm “thanh lọc sắc tộc”

Hôm qua 24/10/2017, các nhà lập pháp Hoa Kỳ đã hối thúc ông Patrick Murphy, nhà ngoại giao cao cấp chuyên trách Đông Nam Á, cùng một số các quan chức Nhà Trắng khác, nhanh chóng đưa ra quan điểm rõ ràng về cuộc truy bức người Hồi Giáo tại bang Rakhine, Miến Điện. Họ đề nghị ngoại trưởng Rex Tillerson sử dụng từ ngữ « thanh lọc chủng tộc », để nói về cuộc khủng hoảng sắc tộc này.

Người tỵ nạn Rohingya chờ nhận trợ cấp tại Cox's Bazar, Bangladesh. Ảnh ngày 28/09/2017.
Người tỵ nạn Rohingya chờ nhận trợ cấp tại Cox's Bazar, Bangladesh. Ảnh ngày 28/09/2017. REUTERS/Cathal McNaughton
Quảng cáo

Trong tuần này, người đứng đầu ngành ngoại giao Hoa Kỳ sẽ phải đưa ra quyết định có sử dụng từ ngữ này đối với Miến Điện hay không. Có nhiều yếu tố khiến Washington vẫn đang cân nhắc chính sách của mình đối với Miến Điện, bao gồm cả những quan ngại về khả năng có thể làm lung lay chính quyền dân sự non trẻ của bà Aung San Suu Kyi.

Theo hãng tin AP, ông Tim Kaine, thượng nghị sĩ đảng Dân Chủ, là một trong những người kêu gọi Washington cần có thái độ rõ ràng. Một thành viên khác của đảng Dân Chủ tại Thượng Viện, ông Ben Cardin và thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa, ông Bob Corker, hiện giữ ghế chủ tịch Ủy Ban Đối Ngoại Thượng Viện, nhấn mạnh rằng, « đã đến lúc điều chỉnh chính sách ».

Đối với ông Ben Cardin, việc quân đội vẫn đang kiểm soát đời sống chính trị Miến Điện là « không thể chấp nhận được ». Đó cũng là lý do các nhà lập pháp ở lưỡng viện Quốc Hội Mỹ đề nghị Washington đưa những biện pháp trừng phạt lên quân đội Miến Điện. Trước đó, quốc gia Đông Nam Á này từng được ca ngợi vì tiến trình dân chủ hóa do nhà đấu tranh dân sự Aung San Suu Kyi dẫn dắt.

Sau hội nghị tại Genève hôm 23/10/2017, Liên Hiệp Quốc thông báo số tiền kêu gọi từ cộng đồng quốc tế nhằm cứu trợ cho cộng đồng người Rohingya tại Bangladesh đã lên đến gần 345 triệu USD. Những người Rohingya, hiện đang tập trung tại trại tị nạn Balukhali, huyện Ukhia, thuộc thành phố Cox’s Bazar, Bangladesh, chỉ còn biết trông cậy vào cứu trợ nhân đạo quốc tế.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.