Vào nội dung chính
HOA KỲ - CHÂU Á

Donald Trump phá chính sách Đông Nam Á của Barack Obama ?

Vào lúc tổng thống Mỹ sắp lên đường công du châu Á với hai điểm hẹn tiêu biểu, hai căn cứ không quân Đà Nẳng và Clark, câu hỏi then chốt được nêu lên là liệu Donald Trump tìm cách phát huy hay sẽ phá bỏ chiến lược Đông Nam Á của người tiền nhiệm ?

Tổng thống Mỹ Donald Trump họp với các lãnh đạo cao cấp của Quân Đội tại Nhà Trắng (Washington DC), ngày 05/10/2017.
Tổng thống Mỹ Donald Trump họp với các lãnh đạo cao cấp của Quân Đội tại Nhà Trắng (Washington DC), ngày 05/10/2017. REUTERS/Yuri Gripas
Quảng cáo

Trong hai nhiệm kỳ 8 năm kết thúc vào tháng 01/2017, tổng thống Barack Obama để lại những thành tựu quan trọng trong vùng Đông Nam Á và được kính trọng. Ông đặt khu vực này vào trung tâm điểm của chiến lược « xoay trục » quân sự và dự án mậu dịch tự do xuyên Thái Bình Dương TPP mà mục đích là đối đầu với thế thượng phong của Trung Quốc lấn chiếm Biển Đông.

Thái độ dấn thân của chính quyền Obama đã trấn an được các nước ASEAN.

Trong lãnh vực nhân quyền, với nỗ lực phối hợp trừng phạt và vận động ngoại giao, Washington đã giúp cho Miến Điện thực hiện tiến trình dân chủ hóa.

Giờ đây, ở Washington, chính quyền kế nhiệm đã bước vào tháng thứ 10. Một trong những lo ngại chính đáng của khu vực là liệu tổng thống Donald Trump có tìm cách phá bỏ di sản chiến lược của tổng thống tiền nhiệm hay không ?

Câu hỏi này được nêu lên cùng lúc trên hai nhật báo lớn ở Đông Nam Á : The Bangkok Post của Thái Lan và The Myanmar Times của Miến Điện. Theo tác giả, Kavi Chongkittavorn, câu trả lời là vừa có vừa không.

Có, bởi vì TPP bị Trump xếp lại. Không, bởi vì trên thực tế, cho đến bây giờ, sau mười tháng cầm quyền, không có dấu hiệu chủ nhân Nhà Trắng lạnh nhạt với một thành viên ASEAN.

Sử dụng tài nghệ giao dịch của một doanh nhân, tổng thống Donald Trump tạo được quan hệ tốt với Singapore, Malaysia, Philippines của Duterte, Thái Lan của Chan-O-Cha, Indonesia và Việt Nam. Đây là những quốc gia có vị trí then chốt cho nền an ninh và quyền lợi của Mỹ trong vùng châu Á-Thái Bình Dương. Về quân sự, Singapore và Malaysia còn là thành viên trong nhóm « ngũ cường » với Anh, Úc và New Zealand. Bây giờ Washington muốn có thêm hai đối tác chiến lược mới là Việt Nam và Indonesia.

Lần đầu tiên từ sau Thế Chiến Thứ II, vị thế của Mỹ trong khu vực bị Trung Quốc công khai cạnh tranh. Chính quyền Trump ý thức rõ mối nguy này nên cố gắng cân bằng lực lượng. Từ tháng 5/2017, tổng thống Donald Trump tiếp kiến các nhà lãnh đạo Đông Nam Á từ thủ tướng Malaysia, Thái Lan cho đến Việt Nam trong khi phó tổng thống Mike Pence gặp tổng thống Indonesia tại Djakarta. Ngày 23/10, đến lượt thủ tướng Singapore, Lý Hiển Long, lãnh đạo thành viên Đông Nam Á sau cùng kết thúc loạt tiếp xúc của Donald Trump trước khi chủ nhân Nhà Trắng gặp toàn bộ lãnh đạo 10 lãnh đạo ASEAN, nhân Thượng đỉnh APEC tại Đà Nẳng và sau đó tại Thượng đỉnh Mỹ-ASEAN ở Clark, Philippines.

Đối với Philippines, tuy tổng thống Duterte hay « Trump châu Á » có cường điệu với Mỹ, nhưng quan hệ song phương rất vững chắc, hợp tác quốc phòng được tăng cường trong năm 2018.

Ẩn số còn lại là Việt Nam và Miến Điện. Trong cuộc gặp gỡ hồi tháng năm tại Nhà Trắng, thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hứa hẹn tăng cường trao đổi thương mại với Mỹ và trong bản tuyên bố chung, hai bên chống lại mọi hành động « quân sự hóa Biển Đông ».

Theo nhà bình luận Kavi Chongkittavorn, chuyện lý thú là để coi tổng thống Donald Trump xếp Việt Nam vào vị trí nào trong chiến lược toàn diện. Hà Nội đã được chính quyền Obama hủy lệnh cấm vận vũ khí kéo dài suốt 50 năm, nâng Việt Nam lên thành một trong những đối tác chiến lược trong vùng. Riêng đối với Miến Điện, một di sản của Obama vừa bị tấn công: Mỹ ban hành một số biện pháp trừng phạt quân đội Miến Điện, thủ phạm sát hại người Rohingya.

Nhìn chung, vì quyền lợi cốt lõi, Hoa Kỳ tiếp tục xây dựng và củng cố một liên minh trong vùng Đông Nam Á nhưng phải chờ hai cuộc hẹn ở Đà Nẵng và Clark vào đầu tháng 11 để xem tổng thống thứ 45 của Mỹ « tiếp cận » di sản của Barack Obama như thế nào.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.