Vào nội dung chính
TRUNG QUỐC - ẤN ĐỘ

Con Đường Tơ Lụa Mới : Bắc Kinh ngỏ ý đàm phán với Ấn Độ

Dự án Một Vành Đai, Một Con Đường của Trung Quốc, tổ chức hồi tháng 5/2017, bị nhiều nước châu Âu và Ấn Độ tẩy chay. Gần đây, Bắc Kinh tỏ ý muốn mở cánh cửa đối thoại với Ấn Độ để kéo New Delhi vào một dự án, mà Trung Quốc coi là trụ cột trong chính sách đối ngoại, nhằm khẳng định vị trí trung tâm của Bắc Kinh trên trường quốc tế.

Công trình nghệ thuật ''Cầu Vàng trên Đường Tơ Lụa' của nghệ sĩ Shu Yong, mừng thượng đỉnh tại Bắc Kinh, về đề án Một Vành Đai Một Con Đường - OBOR. Ảnh ngày 10/05/2017.
Công trình nghệ thuật ''Cầu Vàng trên Đường Tơ Lụa' của nghệ sĩ Shu Yong, mừng thượng đỉnh tại Bắc Kinh, về đề án Một Vành Đai Một Con Đường - OBOR. Ảnh ngày 10/05/2017. Reuters
Quảng cáo

Báo Ấn Độ The Indian Express, ngày 21/10/2017, dẫn lời một quan chức vụ châu Á, bộ Ngoại Giao Trung Quốc, theo đó, Bắc Kinh sẵn sàng «trao đổi sâu» với phía Ấn Độ, để xua tan các lo ngại từ phía New Delhi. Giới chức nói trên bày tỏ hy vọng là Ấn Độ «hiểu» lập trường của Trung Quốc, và tham gia vào sáng kiến Một Vành Đai, Một Con Đường của lãnh đạo Tập Cận Bình.

Một trong các lo ngại lớn của New Delhi là chủ quyền của Ấn Độ tại vùng Cachemire tranh chấp, sẽ bị xâm phạm trong trường hợp Trung Quốc triển khai dự án cùng với Pakistan tại vùng lãnh thổ này. Quan chức bộ Ngoại Giao Trung Quốc trấn an New Delhis là dự án hoàn toàn không liên đến các vùng lãnh thổ tranh chấp, và «không ảnh hưởng đến lập trường vốn có» của Bắc Kinh về cao nguyên Cachemire.

Theo chuyên gia bộ Ngoại Giao Trung Quốc, Nhật Bản và Mỹ đã có những tuyên bố tích cực về dự án xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển thương mại xuyên châu Á nói trên, và Bắc Kinh hy vọng New Delhi cũng làm tương tự.

Tuyên bố của quan chức Trung Quốc được đưa ra trong bối cảnh chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Đại Hội Đảng Cộng Sản hôm thứ Tư vừa qua, nhiều lần khẳng định tầm quan trọng của Sáng kiến Một Vành Đai, Một Con Đường.

Trên thực tế, quan hệ giữa Trung Quốc và Ấn Độ trong những tháng gần đây xấu đi trầm trọng với cuộc đối đầu tại vùng biên giới Doklam, khởi sự hồi tháng 6/2017, ít tuần sau hội nghị quốc tế Một Vành Đai, Một Con Đường, bị tẩy chay, và chỉ chấm dứt, cuối tháng 8, trước thềm thượng đỉnh của BRICS, mà Trung Quốc đăng cai. Bắc Kinh không muốn New Delhi tẩy chay nốt thượng đỉnh này.

Ấn Độ là một đối tác quan trọng mà cả Trung Quốc và Hoa Kỳ đều muốn tranh thủ. Đúng ngày khai mạc Đại Hội Đảng Cộng Sản Trung Quốc, 18/10, ngoại trưởng Mỹ Tillerson đã có tuyên bố về Ấn Độ, ca ngợi mối quan hệ sâu sắc giữa «hai nền dân chủ lớn nhất thế giới», đồng thời cáo buộc Bắc Kinh có những hành động «thách thức luật pháp quốc tế, gây bất ổn thế giới».

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.