Vào nội dung chính
BẮC TRIỀU TIÊN - QUỐC TẾ

Nhóm G7 sẽ tăng cường áp lực kinh tế trên Bình Nhưỡng

Nhân cuộc họp bên lề hội nghị các bộ trưởng tài chánh nhóm G20 tại Washington ngày 12/10/2017, lãnh đạo tài chánh khối 7 nước công nghiệp hàng đầu thế giới – gọi tắt là G7 – đã đồng ý hợp tác với nhau để phá tan mọi mưu toan của Bắc Triều Tiên nhằm né tránh trừng phạt của Liên Hiệp Quốc.

Thống đốc Ngân Hàng Trung Ương Nhật Bản Haruhiko Kuroda (G) Tổng giám đốc IMF, bà Christine Lagarde (T) và thứ trưởng tài chính Trung Quốc Chu Quang Diệu tại hội nghị các bộ trưởng tài chính nhóm G-20 ngày 12/10/2017, ở Washington.
Thống đốc Ngân Hàng Trung Ương Nhật Bản Haruhiko Kuroda (G) Tổng giám đốc IMF, bà Christine Lagarde (T) và thứ trưởng tài chính Trung Quốc Chu Quang Diệu tại hội nghị các bộ trưởng tài chính nhóm G-20 ngày 12/10/2017, ở Washington. REUTERS/Yuri Gripas
Quảng cáo

Phát biểu với báo giới, thứ trưởng Tài Chánh Nhật Bản phụ trách đối ngoại ông Masatsugu Asakawa cho biết là nhóm G7 đã cam kết gây sức ép kinh tế tối đa trên Bắc Triều Tiên để cắt đứt nguồn thu nhập của chế độ Bình Nhưỡng và ngăn chặn các hành vi lạm dụng hệ thống tài chánh quốc tế.

Theo hãng tin Anh Reuters, sự kiện các bộ trưởng tài chánh G7 tiết lộ việc họ đã họp kín với nhau là một việc rất hiếm hoi, và điều đó cho thấy quyết tâm của các nền kinh tế phát triển, sẵn sàng gia tăng áp lực trên Bắc Triều Tiên sau những hành động khiêu khích, coi thường công đồng quốc tế gần đây của nước này.

Tháng 9 vừa qua, Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc đã nhất trí thông qua nghị quyết tăng cường trừng phạt Bình Nhưỡng sau khi Bắc Triều Tiên tiến hành vụ thử hạt nhận lần thứ sáu. Loạt trừng phạt mới này đã cộng thêm vào những biện pháp được ban hành trước đó và đã được nhiều nước tuân theo.

Malaysia đình chỉ hoàn toàn việc nhập hàng Bắc Triều Tiên

Một trong những dấu hiệu rõ nhất phản ánh tình trạng ngày càng bị cô lập của Bình Nhưỡng là sự kiện Malaysia, nước được xem là bạn bè thân thiết nhất của Bắc Triều Tiên, đã ngừng toàn bộ hoạt động nhập khẩu hàng hóa Triều Tiên kể từ tháng 6 vừa qua, góp phần vào nỗ lực quốc tế nhằm chặn nguồn tài trợ cho chương trình tên lửa và hạt nhân của Bình Nhưỡng.

Theo Reuters, số liệu thống kê Malaysia cho biết là trong tháng 6, tháng 7 năm nay, nước này không nhập khẩu bất cứ hàng hóa nào từ Bắc Triều Tiên, sau khi đã nhập khẩu gần 5 triệu đô la trong 5 tháng đầu năm.

Cần nói thêm là ngoài lý do chung là chấp hành nghị quyết của Liên Hiệp Quốc, Kuala Lumpur còn có lý do riêng để trừng phạt Bình Nhưỡng : Vào tháng Hai đầu năm, người anh cùng cha khác mẹ với lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un là ông Kim Jong Nam đã bị ám sát ngay tại sân bay quốc tế Kuala Lumpur, tình nghi là theo lệnh của Bình Nhưỡng.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.