Vào nội dung chính
QUAN HỆ TRUNG ẤN

Nam Á: Ấn Độ tìm cách đối phó với tiền của Trung Quốc

Ấn Độ tìm cách bảo vệ phạm vi ảnh hưởng lâu năm tại Nam Á, khu vực đang được Trung Quốc đầu tư hàng triệu đô la. Nhiều chuyên gia tham dự hội nghị Diễn Đàn Kinh Tế Thế Giới tại New Delhi, diễn ra từ ngày 04-06/10/2017, cho rằng Ấn Độ phải phát huy thế mạnh riêng thay vì đối chọi với tiền của Trung Quốc.

Đồng nhân dân tệ (yuan) Trung Quốc. (Ảnh minh họa)
Đồng nhân dân tệ (yuan) Trung Quốc. (Ảnh minh họa) REUTERS/Thomas White
Quảng cáo

Trả lời kênh CNBC ngày 06/10, thượng nghị sĩ Ấn Độ Shashi Tharoor nhận định : « Trung Quốc có thừa vốn để đầu tư, chúng tôi thì không thể, nhưng chúng tôi có thể tự lực trong những lĩnh vực có giá trị khác nhau. Đây là điều luôn được đánh giá cao và theo đuổi ».

Có nghĩa là để tránh bị Trung Quốc lấn lướt trên sân nhà, thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi nên tiếp tục xuất khẩu công nghệ giá rẻ và cung cấp các khoản tín dụng phát triển ưu đãi. Vì từ lâu Ấn Độ đã nổi lên là quốc gia hàng đầu về công nghệ chi phí thấp ở Nam Á và Đông Nam Á. Ngoài dược phẩm giá phải chăng rất được quan tâm, Ấn Độ cũng đang dẫn đầu trong ngành năng lượng mặt trời.

Biên tập viên đối ngoại Suhasini Haidar của tờ The Hindu khẳng định New Delhi « sẽ gây thất vọng nếu quyết tâm cạnh tranh với Trung Quốc trên mặt trận đầu tư », thay vào đó, nên phát huy lợi thế vì Ấn Độ cũng phải đối mặt với những thách thức tương tự với các nước trong vùng, như đói nghèo và thời tiết khắc nghiệt.

Còn theo cựu cố vấn an ninh quốc gia Ấn Độ Leela Ponappa, New Delhi còn có thể hỗ trợ quá trình phát triển kinh tế của các nước Nam Á với những khoản vay bằng đồng rupi Ấn để giảm các vấn đề liên quan đến tỉ giá hối đoái và phá giá đồng tiền.

CNBC nhắc lại, để theo đuổi tham vọng dự án « Một Vành Đai, Một Con Đường », Bắc Kinh đã đầu tư vào nhiều dự án hạ tầng khác nhau ngay trong vùng ảnh hưởng của Ấn Độ, như cảng Hambantota tại Sri Lanka, Hành Lang Kinh Tế Trung Quốc-Pakistan. Điều này đã khiến New Delhi tức giận và từ chối tham gia Con Đường Tơ Lụa Mới của Trung Quốc.

Ngoài ra, còn phải kể thêm sự cạnh tranh ngày càng tăng giữa hai cường quốc châu Á cả về tăng trưởng kinh tế lẫn tranh chấp biên giới trên cao nguyên Doklam từ tháng 09/2017.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.