Vào nội dung chính
BANGLADESH - MIẾN ĐIỆN

Người Rohingya tiếp tục tị nạn sang Bangladesh

Sau vài ngày tạm lắng, người Rohingya lại tiếp tục tìm đường sang Bangladesh tị nạn để tránh bị đàn áp tại Miến Điện. Liên Hiệp Quốc báo động tình trạng của người Rohingya tại bang Rakhine hết sức thê thảm.

Người tị nạn Rohingyas tại Cox's Bazar, Bangladesh đợi được phát lương thực. Ảnh ngày 26/09/2017.
Người tị nạn Rohingyas tại Cox's Bazar, Bangladesh đợi được phát lương thực. Ảnh ngày 26/09/2017. REUTERS/Cathal McNaughton
Quảng cáo

AFP dẫn lời một lính biên phòng Bangladesh, « khoảng từ 4.000 đến 5.000 người Rohingya đến đây hàng ngày », « một số người từng nghĩ rằng họ có thể ở lại Miến Điện ». Một dân biểu Bangladesh kể lại mỗi ngày có hàng chục chuyến đò, đưa người tị nạn qua sông Naf, dòng sông biên giới tự nhiên giữa hai nước.

Truyền thông chính thức Miến Điện cho biết : hơn 10.000 người Rohingya tập hợp trước một cửa khẩu qua Bangladesh.

Hiện tại đã có hơn 507.000 người Rohingya chạy sang Bangladesh, tương đương một nửa số lượng dân cư của cộng đồng sắc tộc thiểu số theo đạo Hồi này.

Đau khổ của người Rohingya

Ngày 02/10/2017 lần đầu tiên kể từ khi xung đột bùng phát cuối tháng 8/2017, một phái đoàn quốc tế, với các đại diện của Liên Hiệp Quốc và đại sứ nhiều nước, tới được bang Rakhine.

Sau một ngày thị sát, đại diện của Liên Hiệp Quốc khẳng định tình trạng khổ đau của người Rohingya là « không thể tưởng tượng được », đồng thời yêu cầu « chấm dứt mọi hoạt động quân sự ». Liên Hiệp Quốc cũng đòi hỏi chính quyền Miến Điện « mở cửa hoàn toàn cho các trợ giúp nhân đạo » và tạo điều kiện để các tổ chức phi chính phủ « đánh giá tổng thể tình hình ».

Trả lời AFP, một đại diện Dự án Arakan – một tổ chức bảo vệ quyền của người Rohingya – giải thích lý do khiến cư dân sắc tộc này tiếp tục chạy nạn chủ yếu là do họ không còn gì để ăn và lo sợ.

Tình hình các trại tị nạn ở Bangladesh

Về phía các trại tị nạn ở Bangladesh, theo Liên Hiệp Quốc, có đến hơn 14.000 trẻ em bị suy dinh dưỡng, có nguy cơ tử vong, trong khi đó việc phân phối nhu yếu phẩm không được điều phối thống nhất. Trong khi, theo các tổ chức nhân đạo, hơn 145.000 trẻ em cần được cứu trợ khẩn cấp.

Theo AFP, nhóm vũ trang mang tên Quân Đội Giải Phóng Rohingya Arakan (ARSA) – lực lượng đã tiến hành cuộc tấn công vào các trạm biên phòng Miến Điện hôm 25/08 – đang bí mật tuyển mộ thành viên tại các trại tị nạn. Chính quyền Bangladesh phải đưa mật vụ đến các trại này để ngăn chặn.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.