Vào nội dung chính
BẮC TRIỀU TIÊN - CHÂU Á

Khi bán đảo Triều Tiên đã từng suýt chìm ngập trong chiến tranh

Mắc kẹt trong cuộc tranh giành ảnh hưởng và phụ thuộc, Bình Nhưỡng và Seoul đã từng trải qua các cuộc khủng hoảng rất nghiêm trọng, tại một trong những khu vực bị quân sự hóa mạnh nhất thế giới. Libération lượt lại những sự cố quan trọng nhất suýt dẫn đến nổ ra chiến tranh.

Bản đồ ranh giới vĩ tuyến 38 phân chia hai miền nam bắc Triều Tiên
Bản đồ ranh giới vĩ tuyến 38 phân chia hai miền nam bắc Triều Tiên Wikimedia
Quảng cáo

Kể từ khi chấm dứt chiến tranh Triều Tiên năm 1953, bán đảo Triều Tiên luôn luôn phải đối mặt với vấn đề an ninh. Gần 65 năm sau, Nam và Bắc Triều Tiên chưa hề ký hiệp định hòa bình, vẫn liên tục trừng trừng theo dõi nhau tại DMZ, nơi được đặt gọi một cách thậm vô lý là khu vực phi quân sự ở vĩ tuyến 38.

Biểu tượng của chiến tranh lạnh trường tồn tại đây, Bàn Môn Điếm minh họa một cách hài hước cho việc hai nước Triều Tiên đối đầu và khinh bỉ nhau ra sao trên bàn cờ chính trị Viễn Đông. Rối ren chính trị, khủng hoảng hạt nhân, tranh giành ảnh hưởng giữa các đại cường, tập trận, bắt bí và đe dọa dữ dội, có rất nhiều giai đoạn căng thẳng và đôi khi gây lo ngại lại nổ ra một cuộc xung đột.

1976, sự cố cây liễu

Vào lúc 11 giờ sáng ngày 18/08, khủng hoảng nổ ra trong vùng An Ninh Chung (Joint Security Zone – JSA), dưới quyền kiểm soát của Liên Hiệp Quốc, trong khu vực phi quân sự (DMZ). Năm binh sĩ Hàn Quốc, được khoảng một chục quân cảnh Mỹ (GI) hộ tống, tiến hành tỉa lá chặt cành một cây liễu nằm ở giữa hai trạm quan sát của hai bên vì cây này che khuất tầm nhìn và các di chuyển của binh sĩ ở đây.

Khoảng ba chục binh sĩ quân đội Bắc Triều Tiên tới hiện trường và yêu cầu các binh sĩ Hàn Quốc hãy buông rìu bởi vì cây liễu gây bất hòa này do Kim Nhật Thành, cha đẻ của nước Cộng Hòa Dân Chủ Nhân Dân Triều Tiên trồng. Nhóm binh sĩ Hàn Quốc tiếp tục nhiệm vụ của mình và viên sĩ quan Bắc Triều Tiên đã ra lệnh cho quân lính của mình : « Hãy giết chúng đi ».

Hai sĩ quan Mỹ thiệt mạng, một người bị đánh chết, còn người kia bị đánh và chém rìu rồi tử thương. John Delury, sử gia chuyên về bán đảo Triều Tiên tại đại học Yonsei, ở Seoul, giải thích : « Mùa hè năm đó, chiến tranh Triều Tiên suýt tái phát. Các vụ giết người ngay giữa trung tâm khu vực phi quân sự đã làm gia tăng căng thẳng trong toàn vùng ».

Henry Kissinger, lúc đó là ngoại trưởng, gợi ý tổng thống Gerald Ford oanh kích miền Bắc để chứng tỏ là Hoa Kỳ không yếu kém về quân sự và ngoại giao. Tổng thống Ford từ chối lao vào một cuộc chiến tranh mới có thể dẫn đến sự can thiệp của Trung Quốc và Liên Xô trong một cuộc xung đột khó lường. Do vậy, nguyên thủ Hoa Kỳ điều binh sĩ đến … để chặt cây liễu.

Thế là khởi sự chiến dịch Paul Bunyan, tên của một tiều phu nổi tiếng và huyền thoại Mỹ. Các binh sĩ, kỹ sư, các đơn vị chiến đấu và lực lượng đặc nhiệm sẵn sàng tham chiến. Hoa Kỳ đặt các đơn vị trong tình trạng báo động, huy động máy bay ném bom B-52 và lực lượng chủ công của chiến hạm USS Midway. Ngày 21/08, cây liễu bị chặt, chỉ còn cao 6 mét mà không gây ra xung đột.

1994, các cuộc oanh kích nhắm vào những mục tiêu cụ thể

Người ta đã quên nhưng trong những năm 1991-1992, quan hệ giữa Hoa Kỳ và Bắc Triều Tiên tương đối yên bình. Tại Washington, George Bush ra lệnh rút về Hoa Kỳ các vũ khí hạt nhân chiến thuật vốn được đặt khắp nơi trên thế giới, nhất là ở Hàn Quốc. Tại Bình Nhưỡng, chính quyền tiến hành chính sách hòa dịu, đến mức ký với Seoul một tuyên bố phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên.

Thế nhưng, vào đầu năm 1993, tình hình đột nhiên căng thẳng, các thanh tra của Cơ Quan Năng Lượng Nguyên Tử Quốc Tế (AIEA) phát hiện ra là Bắc Triều Tiên đã tiến hành nhiều hoạt động tái xử lý nhiên liệu và không hề đình chỉ chương trình hạt nhân. AIEA đề nghị có các cuộc thanh tra mới nhắm vào các cơ sở của Bắc Triều Tiên.

Cùng lúc, chính quyền Bình Nhưỡng cho rằng họ bị đe doạ bởi các cuộc tập trận Team Spirit (Tinh thần đồng đội) trên quy mô lớn giữa Mỹ và Hàn Quốc. Tháng 03/2013, Bắc Triều Tiên thông báo rút ra khỏi hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân. Hoa Kỳ đặt tên lửa Patriot gần đường biên giới vĩ tuyến 38.

Tháng 05/1994, Bắc Triều Tiên thông báo đã rút ra khỏi lò phản ứng Yongbyon 8000 thanh nhiên liệu đã bị phóng xạ và như vậy có đủ plutonium để chế tạo từ 3 đến 5 quả bom nguyên tử. Đối với Washington, đây là một sự vi phạm các thỏa thuận với AIEA, là lằn ranh đỏ mà Bắc Triều Tiên không được vượt qua.

Chính quyền Clinton đòi Liên Hiệp Quốc phải có các trừng phạt và Kim Nhật Thành coi đó là hành động chiến tranh. Sau này, trong hồi ký, Bill Clinton cho biết là ông từ chối « gạt bỏ khả năng có hành động quân sự ». Nghiêm trọng hơn, tổng thống Mỹ và nhóm cố vấn của ông còn nghiên cứu các cuộc oanh kích như quân đội Israel đã từng oanh kích lò phản ứng hạt nhân Osirak của Irak, hồi tháng 06/1981.

Quốc Phòng Mỹ cho triển khai một hạm đội ở ngoài khơi bán đảo Triều Tiên và đưa ra một kế hoạch tấn công các cơ sở ở Yongbyon (phía bắc Bình Nhưỡng) mà tổng thống sẽ thông qua ngày 16/06/1994. Thế nhưng, cùng ngày đó, cựu tổng thống Jimmy Carter gặp Kim Nhật Thành.

« Lãnh tụ vĩ đại » của Bắc Triều Tiên chấp nhận đình chỉ chương trình hạt nhân, đánh đổi lấy viện trợ của Hoa Kỳ. Sau này, William J. Perry, nguyên là bộ trưởng Quốc Phòng (từ 1994 đến 1997) dưới thời Clinton, thừa nhận : « Chúng tôi thực sự bên bờ vực tiến hành chiến tranh » với Bắc Triều Tiên.

Giờ đây, vị cựu bộ trưởng này không ngừng ủng hộ đàm phán trực tiếp với một nước Bắc Triều Tiên hiện hữu như vậy, chứ không phải chỉ nói chuyện với một nước Bắc Triều Tiên mà người ta mong muốn có.

2010, năm thảm họa

Trong vòng có vài tháng, tình hình lại trở nên căng thẳng cực độ, đến mức 2010 « có thể là năm nguy hiểm nhất trên bán đảo Triều Tiên, kể từ sau chiến tranh Triều Tiên ». Đó là nhận định của Charles Armstrong, sử gia, giám đốc Trung Tâm Nghiên Cứu Triều Tiên, tại đại học Columbia, trên Tạp chí hai thế giới, hai năm sau đó.

Vào tháng 03/2010, Cheonan, hộ tống hạm loại nhỏ, trọng tải 1400 tấn, bị bắn chìm dường như bởi ngư lôi được phóng đi từ một tàu ngầm Bắc Triều Tiên. 46 thủy thủ Hàn Quốc thiệt mạng và cái chết của họ là một thảm kịch quốc gia đối với Hàn Quốc. 

Bởi vì sự việc xảy ra vào đúng dịp nước này tưởng niệm 115 nạn nhân thiệt mạng trong một vụ khủng bố nhắm vào chiếc máy bay của Korea Air có thể do các nhân viên tình báo Bắc Triều Tiên thực hiện năm 1987. Tổng thống phe bảo thủ Hàn Quốc Lee Myung Bak lên giọng và tuyên bố rằng từ nay, ông sẽ sử dụng quyền tự vệ trong trường hợp có các cuộc tấn công mới của Bắc Triều Tiên.

Trên tạp chí Herodote, năm 2011, Junghwan Yoo, giáo sư danh dự trường đại học Cheongju, nhớ lại, « cái tam giác cũ mà người ta từng gọi là phương bắc, bao gồm là Bắc Triều Tiên, Trung Quốc và Liên Xô trong thời chiến tranh lạnh, dường như đột nhiên tái xuất hiện. Ở phía nam, ba nước trong tam giác phương nam, Hàn Quốc, Nhật Bản và đồng minh của họ là Hoa Kỳ, siết chặt hàng ngũ chống lại hiểm họa Bắc Triều Tiên ».

11/2010, chiến tranh xẩy ra ở vùng biển phía tây bán đảo, trong khu vực căng thẳng được gọi là đường giới hạn phía Bắc – cũng còn được gọi là 5 đảo Hoàng Hải. Ngày 23/11/2010, một trận mưa pháo, với hơn 170 quả đạn, từ phương Bắc, trong vòng một giờ, đổ ập xuống Yeonpyeong, một hòn đảo nhỏ có 1890 dân sinh sống.

Hai binh sĩ và hai thường dân Hàn Quốc thiệt mạng. Cuộc tấn công này dường như nhằm trả đũa vụ bắn luyện tập của Hàn Quốc và đạn pháo có thể đã rơi xuống vùng biển của Bắc Triều Tiên. Các hình ảnh nhà cháy, cột khói bốc cao được đăng tải khắp nơi trên thế giới.

Đại bác của Hàn Quốc đáp trả nhưng ba dàn pháo bị hóc. Một phi đội F15 và F16 được điều tới khu vực, nhưng không nhận được lệnh khai hỏa : Bộ chỉ huy liên quân Mỹ-Hàn (Opcon) gạt bỏ mọi khả năng leo thang căng thẳng.

Theo chuyên gia John Delury, « Lúc đó, Hoa Kỳ đóng vai trò tác nhân duy trì ổn định, kiềm chế Hàn Quốc vì Seoul muốn tỏ ra ở thế tiến công. Ngày nay, chính quyền của Donald Trump tỏ ra không hiểu biết và thiếu chuẩn bị, thì sự năng động không còn như trước nữa ». Hoa Kỳ trở thành một tác nhân gây căng thẳng đáng lo ngại trên bán đảo Triều Tiên.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.