Vào nội dung chính
Tạp chí tiêu điểm

Tương lai bế tắc của người Rohingya Miến Điện

Đăng ngày:

Từ cuối tháng 08, các tổ chức nhân quyền và định chế quốc tế, kể cả Liên Hiệp Châu Âu và Liên Hiệp Quốc, tiếp theo đó là Đức Giáo Hoàng Phanxicô, lãnh đạo tinh thần Phật Giáo Tây Tạng - Đức Đạt Lai Lạt Ma - lần lượt lên tiếng lên án và kêu gọi chấm dứt chính sách trấn áp người Rohingya tại Miến Điện. Gần một phần ba sắc dân theo đạo Hồi ở Miến Điện phải chạy trốn bạo lực của quân đội truy nã một lực lượng võ trang nổi dậy mới thành lập.

Phân phát hàng cứu tợ cho người tị nạn ở Bangladesh ngày 20/09/2017.
Phân phát hàng cứu tợ cho người tị nạn ở Bangladesh ngày 20/09/2017. REUTERS/Cathal McNaughton
Quảng cáo

Dựa trên sức mạnh của đôi chân, hơn 400.000 người Rohingya Miến Điện, trên tổng số 1,3 triệu ở bang Rakhine đã vượt biên giới tây nam, chạy sang Bangladesh tị nạn. Trong nước, khoảng 120.000 người dân do bị quân đội truy bức đã kéo về thủ phủ Sittwe lánh nạn. Theo các nhân chứng, 200 người bị giết chết. Còn theo quân đội Miến Điện, 400 "tên khủng bố" bị tiêu diệt. Trên biển, khoảng 100 xác thuyền nhân trôi trong vùng duyên hải Malaysia. Liên Hiệp Quốc cảnh báo nạn « thanh lọc sắc tộc » và yêu cầu chính quyền Aung San Suu Kyi tái công nhận quyền công dân của người Rohingya. Vì sao nên nỗi ?

Trước hết, tình hình người tị nạn tại biên giới Bangladesh ra sao ? Theo AFP, trung bình mỗi ngày có khoảng 10.000 người Rohingya vượt sông Naf, chạy qua biên giới. Tại quốc gia được xem là một trong những nước nghèo nhất thế giới, hàng loạt lều trại bằng tre được khẩn cấp dựng làm nơi trú ẩn cho người tị nạn trong mùa mưa nhiệt đới.

Một nhân viên từ thiện người Bangladesh ở biên giới tường thuật:

Chúng tôi có thể cung cấp thức ăn, thức uống cho người tị nạn. Từ hơn một tuần nay, cảnh sát biên giới Bangladesh để yên cho chúng tôi cứu trợ vì họ thấy một số người tị nạn đã chết khi vượt biên hoặc đến được Bangladesh trong tình trạng kiệt lực.

Tuy nhiên, chính phủ Bangladesh không muốn tỏ ra rộng lượng vì e rằng sẽ khuyến khích thêm nhiều người Rohingya chạy sang. Từ năm 2012, Bangladesh đã cho 50.000 người Rohingya tạm trú. Chính phủ chúng tôi sợ rằng không thể buộc họ quay về Miến Điện.

RFI đặt câu hỏi với chuyên gia Alexandra de Mersan, viện nghiên cứu Đông Nam Á, Paris: Vì sao hàng trăm ngàn người Rohingya phải chạy trốn? Vì sao một số người Rohingya lại cầm súng nổi dậy trong tổ chức mang tên Quân Đội Cứu Nguy Rohingya-Arakan (Arakan là tên cũ của bang Rakhine) để tuyên bố bảo vệ người thiểu số Rohingya ?

Giáo sư Alexandra de Mersan, chuyên gia về Miến Điện, thuộc trung tâm nghiên cứu Đông Nam Á, Paris :

Quân Đội Cứu Nguy Rohingya-Arakan, nhóm võ trang của người Rohingya đã tiến hành một số vụ tấn công vào cơ quan cảnh sát biên phòng, những cơ quan đại diện cho chính quyền Miến Điện cách nay mấy tuần lễ. Sau những vụ này, quân đội Miến Điện hành quân truy kích. Nhưng cũng như thông lệ, trong mỗi lần hành quân truy nã thủ phạm tấn công thì binh sĩ Miến Điện thi hành những biện pháp thô bạo không phân biệt chiến binh với thường dân, họ tấn công vào làng mạc của người Rohingya.

Ngày 10/09 vừa qua, tổ chức Quân Đội Cứu Nguy Rohingya-Arakan, (còn có một tên khác là Harakah ai-Yaqin, Phong Trào Đức Tin), đơn phương tuyên bố hưu chiến để tạo điều kiện cho các hoạt động thiện nguyện. Mục đích chiến đấu của nhóm này là gì ?

Giáo sư Alexandra de Mersan:

Người ta không biết nhiều về tổ chức Quân Đội Cứu Nguy Rohingya-Arakan ARSA. Với một tên gọi khác, nhóm này tự nhận là tác giả một vụ tấn công khác cũng vào một đồn biên giới hồi tháng 10 năm 2016.

Đây là một nhóm võ trang thuộc xu hướng dân tộc và tranh đấu với mục đích tự vệ chống lại chính sách đàn áp của chính quyền Miến Điện. Chính sách này đã gây khó khăn cho đời sống của người Rohingya từ nhiều thập niên qua.

Có một điều cần nhấn mạnh là sau loạt tấn công hồi cuối tháng 8 vừa qua, nhóm võ trang ARSA ra thông cáo khẳng định kẻ thù của họ là chính quyền Miến Điện chứ không phải là người dân Miến Điện hay Phật tử địa phương.

Đây không phải là đợt tị nạn đầu tiên của cộng đồng Rohingya Miến Điện. Theo nhiều sử gia và cũng theo đa số người Miến Điện, từ thế kỷ 18, thực dân Anh khuyến khích hàng loạt nông dân theo hệ phái Suni từ miền đông Bangale, nay là Bangladesh, sang Miến Điện lập nghiệp. Hệ quả là cuộc sống hài hòa giữa người Hồi và người Miến Điện theo đạo Phật ở vương quốc Arakan không còn nữa. Người Rohingya bị xem là « di dân bất hợp pháp ».

Căng thẳng sắc tộc tăng thêm từ trước Thế chiến thứ hai. Trong chính sách « chia để trị », Anh Quốc thiên vị người Hồi giáo so với các sắc dân khác. Khi Thế chiến nổ ra, Anh Quốc khuyến khích tín đồ đạo Hồi chống lại người Miến Điện theo đạo Phật, đồng minh của Nhật Bản.

Khi Miến Điện giành được độc lập, Hiến Pháp năm 1947 công nhận quyền công dân của sắc tộc Rohingya. Nhưng sau cuộc đảo chính 1962, chính quyền quân sự từ từ kềm tỏa và hủy bỏ dần quyền lợi của các sắc dân thiểu số bất kể họ theo tôn giáo nào.

Trong những năm 1977-1978 và 1991-1992, một chiến dịch đàn áp của quân đội đã làm 250.000 người Rohingya phải chạy sang Bangladesh. Sau đó, một số đông quay về vì bị chính quyền Dacca trục xuất.

Giữa hai đợt đàn áp, Miến Điện thay đổi luật pháp. Đạo luật 1982 đặt người Rohingya vào quy chế « vô tổ quốc ». Cho rằng người Rohingya không thể chứng minh tổ tiên của họ sinh sống ở Miến Điện từ trước năm 1823, tức là trước chiến tranh Anh-Miến lần thứ nhất, Rangun tước quốc tịch của sắc tộc theo đạo Hồi.

Vào tháng 11/2011, tập đoàn quân sự tự giải thể mở ngõ cho một phong trào Phật tử cực đoan, do một số sư tăng kỳ thị lãnh đạo dẫn đến một cuộc xung đột sắc tộc vào năm 2012, nhất là ở bang Rakhine. 200 người Rohingya bị giết chết, và một lần nữa 120.000 người di tản về thủ phủ Sittwe cho đến nay.

Bạo lực tiếp nối bạo lực. Tháng 10/2016, lần đầu tiên quân đội Miến Điện bị đánh. Chiến dịch trả thù đã đẩy 87.000 người Rohingya chạy qua nước láng giềng Bangladesh. Từ cuối tháng 08/2017, sau khi một đồn biên phòng bị tấn công cướp súng, một lần nữa quân đội chính phủ hành quân trả thù/ Cuộc trả thù mang màu sắc thanh lọc sắc tộc.

Sự kiện Rohingya đấu tranh võ trang là chuyện tất yếu.

Giáo sư Alexandra de Mersan giải thích lý do :

Từ nhiều thập niên qua, người Rohingya ở bang Arakan sống trong điều kiện cực kỳ khó khăn. Giới chuyên gia đều cho rằng chuyện người Rohingya cầm súng nổi dậy để tự vệ là chuyện tất yếu không thể tránh được.

Cũng không thể loại trừ khả năng nhóm này nhận được hỗ trợ từ một số nhóm chiến binh nước ngoài, lợi dụng thời cơ để mở rộng mạng lưới quốc tế. Nhưng về điểm này, tôi thấy vũ khí của ARSA khá thô sơ. Họ cũng không tỏ ra gắn kết với các tổ chức thánh chiến quốc tế. Từ nhiều chục năm qua, không ít người Rohingya Miến Điện đã chạy sang các quốc gia lân cận như Bangladesh, Pakistan và một số nước vùng Vịnh tị nạn và lập nghiệp. Chính cộng đồng Rohingya di cư này đã trợ giúp tài chính cho ARSA. Chỉ có chính quyền và quân đội Miến Điện gọi ARSA là « khủng bố » và cấm truyền thông dùng một từ ngữ khác ngoài từ « khủng bố » để gọi lực lượng võ trang của người Rohingya.

Thế nhưng ở Miến Điện có rất nhiều lực lượng thiểu số nổi dậy, chứ không phải một mình Rohingya. Tuy nhiên, quốc tế lại ít được nghe nói đến các lực lượng đó.

Trong một bài nhận định hồi đầu tháng 09, nhật báo Mỹ Wall Street Journal cảnh báo nguy cơ Đông Nam Á, với 240 triệu dân theo đạo Hồi, chìm trong khói lửa nếu không giải quyết ổn thỏa thảm nạn Rohingya.

Ngày 13/09, Al Qaida đề nghị trợ giúp tổ chức ARSA và kêu gọi các nhóm thánh chiến Hồi Giáo quốc tế « yểm trợ » đồng đạo Miến Điện. Quân Đội Cứu Nguy Rohingya-Arakan ngay lập tức lên tiếng từ chối sự hỗ trợ của các tổ chức khủng bố quốc tế.

Liệu lực lượng ARSA có thể bị khủng bố quốc tế lợi dụng để rồi rơi vào bẫy mà quân đội Miến Điện đang chờ ?

Giáo sư Alexandra de Mersan :

Rất có thể. Như đã trình bày bên trên, đời sống của người Rohingya rất khắc nghiệt, tương lai bế tắc. Nhưng Rohingya không phải là cộng đồng sắc tộc duy nhất nổi dậy. Chúng ta không nên quên là tại Miến Điện có hàng chục lực lượng võ trang chống chính quyền trung ương và quân đội chính phủ.

Có nguy cơ Quân Đội Cứu Nguy Rohingya-Arakan ARSA bị một tổ chức thánh chiến nào đó bên ngoài lợi dụng, nhưng cho đến giờ phút này, không có một dấu hiệu nào cho thấy họ đi theo xu hướng cực đoan hoặc bảo vệ một ý thức hệ Hồi giáo chính trị cực đoan.

Những yêu sách của ARSA giới hạn trong khuôn khổ bảo vệ quyền lợi của người Rohingya sống tại Miến Điện, quyền lợi của một cộng đồng dân tộc tranh đấu chống chính quyền trung ương và chính sách áp bức từ nhiều thập kỷ.

Thông điệp toàn dân của lãnh đạo dân sự Miến Điện ngày 19/09/2017 nhìn nhận có đàn áp nhân quyền và tỏ ra « thương cảm » người Rohingya là bước đầu. Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc đòi hỏi chấm dứt chiến dịch quân sự. Thanh tra Liên Hiệp Quốc muốn được tự do hoạt động tại Miến Điện.

Liệu Naypyidaw có chấp nhận trao trả quốc tịch và quyền công dân cho người Rohingya hay không ? Giới chuyên gia địa chính trị lo ngại : Do vị thế của bang Rakhine sát vịnh Bangale và giàu tài nguyên kim loại hiếm mà Trung Quốc dòm ngó, số phận người Rohingya rất khó được yên.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.