Vào nội dung chính
BẮC TRIỀU TIÊN - YOUTUBE

Khủng hoảng bán đảo Triều Tiên : Youtube khai hỏa ?

Bình Nhưỡng liên tục thử tên lửa, Seoul vội vàng tập trận. Nhưng chưa có một trận chiến thật sự nào diễn ra trên bán đảo Triều Tiên. Thế nhưng, cuộc chiến trên mạng dường như đã bắt đầu mà người khai hỏa là mạng Youtube. Một hành động khiến cộng đồng khoa học nổi giận.

Ảnh của hãng thông tấn Bắc Triều Tiên KCNA cung cấp, ngày 16/09/2017, với lời chú : lãnh đạo Kim Jong Un xem bắn thử tên lửa Hwasong-12. Reuters không có phương tiện để thẩm định tính xác thực của bức ảnh.
Ảnh của hãng thông tấn Bắc Triều Tiên KCNA cung cấp, ngày 16/09/2017, với lời chú : lãnh đạo Kim Jong Un xem bắn thử tên lửa Hwasong-12. Reuters không có phương tiện để thẩm định tính xác thực của bức ảnh. KCNA via REUTERS
Quảng cáo

Trang mạng chia sẻ video đã kiểm duyệt Bắc Triều Tiên bằng cách đóng cửa hai kênh tuyên truyền thường nhật của nước này. Một biện pháp đã khiến những nhà khoa học đang nghiên cứu về Bắc Triều Tiên bất bình. Bởi vì, những hình ảnh video này có thể mang đến những thông tin quý giá về đất nước khép kín nhất hành tinh.

Từ Seoul, thông tín viên Frederic Ojardias giải thích vì sao Youtube lại đưa ra quyết định kỳ lạ này.

« Youtube đã đóng hai kênh tuyên truyền quan trọng Bắc Triều Tiên, đó là kênh « Urimizokkiri » - nghĩa là « Dân tộc ta » - và kênh Tonpomail, vốn dĩ do hiệp hội những cư dân Bắc Triều Tiên ở Nhật Bản quản lý.

Những kênh này phát đi mỗi ngày bản tin của đài truyền hình nhà nước và nhiều đoạn video tuyên truyền. Trên trang mạng, Youtube mà chủ sở hữu là tập đoàn Google của Hoa Kỳ có giải thích rằng những kênh đó bị đóng cửa là « do có đơn kiện » và « vì đã vi phạm cam kết của cộng đồng Youtube ».

Thế nhưng, nguyên nhân cụ thể của hành động kiểm duyệt này lại không rõ ràng. Những kênh đó không có đăng quảng cáo, nên những kênh này chẳng đem về cho Bình Nhưỡng một xu ngoại tệ nào. Rất có khả năng là luật sư của Youtube đã tỏ ra cẩn thận quá đà, trong việc chạy theo nghị quyết mới nhất của Liên Hiệp Quốc, áp đặt các lệnh trừng phạt nghiêm khắc nhắm vào chế độ Bình Nhưỡng sau vụ thử hạt nhân mới nhất. »

Vấn đề là quyết định của Youtube đã khiến giới chuyên gia về Bắc Triều Tiên nổi giận. Bởi vì nhờ vào các đoạn video này mà các nhà nghiên cứu lục tìm tỉ mỉ hòng nhặt nhạnh những thông tin quý giá về đất nước quá ư là bí hiểm. Thông tín viên Frederic Ojardias giải thích tiếp :

« Những video này còn giúp các nhà nghiên cứu theo dõi được các di chuyển của lãnh đạo Kim Jong Un, xác định được những cơ sở quân sự mới, có được những chi tiết kỹ thuật về những loại tên lửa mới nhất, xác định những nhân vật cao cấp xung quanh lãnh đạo họ Kim, hay như là biết được những gì chế độ nói với người dân...

Trong một thư ngỏ gởi Youtube, nhà phân tích người Mỹ Curtis Melvin đưa ra một danh sách dài ví dụ về những thông tin có được. Ông cho đấy là những « thiệt hại nghiêm trọng cho công việc của những người nghiên cứu các nguồn thông tin công khai ».

Công việc này là thiết yếu, nó cho phép công luận và giới phóng viên tiếp cận những phân tích độc lập. Và điều này còn quan trọng hơn nữa vào lúc căng thẳng đã trở nên trầm trọng từ nhiều tháng nay. Joshua Pollack, một chuyên gia về không phổ biến hạt nhân nhấn mạnh rằng quyết định chặn hai kênh này của Youtube đưa ra không đúng thời điểm. »

Bất chấp các phản đối của giới nghiên cứu, Youtube kiên quyết không lùi bước. Một phát ngôn viên của hãng đã biện minh như sau trong một thông cáo :

« Chúng tôi rất lấy làm vui mừng là Youtube là một diễn đàn cho phép làm rõ những góc khuất của hành timh... nhưng chúng tôi phải tôn trọng luật lệ ».

Vẫn theo thông tín viên Frederic Ojardias thì đây không phải là lần đầu tiên Youtube ngăn chận các tài khoản sử dụng của Bắc Triều Tiên. Năm 2016, một kênh truyền hình đã bị rút khỏi trang mạng. Các nhà khoa học giờ đây chỉ biết trông đợi những kênh truyền hình tuyên truyền khác xuất hiện trên trang mạng của Trung Quốc chẳng hạn.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.