Vào nội dung chính
TRUNG QUỐC - BẮC TRIỀU TIÊN

Bắc Kinh cứng rắn hơn với Bình Nhưỡng, dù không muốn chế độ này sụp đổ

Ngay cả trước khi Bắc Triều Tiên lại bắn tên lửa đạn đạo ngang qua Nhật Bản Bắc Kinh đã tỏ thái độ cứng rắn hơn với đồng minh Bình Nhưỡng. Theo báo chí quốc tế, các ngân hàng lớn nhất của Trung Quốc đã được lệnh ngưng mở tài khoản mới cho các cá nhân và công ty, tổ chức Bắc Triều Tiên. Biện pháp này như vậy là mạnh hơn cả các biện pháp trừng phạt mà Hội Đồng Bảo An vừa thông qua sau vụ thử hạt nhân lần thứ sáu của Bình Nhưỡng.

Chủ tịch TQ Tập Cận Bình mất kiên nhẫn với Kim Jong Un ? Ảnh minh họa.
Chủ tịch TQ Tập Cận Bình mất kiên nhẫn với Kim Jong Un ? Ảnh minh họa. REUTERS/Jason Lee
Quảng cáo

Cho tới nay, Bắc Kinh vẫn cố không để cho chế độ Bình Nhưỡng sụp đổ hay nổ ra chiến tranh trên bán đảo Triều Tiên, gây ra một cuộc khủng hoảng người tị nạn tràn qua biên giới Trung Quốc. Chủ trương của Bắc Kinh vẫn là kêu gọi các bên trở lại bàn đàm phán, kêu gọi Hoa Kỳ và Hàn Quốc ngưng các cuộc tập trận chung để có thể thuyết phục Bắc Triều Tiên ngưng thử hạt nhân và tên lửa.

Nhưng việc Bình Nhưỡng liên tiếp thử nghiệm vũ khí, lại đúng vào lúc sắp diễn ra những sự kiện lớn ở Trung Quốc, chẳng hạn như là Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc vào tháng 10/2017 khiến Bắc Kinh càng khó xử với đồng minh bất trị này. Trong khi đó thì Hoa Kỳ gia tăng áp lực lên Trung Quốc cả trên vấn đề Bắc Triều Tiên lẫn thương mại.

Trong một bài viết đăng ngày 15/09/2017, trang mạng Quartz cho biết là, trước thái độ khiêu khích quốc tế của Bình Nhưỡng, trong giới học giả Trung Quốc ngày càng có nhiều người yêu cầu Bắc Kinh phải có thái độ cứng rắn hơn với Bắc Triều Tiên, nhất là vì vụ thử hạt nhân mới đây khiến Bắc Kinh quan ngại về nguy cơ ô nhiễm phóng xạ ở vùng biên giới giữa hai nước. Họ kêu gọi Trung Quốc phải thi hành những biện pháp trừng phạt kinh tế nặng nề hơn với Bình Nhưỡng, chẳng hạn như cấm các ngân hàng Trung Quốc làm ăn với các công ty Bắc Triều Tiên.

Chính chủ tịch Tập Cận Bình là người trực tiếp đề ra chính sách về Bắc Triều Tiên. Việc Trung Quốc bỏ phiếu thuận cho các biện pháp trừng phạt mới của Liên Hiệp Quốc và lệnh cấm các ngân hàng mở tài khoản mới cho người Bắc Triều Tiên cho thấy là lãnh đạo họ Tập dường như nay đã hết kiên nhẫn với Kim Jong Un.

Hơn nữa, đối với chính quyền Donald Trump, Bắc Triều Tiên và mậu dịch song phương là hai vấn đề gắn liền nhau. Khi bỏ phiếu thuận cho các biện pháp trừng phạt mới của Liên Hiệp Quốc đối với Bình Nhưỡng, Bắc Kinh hy vọng sẽ giải tỏa được áp lực của Hoa Kỳ trên vấn đề trao đổi thương mại, mà Trung Quốc vẫn bị cáo buộc là có những lạm dụng.

Như lời giám đốc Trung tâm Nghiên cứu châu Á-Thái Bình Dương thuộc Đại học Lĩnh Nam, Hồng Kông, Bắc Kinh muốn "dạy cho Bắc Triều Tiên một bài học, nhưng không nặng đến mức làm sụp đổ chế độ này". Một giáo sư về quan hệ quốc tế tại Đại học Nhân Dân Trung Quốc ở thủ đô Bắc Kinh, cũng cho rằng Trung Quốc muốn Bắc Triều Tiên ăn đòn đau, nhưng đồng thời vẫn mở ngỏ cho Bình Nhưỡng trở lại bàn thương lượng.

Nhưng theo ông, đây là một chính sách đầy rủi ro, bởi vì nếu Bắc Triều Tiên tiếp tục có những hành động khiêu khích quốc tế, Bắc Kinh sẽ lâm vào thế kẹt. Hoa Kỳ lại còn có lý do để buộc Trung Quốc phải chấp nhận một lệnh cấm vận dầu hỏa "toàn diện và ngay lập tức", một biện pháp có thể đe dọa đến sự sống còn của chế độ Bình Nhưỡng.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.