Vào nội dung chính
ẤN - NHẬT - TRUNG

Ấn-Nhật gia tăng hợp tác an ninh - quốc phòng

Hôm qua, 14/09/2017, trong ngày cuối cùng của chuyến công du Ấn Độ, thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và đồng nhiệm Ấn Độ Narendra Modi đã ký kết một bản tuyên bố chung, nhằm siết chặt hợp tác nhiều mặt, trong đó đặc biệt là thúc đẩy các quan hệ an ninh, quốc phòng.

Thủ tướng Nhật Shinzo Abe (T) và đồng nhiệm Ấn Độ Narendra Modi nói chuyện trong chuyến viếng thăm thảo am của cố lãnh tụ Ấn Độ Gandhi, ở Ahmedabad, 13/09/2017.
Thủ tướng Nhật Shinzo Abe (T) và đồng nhiệm Ấn Độ Narendra Modi nói chuyện trong chuyến viếng thăm thảo am của cố lãnh tụ Ấn Độ Gandhi, ở Ahmedabad, 13/09/2017. REUTERS/Amit Dave
Quảng cáo

Báo chí Ấn Độ cho biết, trong bản tuyên bố chung, vấn đề tăng cường hợp tác an ninh và quốc phòng được đặt lên vị trí số một. Lãnh đạo hai nước chủ trương thúc đẩy nhiều hợp tác trong lĩnh vực công nghệ quốc phòng, tuần duyên, tác chiến trên biển, bao gồm tàu chống ngầm.

Việc chuẩn bị chuyển giao thủy phi cơ tuần tra US-2 của Nhật Bản cho Ấn Độ là một biểu tượng của quan hệ hợp tác song phương trong lĩnh vực này. New Delhi và Tokyo cũng dự kiến thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực công nghệ lưỡng dụng, dân sự-quân sự.

Tuyên bố song phương Ấn - Nhật có mục tiêu chính là nhằm thúc đẩy phát triển bền vững và bảo vệ hòa bình tại khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương (Indo-Pacific region), trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, các tranh chấp được giải quyết bằng thương lượng, trong đó ASEAN được coi là đối tác hàng đầu.

Khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương (bao gồm vùng biển nhiệt đới tây và trung Thái Bình Dương, vùng biển bắc Ấn Độ Dương, và các vùng biển khác nối liền hai vùng biển nói trên) trở thành trọng tâm trong hợp tác giữa Nhật Bản và Ấn Độ trong vài năm trở lại đây. Hợp tác tại khu vực này là trọng tâm trong hai “Chiến lược Hướng Đông” của New Delhi và “chiến lược vùng biển Ấn Độ - Thái Bình Dương mở và tự do” của Tokyo.

Hành Lang Tăng Trưởng Á-Phi (Asia-Africa Growth Corridor), mà Nhật Bản và Ấn Độ khởi sự từ đầu mùa hè năm nay, được coi là một trong các phương tiện để đối trọng với ảnh hưởng gia tăng của Trung Quốc, đặc biệt với dự án Một Vành Đai, Một Con Đường (OBOR), mà Bắc Kinh đang cổ vũ.

Cuộc thượng đỉnh thường niên Ấn-Nhật năm nay diễn ra chỉ ít ngày sau cuộc đối đầu quân sự kéo dài giữa Ấn Độ và Trung Quốc tại vùng ngã ba biên giới Doklam, tạm lắng hồi cuối tháng 8.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.