Vào nội dung chính
BÁN ĐẢO TRIỀU TIÊN

Cánh tả Hàn Quốc vẫn «mê» Bình Nhưỡng

Vào lúc căng thẳng giữa Bắc Triều Tiên và Hoa Kỳ lên đến cao độ, theo tuần báo L'Obs, dân Hàn Quốc lại bị chia rẽ về đối sách với chế độ Kim Jong Un. Cánh tả cầm quyền tại Seoul nay vẫn còn bị Bình Nhưỡng mê hoặc.

Biểu tình tại Hàn Quốc chống hệ thống THAAD ngày 07/09/2017.
Biểu tình tại Hàn Quốc chống hệ thống THAAD ngày 07/09/2017. Reuters
Quảng cáo

Cũng như trong các cuộc biểu tình « vì hòa bình và đối thoại », thường diễn ra tại Hàn Quốc, cuộc biểu tình chống hệ thống lá chắn chống tên lửa THAAD của Mỹ tại làng Soseong Ri, nằm ở khu vực đặt hệ thống này, vẫn có sự tham gia đông đảo của giới Công Giáo, hoạt động môi trường, đấu tranh vì hòa bình, tức là những người vẫn mơ đến một nền hòa bình và hữu nghị giữa hai miền Triều Tiên.

Vấn đề là toàn bộ những người có thiện chí đó dường như quên rằng chính sách chìa bày tay với Bình Nhưỡng, gọi là chính sách « Vầng Thái Dương », của cựu tổng thống Kim Dae Jung đã thất bại hoàn toàn: năm 2006, sau 8 năm nhận viện trợ vô điều kiện của Hàn Quốc, Bắc Triều Tiên đã bất ngờ tiến hành thử hạt nhân !

Vì sao vẫn còn những người mù quáng như vậy ? Tờ Nouvel Obs trích lời nhà phân tích chính trị Shim Jae Hoon cho biết, những người « yêu hòa bình bằng mọi giá » này không hẳn là những nhà dân chủ hoặc những người cấp tiến như họ tự nhận, mà thật ra là đó là những người dân tộc chủ nghĩa cực đoan. Họ vẫn căm ghét Nhật Bản, mặc dù từ 70 năm qua người Nhật không còn làm hại người Triều Tiên. Họ cũng chẳng ưa gì Hoa Kỳ, quốc gia đã hy sinh 34 ngàn quân nhân để giúp miền Nam đẩy lùi cuộc xâm lăng của miền Bắc.

Ngược lại, những người tự nhận là cánh tả này lại tỏ ra khoan dung với những « sai lầm » , những « thất thường » của dòng họ Kim, cố tình không biết đến những mối đe dọa từ chế độ cha truyền con nối này. Đối với những người dân tộc chủ nghĩa cực đoan này, miền Bắc mới là hiện thân thật sự của quốc gia Triều Tiên, tự khẳng định mình trước thế giới, trái với miền Nam, muôn đời là « chư hầu » của cường quốc Mỹ.

Vì sao Kim Jong Un không ngán ai ?

Vì sao lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un có vẻ không ngán sợ ai ? Tờ Le Courrier International tuần này đăng bản dịch một bài báo trên tờ Seoul Shinmun giải đáp câu hỏi này.

Theo tờ báo Hàn Quốc, khi tiến hành vụ thử hạt nhân thứ sáu, sau khi đã bắn nhiều tên lửa, Kim Jong Un dường như tin rằng phương án quân sự mà chính quyền Trump nêu lên không thật sự có thể xảy ra. Rằng Mỹ sẽ không đi đến mức ném bom vào Bắc Triều Tiên, cho dù Washington chắc là sẽ triển khai các oanh tạo cơ chiến lược đến bán đảo Triều Tiên.

Nếu Mỹ ném bom Bắc Triều Tiên, Bình Nhưỡng chắc chắn sẽ đáp trả và một cuộc chiến tranh sẽ gây thiệt hại rất nặng nề về nhân mạng và vật chất. Phương án quân sự khó mà được Hoa Kỳ sử dụng, Kim Jong Un tha hồ làm mưa làm gió, lợi dụng lúc quan hệ Mỹ-Trung đang căng thẳng.

Mặt khác, cũng theo tờ Seoul Shinmun, các biện pháp trừng phạt Bình Nhưỡng vẫn có tác động rất hạn chế, cho dù Bắc Kinh có tham gia trừng phạt, vì giữa Trung Quốc với Bắc Triều Tiên, buôn bán chợ đen chiếm tỷ trọng lớn hơn nhiều so với giao thương chính thức.

Nước Đức không mạnh như người ta tưởng

Còn vài tuần nữa là nước Đức bầu Quốc Hội. Nhân dịp này, tuần báo L’Express có bài phỏng vấn nhà kinh tế học Đức Henrik Enderlein về quốc gia hàng đầu châu Âu này. Nhận định chung của ông là nước Đức không thật sư hùng mạnh như vẻ bề ngoài cho thấy.

Hiện giờ nước Đức có vẻ rất giàu mạnh với tỷ lệ thất nghiệp rất thấp ( chưa tới 5% ), ngân sách thì bội thu, nợ công thì đang giảm, thương mại thì đạt mức thặng dư kỷ lục. Nhưng thật ra theo nhà kinh tế học Enderlein, cường quốc kinh tế châu Âu này đang đối diện với nhiều thách đố về dài hạn, mà đầu tiên là về mặt dân số.

Theo dự đoán, từ năm đến năm 2050, nước Đức sẽ mất đi khoảng 20% nhân công, do tình trạng lão hóa dân số. Để bù đắp cho sự thiếu hụt nhân công đó, trong vòng 20 đến 30 năm nữa, nước này sẽ phải «nhập khẩu» từ 10 đến 15 triệu lao động nước ngoài. Một thách đố vô cùng to lớn. Một giải pháp nữa là đưa thêm nhiều phụ nữ vào thị trường lao động và khuyến khích người lớn tuổi, người về hưu quay trở lại làm việc. Nhưng như thế thì phải lập ra rất nhiều nhà trẻ, trong khi ở Đức hiện đã thiếu rất nhiều chỗ trong các nhà trẻ.

Một vấn đề khác của nước Đức, theo ông Enderlein, đó là tình trạng thiếu đầu tư vào cơ sở hạ tầng. Tính cả trong lĩnh vực công lẫn tư, nước Đức lẽ ra cần đầu tư thêm từ 80 đến 100 tỷ euro vào các công trình cơ sở hạ tầng. Mà lý do của việc thiếu đầu tư này chính là do tình trạng lão hóa dân số. Bởi lẽ cần gì phải xây thêm trường mới nếu ta biết rằng trong 20 hay 30 năm nữa, nước Đức sẽ chẳng cần đến?

Địa ngục của phép lạ Đức

Cái mà người ta vẫn ca ngợi là phép lạ kinh tế Đức thật ra có mặt trái của nó, hay nói nặng hơn là mặt «địa ngục»của nó, như hàng tựa một bài báo của tờ nguyệt san Le Monde Diplomatique số tháng 9.

Sau các cải tổ của liên minh đảng Xã Hội Dân Chủ SPD - đảng Xanhcủa thủ tướng Gerhard Schoder, được thực hiện trong thời gian từ 2003 đến 2005, ở Đức, các khoản trợ cấp xã hội và trợ cấp thất nghiệp được nhập lại thành một, do cơ quan tìm việc làm Jobcenter cấp phát và khoản tiền trợ cấp duy nhất này rất thấp.

Hiện nay, một người sống độc thân chỉ nhận được 409 euro mỗi tháng. Mục đích là để buộc người thất nghiệp phải nhanh chóng tìm một việc làm, dù là với lương thấp hoặc không xứng với trình độ của mình hoặc không đúng với nguyện vọng của mình. Thành ra, trong khi tỷ lệ thất nghiệp ở Đức giảm mạnh, tỷ lệ người lao động nghèo, tức là những người lãnh lương dưới 979 euro/tháng, lại tăng từ 18% lên 22%, trong khoảng thời gian từ 2000 đến 2016.

Với số tiền ít ỏi như thế, những người hưởng trợ cấp phải sống lây lất qua ngày và không còn đủ để trả tiền thuê nhà. Cơ quan Jobcenter có thể trả tiền nhà dùm nếu số tiền không vượt quá mức trần được ấn định tùy theo khu vực địa lý. Phần tiền nhà bị lố dĩ nhiên là người lãnh trợ cấp phải bỏ tiền túi ra, tức là càng phải ăn nhín ăn nhịn.

Người lãnh trợ cấp phải chịu sự kiểm soát rất gắt gao và bị cơ quan Jobcenter soi mói đủ mọi mặt: tài khoản ngân hàng, mua sắm, di chuyển, đời sống gia đình, thậm chí cả quan hệ tình ái. Ngay cả con cái của họ cũng có thể bị Jobcenter gọi lên để «làm việc» và nếu không đến đúng ngày hẹn thì có thể bị cắt khoản trợ cấp dành cho trẻ em!

Dân Trung Quốc đua nhau mua nhà ở Đức

Ngày càng có nhiều người Trung Quốc đầu tư vào địa ốc ở Đức và thành phố tài chính Francfort đã bắt đầu thiết kế những nhà ở mới đáp ứng các yêu cầu của khách hàng Trung Quốc. Đó là nội dung một bài báo trên tờ Frankfurter Allgemeine Zeitung, được Le Courrier International trích dịch.

Nếu như Francfort chẳng có nghĩa lý gì với dân châu Âu, thì đối với người Trung Quốc, thành phố này là cửa ngỏ đi vào châu Âu. Với 10 chuyến bay thẳng mỗi ngày từ Trung Quốc, với hơn 200 ngân hàng, với những cơ sở hạ tầng kiên cố và với một cộng đồng người Hoa quan trọng, Francfort có rất nhiều yếu tố thu hút khách hàng Trung Quốc.

Dân Trung Quốc thích mua nhà ở Francfort cũng vì chất lượng sống rất cao ở đây, không khí trong lành, môi trường pháp lý bảo đảm và địa ốc là lĩnh vực đầu tư hấp dẫn, nhất là vì luật của Đức không gây trở ngại gì đối với khách hàng nước ngoài. Dù là khách từ nước nào đến, các quy định đều được áp dụng như nhau. Từ lâu, các nhà xây dựng ở Francfort đã tính đến những yêu cầu, sở thích của khách hàng Trung Quốc khi thiết kế các dự án địa ốc.

Hồi sinh những động vật đã biến mất

Những con mamouth ( voi thời tiền sử ) và nói chung là những động vật đã tuyệt chủng rồi sẽ được hồi sinh? Theo tuần báo L’Express, đây không còn là chuyện khoa học giả tưởng nữa, mà rất có thể nằm trong tầm tay của các nhà khoa học.

Một tổ chức của Mỹ mang tên The Long Now đang cộng tác với các nhà di truyền học, sinh học, động vật học và cổ sinh vật học để thực hiện dự án hồi sinh khoảng một chục loài, trong đó có loài voi mammouth nhiều lông. Bắt đầu từ cách đây khoảng 20 năm, dự án này dựa trên những công nghệ mũi nhọn : sửa đổi các tế bào, nhân bản, trích xuất và giãi mã các mẫu ADN xưa.

Vào năm 2003, tức là chỉ 7 năm sau khi con cừu nhân bản Dolly ra đời, người ta đã nhân bản được còn dê núi Pyrénées Celia từ những tế bào lấy từ con dê này trước khi nó chết. Nhưng kỹ thuật nhân bản đòi hỏi phải có những tế bào còn tốt, mà trong đó phân tử ADN vẫn nguyên vẹn. Thành ra, các nhà khoa học chỉ có thể hồi sinh những loài động vật nào mới mất gần đây hoặc những động vật có các tế bào được lưu giữ trong trạng thái đông lạnh. Cho nên, sẽ không bao giờ có chuyện các con khủng long tung tăng bay nhảy trở lại như trong phim Jurrasic Park.

Những người lính siêu nhân?

Ngoài các vũ khí quy ước và hạt nhân, quân đội các nước nay sử dụng ngày càng nhiều robot tham gia chiến đấu. Nhưng máy móc không thể thay thế hoàn toàn con người, quân đội vẫn cần đến lính. Vấn đề là binh sĩ thì sức có hạn, cho nên các nghiên cứ đang tìm cách nâng cao khả năng của quân nhân, cả về mặt thể chất lẫn tinh thần. Đó là đề tài đưọc tờ le Monde Diplomatique quan tâm.

Theo Le Monde Diplomatique, ngay từ thập niên 1990, Cơ quan phụ trách các dự án nghiên cứu quốc phòng Hoa Kỳ ( DARPA) đã bắt đầu quan tâm đến việc nâng cao năng lực của binh sĩ trong chiến đấu. Đến năm 2004, cơ quan này tập hợp các nhà sinh học và vật lý học để phát triển những công nghệ giúp « tối ưu hóa khả năng chiến đấu » của quân nhân, đưa năng lực chiến đấu này vượt quá giới hạn tự nhiên của cơ thể con người. Chẳng hạn như giúp họ có thể thức lâu hơn, bị mất máu nhiều mà không ngất đi, không còn cảm giác đau, có thể sống nhiều ngày hơn khi không còn thức ăn,… Về não bộ, các binh sĩ được « tối ưu hóa » có thể học tiếng nước ngoài nhanh hơn, ghi nhớ các các chỉ thị và bản đồ tác chiến nhanh hơn.

Theo Le Monde Diplomatie, việc « tối ưu hóa » binh sĩ không chỉ nhằm nâng cao năng lực của binh sĩ, mà còn nhằm làm giảm chi phí, vì một binh sĩ được « tối ưu hóa » có thể thực hiện nhiều nhiệm vụ khác nhau, như vậy sau này quân đội bớt đi quân số mà vẫn duy trì được khả năng phòng thủ, đồng thời hạn chế tổn thất nhân mạng trong chiến sự.

Những cường quốc quân sự khác như Nga và Trung Quốc dĩ nhiên cũng quan tâm đến vấn đề này.

 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.