Vào nội dung chính
MIẾN ĐIỆN - ROHINGYA

Miến Điện : Aung San Suu Kyi tố cáo “tin thất thiệt” về người Rohingya

Lần đầu tiên từ khi cuộc khủng hoảng về người Rohingya nổi cộm trở lại vào hạ tuần tháng 8, lãnh đạo chính quyền Miến Điện, bà Aung San Suu Kyi, ngày 06/09/2017 đã tố cáo điều được gọi là « tảng băng sơn của thông tin thất thiệt », đã bóp méo sự thật về cuộc khủng hoảng liên quan đến người Hồi Giáo Rohingya, khiến cho Liên Hiệp Quốc phải lên tiếng báo động.

Cố vấn nhà nước Miến Điện Aung San Suu Kyi họp báo với thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tại Naypyitaw, Miến Điện, ngày 06/09/2017.
Cố vấn nhà nước Miến Điện Aung San Suu Kyi họp báo với thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tại Naypyitaw, Miến Điện, ngày 06/09/2017. REUTERS/Soe Zeya Tun
Quảng cáo

Trong một cuộc điện thoại với tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan, lãnh đạo chính quyền Miến Điện cho rằng niềm thương xót mà quốc tế dành cho người Hồi Giáo Rohingya xuất phát từ một « tảng băng sơn khổng lồ của thông tin sai lệch, được tạo ra để kích động hiềm khích giữa các cộng đồng khác nhau và để thúc đẩy lợi ích của những kẻ khủng bố ».

Đây là phản ứng chính thức đầu tiên của người từng đoạt Giải Nobel Hoà Bình, trong thời gian qua đã bị phê bình gắt gao ở nước ngoài vì đã im lặng trước thảm cảnh mà cộng đồng thiểu số người Hồi Giáo Rohingya đang phải chịu, khiến hàng chục ngàn người đã phải bỏ chạy qua nước Bangladesh láng giềng.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ là người đã nhiều lần lên án các phản ứng của chính quyền Miến Điện trong cuộc khủng hoảng, tố cáo điều được gọi là « nạn diệt chủng » ở khu vực bang Rakhine, miền đông bắc Miến Điện, nơi cụ ngụ chủ yếu của người Rohingya.

Phản ứng của bà Aung San Suu Kyi còn xuất phát từ sự kiện vào cuối tháng 8, phó thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ, Mejmet Símsek đã cho đăng những bức ảnh thực hư không rõ ràng và tố cáo một cuộc ‘thanh lộc chủng tộc.’

Tuy những bức ảnh này được rút đi sau đó nhưng sự vụ đã làm dấy lên sự công phẫn ở Miến Điện.

Bạo lực tại bang Rakhine bùng lên trở lại ngày 25/08 với cuộc tấn công của phiến quân Rohingya thuộc lực lượng Arakan Rohingya Salvation Army (ARSA), nhắm vào hàng chục đồn cảnh sát. Quân đội Miến Điện đã phản công bằng một chiến dịch truy quét rộng lớn, đẩy hàng chục ngàn người vào con đường chạy loạn.

Theo các tổ chức nhân đạo, ngoài 125.000 người tị nạn ở Bangladesh kể từ ngày 25/08, hàng ngàn người được đang trên đường và một số vẫn còn bị chặn lại tại biên giới.

Hãng tin Anh Reuters ngày 06/09 trích nguồn tin chính phủ Bangladesh tố cáo Miến Điện cho gài mìn dọc theo biên giới giữa hai nước từ ba ngày nay nhằm ngăn chặn không cho người Hồi Giáo Rohingya quay về sau khi chạy loạn qua nước láng giềng.

Một thảm cảnh khác được ghi nhận : Ngày 06/09, thi thể 5 đứa trẻ bị chết đuối vì thuyền bị mắc kẹt ở phía bên Bangladesh và bị chìm. Theo chính quyền địa phương, có ba hoặc bốn chiếc thuyền bị chìm ở cửa sông Naf, đánh dấu biên giới tự nhiên giữa Miến Điện và mũi phía đông nam của Bangladesh.

Indonesia : Biểu tình chống áp bức người Rohingya

Ngày 06/09, hàng người đã biểu tình tại Jakarta, đòi hỏi ngưng bạo lực, áp bức đối với người Hồi Giáo Rohingya ở Miến Điện.

Đáp ứng lời kêu gọi của các tổ chức đạo Hồi ở Indonesia, khoảng 4.000 người theo cảnh sát, đã tập hợp trước sứ quán Miến Điện tại Jakarta, mang biểu ngữ đòi « chấm dứt việc giết người Hồi Giáo Rohingya ». Theo hãng tin Pháp AFP, 6.000 cảnh sát đã được huy động để bảo vệ sứ quán Miến Điện.

Vào ngày 05/09, ngoại trưởng Indonesia Reino Marsudi, kết thúc chuyến thăm Miến Điện, đã gặp bà Aung San Suu Kyi và kêu gọi tìm phương cách giải quyết khủng hoảng.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.