Vào nội dung chính
INDONESIA - MIẾN ĐIỆN

Indonesia tham gia giải quyết cuộc khủng hoảng nhân đạo ở Miến Điện

Liên Hiệp Quốc ngày 05/09/2017 loan báo, đã có thêm gần 124.000 người thiểu số Rohingya theo đạo Hồi ở Miến Điện sang Banglasdesh tị nạn. Tại Indonesia, quốc gia Hồi giáo đông dân nhất thế giới, tình cảnh của người Rohingya đã khiến chính quyền nước này phải phản ứng. Từ cuối tuần qua, Jakarta cũng đã có những nỗ lực ngoại giao quan trọng để tìm ra giải pháp cho cuộc khủng hoảng nhân đạo.

Người tị nạn Rohingya tại biên giới Miến Điện- Bangladesh-Myanmar. Ảnh ngày 03/09/2017.
Người tị nạn Rohingya tại biên giới Miến Điện- Bangladesh-Myanmar. Ảnh ngày 03/09/2017. REUTERS/Mohammad Ponir Hossain
Quảng cáo

Từ Jakarta, thông tín viên RFI Joël Bronner cho biết thêm chi tiết :

« Tình hình này đòi hỏi phải có những hành động cụ thể, chứ không chỉ những lời tuyên bố và lên án. Trong cuộc họp báo hôm Chủ nhật, tổng thống Joko Widodo nói rõ, Indonesia muốn tham gia giải quyết cuộc khủng hoảng nhân đạo đang diễn ra ở Miến Điện, và giúp đỡ người thiểu số Rohingya.

Ngay từ hôm qua, Jakarta đã cụ thể hóa ý định của mình qua việc gởi đến Rangoon ngoại trưởng Retno Marsudi, nổi tiếng là phát ngôn thẳng thừng. Nhà ngoại giao đã gặp gỡ bà Aung San Suu Kyi, hiện đang bị chỉ trích dữ dội, và tổng tham mưu trưởng quân đội Miến Điện, để trình bày một kế hoạch do Jakarta soạn thảo nhằm giúp ra khỏi khủng hoảng.

Tiếp theo, bà Marsudi đến Dakha ở nước Bangladesh láng giềng, nhằm giám sát việc phân phát viện trợ nhân đạo của Indonesia cho những người tị nạn Hồi giáo từ Miến Điện sang.

Cùng lúc, tại Jakarta, số nhân viên an ninh đã được tăng cường trước đại sứ quán Miến Điện, tại khu phố sang trọng Menteng, sau vụ tòa nhà này bị ném bom xăng hôm Chủ nhật. Hôm qua trước tòa đại sứ này, hàng trăm người chủ yếu là phụ nữ đã biểu tình để bày tỏ sự phẫn nộ đối với các nhà lãnh đạo Miến Điện ».

Cho đến nay, đã có trên 400.000 người Rohingya tị nạn tại Bangladesh. Giải Nobel hòa bình trẻ tuổi người Pakistan, cô Malala Yousafzai hôm qua đã chỉ trích bà Aung San Suu Kyi về cách giải quyết thảm trạng người Rohingya, và ngoại trưởng Pakistan kêu gọi mở điều tra. Thủ tướng Malaysia bày tỏ quan ngại, Iran kêu gọi quốc tế hành động để tránh một sự thanh lọc chủng tộc, Maldives ngưng trao đổi thương mại với Miến Điện.

Bên cạnh phản ứng của các quốc gia Hồi giáo, ủy ban tham vấn do ông Kofi Annan lãnh đạo đã công bố một bản báo cáo chỉ trích mạnh mẽ chính quyền Miến Điện về vấn đề người Rohingya. Cao ủy Nhân quyền Liên Hiệp Quốc cách đây vài ngày tuyên bố, việc vi phạm nhân quyền một cách có hệ thống đối với sắc dân thiểu số này chỉ dẫn đến bạo lực.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.