Vào nội dung chính
BẮC TRIỀU TIÊN - TRUNG QUỐC

Thử bom nguyên tử : Kim Jong Un "vỗ mặt" Tập Cận Bình ?

Chỉ vài giờ trước lúc chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khai mạc hội nghị thượng đỉnh khối BRICS, ngày 03/09/2017, lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un, đã cho nổ quả bom hạt nhân thứ sáu của mình. Hào quang quốc tế mà lẽ ra ông Tập Cận Bình được hưởng nhờ vai trò chủ nhà cuộc họp lãnh đạo năm nước năng động nhất hành tinh đã lập tức bị dư chấn của vụ thử bom làm lu mờ. Theo giới quan sát, việc chọn thời điểm thử bom không phải là ngẫu nhiên, và đây không phải là lần đầu tiên mà Kim Jong Un ngang nhiên thách thức Tập Cận Bình. Câu hỏi đặt ra là để làm gì ?

Lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un (giữa) trong một cuộc họp Bộ Chính Trị. Ảnh được KCNA công bố ngày 4/9/2017.
Lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un (giữa) trong một cuộc họp Bộ Chính Trị. Ảnh được KCNA công bố ngày 4/9/2017. KCNA via REUTERS
Quảng cáo

Phải nói là lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình đã chờ đợi rất nhiều từ hội nghị thượng đỉnh khối BRICS, tập hợp về thành phố Hạ Môn (Xiamen), miền đông nam Trung Quốc, lãnh đạo 4 thành viên còn lại trong khối là Nga, Brazil, Ấn Độ và Nam Phi, các nước cùng với Trung Quốc được cho là đại diện cho sức vươn lên của nền kinh tế thế giới hiện nay.

Ông Tập Cận Bình hy vọng là sự kiện này, được báo chí quốc tế loan báo rộng rãi, sẽ cho phép phô trương uy lực của Trung Quốc, điểm tô thêm cho uy tín bản thân ông, vài tuần lễ trước Đại Hội Đảng Cộng Sản Trung Quốc, mà ông muốn tranh thủ để củng cố thêm quyền lực.

Thế nhưng, theo ghi nhận của nhật báo Mỹ New York Times, số đề ngày hôm nay 04/09, ngay sau khi Bình Nhưỡng loan báo vụ thử bom hạt nhân, thông tin về vụ nổ đã lan tỏa trên thế giới, làm cho tin tức về cuộc họp của khối BRICS mờ nhạt ngay lập tức, gây chấn động ngay tại Trung Quốc và khơi dậy nỗi lo ngại về nguy cơ ô nhiễm hạt nhân tại miền đông bắc nước này.

Đối với nhật báo Mỹ The New York Times, trong số đề ngày hôm nay 04/09, rõ ràng là Bắc Triều Tiên đang cố gắng tạo ra sự bối rối tối đa cho Trung Quốc và đây không phải là lần đầu tiên mà ông Kim Jong Un chọn đúng thời điểm một sự kiện quan trọng tại Trung Quốc để khiêu khích bằng cách phô trương vũ khí của mình. Vào tháng Năm vừa qua, Bình Nhưỡng cũng đã phóng tên lửa đạn đạo vài giờ trước khi ông Tập Cận Bình phát biểu tại hội nghị thượng đỉnh Con Đường Tơ Lụa Mới, tập hợp nhiều lãnh đạo thế giới ở Bắc Kinh.

Theo các nhà phân tích, sự trùng hợp giữa các vụ thử vũ khí của Bắc Triều Tiên với các sự kiện trọng đại do ông Tập Cận Bình công khai chủ trì không phải là ngẫu nhiên, mà là nhằm cho thấy là bản thân ông Kim Jong Un, lãnh đạo quốc gia láng giềng nhỏ bé, bị cho là côn đồ, hoàn toàn có thể làm giảm uy quyền và uy tín của ông Tập Cận Bình trong tư cách chủ tịch Trung Quốc.

Một số chuyên gia, trả lời The New York Times, còn khẳng định rằng vụ thử bom hạt nhân mới nhất có thể nhằm gây áp lực trên ông Tập Cận Bình chứ không phải là trên tổng thống Mỹ Donald Trump.

Theo Peter Hayes, giám đốc của Viện Nautilus, một nhóm nghiên cứu chuyên về Bắc Triều Tiên : « Kim Jong Un biết rõ là Tập Cận Bình có khả năng thực sự ảnh hưởng đến tính toán ở Washington… Ông ta đang gây sức ép lên Trung Quốc để Bắc Kinh nói với Trump: "Hãy đàm phán với Kim Jong Un". »

Theo chuyên gia này, điều mà ông Kim Jong Un mong muốn nhất là nói chuyện được với Washington, với hy vọng đạt được một thỏa thuận cắt giảm quân số Mỹ tại Hàn Quốc và để yên cho Bắc Triều Tiên sở hữu vũ khí hạt nhân. Và trong tính toán của ông Kim Jong Un, Trung Quốc đủ sức thúc đẩy cho cuộc đàm phán đó xảy ra.

Một câu hỏi khác được đặt ra ông Tập Cận Bình sẽ phản ứng ra sao trước hành vi có thể nói khiêu khích của Kim Jong Un. Một số nhà phân tích Trung Quốc cho rằng Bắc Triều Tiên phải trả giá cho hành động coi thường Trung Quốc, đồng minh và đối tác thương mại lớn.

Tuy nhiên, khả năng chủ tịch Trung Quốc đổi thái độ được cho là không nhiều vì lẽ, như The New York Times nhận định, một Bắc Triều Tiên có vũ khí hạt nhân ít nguy hiểm đối với Trung Quốc hơn là việc chế độ Bình Nhưỡng bị sụp đổ, bán đảo Triều Tiên thống nhất dưới sự kiểm soát của Hoa Kỳ và đồng minh Hàn Quốc.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.