Vào nội dung chính
BIỂN ĐÔNG-TRUNG QUỐC

Trung Quốc gia tăng triển khai máy bay không người lái ở Biển Đông

Nghiên cứu của một viện tư vấn của Mỹ, vừa được công bố, cho hay Trung Quốc có kế hoạch triển khai hàng loạt máy bay không người lái (UAV), trong những năm tới, để bành trướng thế lực và gia tăng khả năng kiểm soát các khu vực tranh chấp ở Biển Đông và Biển Hoa Đông. Nghiên cứu khuyến nghị các quốc gia trong khu vực cần có cẩm nang ứng xử, nhằm đối phó kịp thời với các UAV của Trung Quốc, “tránh căng thẳng leo thang vượt tầm kiểm soát”.

Lính cứu hộ Trung Quốc sử dụng một chiếc drone thu hình ảnh thiệt hai sau vụ động đất ở Tứ Xuyên. Ảnh ngày 09/08/2017.
Lính cứu hộ Trung Quốc sử dụng một chiếc drone thu hình ảnh thiệt hai sau vụ động đất ở Tứ Xuyên. Ảnh ngày 09/08/2017. Reuters
Quảng cáo

Báo mạng Washington Free Beacon trích lại một báo cáo của Project 2049, một viện tư vấn về Châu Á-Thái Bình Dương và Trung Á, có trụ sở tại Hoa Kỳ, được đưa ra hôm thứ Hai, 29/08/2017. Theo đó, trong những năm tới, Bắc Kinh sẽ đầu tư nhiều vào lĩnh vực máy bay không người lái.

Cụ thể là từ nay đến 2023, Trung Quốc sẽ sản xuất khoảng 10.000 máy bay không người lái, với số tiền tương đương 10 tỉ đô la. Một bộ phận trong số này sẽ được sử dụng tại các khu vực tranh chấp ở Biển Đông, như tại hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, nơi nhiều quốc gia như Việt Nam, Philippines, Malaysia hay Đài Loan cũng đòi chủ quyền.

Báo cáo của viện tư vấn Mỹ nêu lên bốn loại UAV mà Quân Đội Trung Quốc đang sử dụng, bao gồm ba loại tự chế trong nước ASN-209, BZK-005 và GJ-1. Riêng máy bay S-100 do công ty Schiebel của Úc chế tạo. BZK-005 có tầm hoạt động 2.400 km, có thể bay liên tục 40 giờ. GJ-1 có tầm hoạt động khoảng 4.000 km. Chỉ cần cất cánh tại các sân bay trên đất liền, hai máy bay này đã có khả năng kiểm soát trọn Biển Đông hoặc Biển Hoa Đông.

Theo báo cáo của Project 2049, việc máy bay không người lái xâm nhập các vùng tranh chấp để làm công việc do thám, đã trở thành chuyện phổ biến đến mức mà vấn đề này “không còn là lĩnh vực riêng” của các chuyên gia hay các quan chức cao cấp. Có thái độ ứng xử phù hợp với các vật thể không người lái là một vấn đề quan trọng, bởi đây là một mảng khuyết trong hệ thống luật pháp quốc tế, đặc biệt liên quan đến các vùng tranh chấp.

Washington Free Beacon nhắc lại cuộc khủng hoảng cuối 2016, khi Hải Quân Trung Quốc bắt giữ một tàu ngầm không người lái của Hoa Kỳ, đang làm nhiệm vụ khảo sát đại dương tại vùng biển cách không xa bờ Philippines.

Báo cáo của Project 49 nhấn mạnh là giới quân sự và các lực lượng chấp pháp, của các quốc gia láng giềng với Trung Quốc, cần kiểm tra xem xem các lực lượng tại chỗ “đã chuẩn bị đầy đủ” để đối phó với các máy bay không người lái của Trung Quốc hay chưa, đặc biệt là khi họ mất liên lạc với chỉ huy, và tình huống cụ thể đòi hỏi phải phản ứng kịp thời.

Theo Project 49, một cẩm nang ứng xử sẽ cho phép các lực lượng này có biện pháp phù hợp trước các máy bay không người lái Trung Quốc, có vũ trang hay không, hoạt động tại vùng tranh chấp trong khu vực mà các lực lượng này kiểm soát, giúp họ phản ứng tốt hơn trước các đe dọa tiềm tàng và tránh tình hình “vượt tầm kiểm soát”.

 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.