Vào nội dung chính
ĐÔNG BẮC Á - KHỦNG HOẢNG

Bắc Triều Tiên – Mỹ : Sự hòa dịu mong manh

Các trang báo Pháp đầu tuần vẫn tiếp tục tập trung chủ yếu vào những sự kiện thời sự đã diễn ra cuối tuần qua, như vụ khủng bố tại Catalunya, Tây Ban Nha hay vụ ông Steve Bannon cố vấn chiến lược của tổng thống Mỹ bị sa thải khiến ông Trump lại thêm lẻ loi. … Nhật báo le Monde chú ý tới một thời sự nóng của châu Á cho dù đã dịu xuống nhưng nguy cơ có thể bùng lên bất cứ lúc nào. Đó là căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên.

Tổng thống Mỹ Donald Trump (T) và lãnh tụ Bắc Triều Tiên Kim Jong Un. Ảnh minh họa
Tổng thống Mỹ Donald Trump (T) và lãnh tụ Bắc Triều Tiên Kim Jong Un. Ảnh minh họa Reuters / MANILA BULLETIN
Quảng cáo

Bài viết của Philippe Pons, nhà báo chuyên theo về tình hình châu Á, mang tựa đề : « Bắc Triều Tiên : Sự hòa dịu bề ngoài ».

Người ta còn nhớ màn đấu khẩu dọa dẫm nhau giữa tổng thống Mỹ Donald Trump và lãnh tụ Bắc Triều Tiên Kim Jong Un cách đây hai tuần đã đẩy tình hình căng thẳng lên đến cao độ tưởng chừng như một cuộc chiến tranh hủy diệt giữa Mỹ và Bắc Triều Tiên sắp nổ ra đến nơi. Nhưng cuối cùng hôm 15/08, Kim Jong Un bất ngờ tuyên bố hoãn kế hoạch bắn tên lửa về phía đảo Guam, lãnh thổ Mỹ nằm giữa tây Thái Bình Dương.

Quyết định trên đã làm dịu căng thẳng và được ông Trump đánh giá đó là một « quyết định khôn ngoan ». Thế nhưng theo tác giả Philippe Pons, sự hòa dịu đó « có nguy cơ không kéo dài bao lâu bởi ngày thứ Hai 21/08, Mỹ - Hàn mở cuộc tập trận thường niên trên quy mô lớn, huy động hơn chục nghìn quân. Hoạt động này vẫn luôn được Bình Nhưỡng nhìn nhận như là sự chuẩn bị cho một cuộc xâm lăng » Bắc Triều Tiên.

Bài báo phân tích : Ngừng dự định bắn tên lửa không phải là Bình Nhưỡng lùi bước trước « lửa giận » của ông Trump. Đây không phải lần đầu tiên Bắc Triều Tiên lên gân rồi lại cho chùng xuống và tiếp tục trở lại căng hơn. Vì thế cần phải tính đến những khiêu khích mới.

Theo phần đông các nhà phân tích thì giờ đây thế giới cần phải đối mặt với một thực tế : « Bắc Triều Tiên đang có chỗ đứng trong những cường quốc hạt nhân. Các lãnh đạo ở Bình Nhưỡng đã đạt được, có thể là đã vượt quá cả hy vọng của họ, điều mà họ muốn tìm kiếm đó là : Hoa Kỳ nhìn nhận nghiêm túc mối đe dọa của họ và Bắc Triều Tiên nghiễm nhiên được thừa nhận là một cường quốc hạt nhân hoặc đang chuẩn bị được như vậy ».

Tác giả bài viết nhận thấy, sự đe dọa của Bình Nhưỡng khiến Hoa Kỳ phải đánh giá lại tổn thất của một cuộc tấn công từ Bắc Triều Tiên nhất là khả năng phản công chết người nhằm vào Seoul, các căn cứ Mỹ ở Hàn Quốc và Nhật Bản. Hơn nữa lập trường của Trung Quốc đã được tờ báo đảng Global Times gần đây bày tỏ đó là nếu Bắc Triều Tiến tấn công Mỹ trước, Bắc Kinh sẽ đứng ngoài cuộc, nhưng nếu ngược lại Mỹ hành động trước, Bắc Kinh sẽ nhảy vào. Đó chính là hai điều kìm lại « cơn giận » của Donald Trump.

Như vậy chỉ còn lại con đường đàm phán. Thế nhưng, Bình Nhưỡng đã đặt điều kiện tiên quyết là Washington phải chấm dứt đe dọa họ. Về phần Mỹ, tướng Joseph Dunford, tham mưu trưởng liên quân Mỹ đã nhắc trong chuyến thăm Bắc Kinh gần đây : « Mối đe dọa Bắc Triều Tiên còn tồn tại rất lâu dài, chúng ta sẽ phải sẵn sàng để đáp trả ».

Tác giả kết luận : « Cả hai bên đều không loại trừ đàm phán, nhưng mỗi bên vẫn bám giữ lập trường riêng của mình và cho rằng bên kia phải tiến trước ».

Chiến tranh Triều Tiên : Kịch bản thảm họa cho kinh tế thế giới

Vẫn trên chủ đề căng thẳng với Bắc Triều Tiên, Le Monde có bài viết khác mang tiêu đề : « Một cuộc xung đột giữa hai miền Triều Tiên sẽ ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế thế giới ».

Tờ báo đặt vấn đề : « Ngoài các suy xét chính trị, lo ngại về an ninh, cần phải cân nhắc khủng hoảng Bắc Triều Tiên sẽ ảnh hưởng đến kinh tế Hàn Quốc và thế giới ? Quy mô của nó sẽ ra sao ? Đánh giá tác động đó thế nào ? »

Từ nhiều tuần qua, nhiều nhà phân tích phương tây cũng như châu Á đã suy nghĩ về những câu hỏi đó để dựng nên nhiều kịch bản. Nhìn chung các chuyên gia đều cho rằng, nếu căng thẳng chỉ dừng ở các cuộc đấu khẩu thì tác động đến kinh tế Hàn Quốc không lớn. Nhưng trường hợp xung đột quân sự, thậm chí chiến tranh hạt nhân nổ ra thì bên cạnh thiệt hại về người rất lớn thì nền kinh tế Hàn Quốc sẽ bị suy sụp gần như hoàn toàn. Trong khi đó, giờ đây Hàn Quốc là một mắt xích quan trọng trong dây chuyền sản xuất điện tử và xe hơi của toàn cầu.

Điều gì sẽ xảy ra với kinh tế thế giới khi các nhà máy của Hàn Quốc bị phá sập ? Theo Le Monde, nghiên cứu của các chuyên gia kinh tế chỉ ra rằng : « Việt Nam, nước nhập khẩu 20% linh kiến của Hàn Quốc, sẽ là nước bị thiệt hại nhiều nhất ». Bên cạnh đó thị trường tài chính thế giới sẽ hoảng loạn và tác động tai hại đến kinh tế thế giới.

Sự chi phối không khoan nhượng của Bắc Kinh với Hồng Kông

Tiếp tục với nhật báo le Monde. Xã luận của tờ báo trở lại với sự kiện chính quyền Hồng Kông vừa tuyên phạt án tù ba nhà đấu tranh dân chủ của phong trào « Dù vàng » năm 2014, những gương mặt tiêu biểu cho thế hệ mới chống lại sự chi phối của chính quyền Hoa Lục.

Xã luận le Monde nhận định : « Người ta nhận ra ở đây một quyền lực tuyệt đối của chủ tịch Tập Cận Bình. Tại Hoa lục, ông ta không ngần ngại trấn áp các luật sư, nhà báo, các nhà hoạt động, các tổ chức xã hội dân sự, chỉ vì họ đòi hỏi một điều là thực thi hiến pháp và pháp luật. Còn ở Hồng Kông, không hài lòng với việc rửa hận vụ nổi dậy mùa thu 2014, ông Tập muốn cho thấy không để cho người Hồng Kông một cơ hội nào thể hiện tấm gương dân chủ ».

Le Monde liệt kê một loạt những hành động có thể coi là can thiệp vào nội tình của Hồng Kông, vùng đất được hưởng quy chế « một đất nước, hai chế độ » khi được Anh trả lại cho Trung Quốc năm 1997 : Bắc Kinh đang có ý định áp đặt các môn học giáo dục ái quốc với người Hồng Kông, cho phép công an Trung Quốc hoạt động trong các nhà ga ở Hồng Kông hay thâu tóm báo chí về tay những tập đoàn trung thành với Bắc Kinh. Một thí dụ điển hình là hôm 11 tháng 8 vừa qua, đài phát thanh truyền hình Hồng Kông đã bỏ các buổi phát sóng của BBC để thay bằng chương trình của đài phát thanh chính thức Trung Quốc nhằm mục đích gọi là : « Tăng cường trao đổi văn hóa giữa Hoa lục và Hồng Kông ».

Xã luận báo Le Monde kết luận : « tính toán của chính quyền Trung Quốc không vô lý. Giới « tài phiệt » nắm giữ nền kinh tế của thành phố 7 triệu dân này đã từ lâu bị thu phục vì miếng mồi tăng trưởng kinh tế ở Hoa lục. Để hoàn thiện sự xích lại gần nhau, chỉ còn việc bịt miệng những thanh niên bướng bỉnh. Nhưng họ không biết là bỏ tù những người đó tức là cả một thế hệ người Hồng Kông có thể sẽ đứng lên chống lại Trung Quốc ».

Donald Trump, một tổng thống ngày càng suy yếu

Chuyển qua với trang báo le Figaro, tờ báo dành trang sự kiện để nói về chính quyền của Donald Trump vẫn chưa hết các rối ren trong nội bộ.

Le Figaro ghi nhận : « Trump buộc phải lập lại trật tự ở Nhà Trắng ». Bị suy yếu bởi các tranh cãi nổi nên sau các vụ bạo động mang màu sắc kỳ thị chủng tộc ở thành phố Charlottesville, tổng thống Mỹ đã cắt ngắn kỳ nghỉ hè, trở về Washington. Việc buộc lòng phải loại bỏ vị cố vấn chiến lược của mình, một nhân vật có tư tưởng cực hữu gây nhiều tranh cãi, Steve Bannon, đã cho thấy rõ mối tương quan quyền lực trong Nhà Trắng. Tuy vậy, phản ứng đó không giải quyết được vấn đề đường lối chính trị mà ông Trump muốn theo đuổi.

Le Figaro nhắc lại là từ khi lao vào cuộc phiêu lưu tranh cử tổng thống Mỹ, ông Donald Trump đã hành động theo kiểu nổi loạn : Chống lại hệ thống, giới ưu tú, những quy tắc ứng xử hay chuẩn mực chính trị truyền thống. Ông hứa sẽ đoạn tuyệt với cách làm chính trị kiểu cũ mà theo ông đầy nhưng toan tính thủ đoạn.

Thế nhưng người ta nhận thấy càng ngày tổng thống Mỹ càng trở nên cô lập hơn. Động thái hy sinh « cận thần » Bannon khiến nhiều nhà quan sát phải đặt câu hỏi : « Phải chăng đây là điểm bắt đầu của một cái kết ». Nhiều người còn đi xa hơn còn nhắc tới một kịch bản ông Trump ra đi sớm.

Cách phản ứng thể hiện thái độ thiên vị cực hữu của tổng thống về sự kiện Charlottesville không chỉ làm dấy lên làn sóng chỉ trích mà hàng loạt các nhà chính trị, doanh nhân, nhà báo… quay lưng lại với ông Trump. Người thì kêu gọi ông từ chức, người khác thì thấy ông không đủ năng lực để lãnh đạo đất nước.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.