Vào nội dung chính
MỸ - BÁN ĐẢO TRIỀU TIÊN

Mỹ nhấn mạnh vẫn duy trì phương án quân sự với Bắc Triều Tiên

Hai bộ trưởng Quốc Phòng và Ngoại Giao Mỹ ngày 17/08/2017 đã cùng lên tiếng nhấn mạnh rằng các phương án quân sự nhắm vào Bắc Triều Tiên vẫn được duy trì. Lời khẳng định này được nêu bật sau khi hai bộ trưởng Mỹ tiếp xúc với hai đồng nhiệm Nhật Bản tại Washington, trong khuôn khổ cuộc Đối Thoại An Ninh thường niên giữa hai nước.

Từ Trái sang Phải : Bộ trưởng Quốc Phòng Nhật Itsunori Onodera và ngoại trưởng Taro Kono, ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson, bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ James Mattis, họp tại Washington, ngày 17/08/2017.
Từ Trái sang Phải : Bộ trưởng Quốc Phòng Nhật Itsunori Onodera và ngoại trưởng Taro Kono, ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson, bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ James Mattis, họp tại Washington, ngày 17/08/2017. Reuters/U.S. Navy
Quảng cáo

Theo ngoại trưởng Rex Tillerson, Mỹ luôn chủ trương một giải pháp hòa bình cho cuộc khủng hoảng liên quan đến vũ khí hạt nhân của Bắc Triều Tiên. Thế nhưng ông cũng cho rằng các sức ép về kinh tế và ngoại giao trên Bình Nhưỡng cần phải được bổ sung bằng một vế quân sự.

Trong một cuộc họp báo chung với bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ Jim Mattis và hai đồng nhiệm Nhật Bản, ngoại trưởng Taro Kono và Bộ trưởng Quốc Phòng Itsunori Onodera, ông Tillerson khẳng định : « Chúng tôi đã nói rất rõ về chính sách cũng như quan điểm của Mỹ đối với Bắc Triều Tiên. Chúng tôi đã sẵn sàng... sẵn sàng về quân sự. Chúng tôi cũng sẵn sàng phối hợp với các đồng minh của chúng tôi để đáp trả nếu cần thiết ».

Bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ Mattis cũng đe dọa rằng nếu Bắc Triều Tiên có các động thái khiêu khích, thì họ sẽ bị những hậu quả quân sự dữ dội. Ông khẳng định rằng Mỹ sẽ có những « hành động tức thời và cụ thể để bắn hạ » bất kỳ tên lửa nào của Triều Tiên được phóng về phía Hàn Quốc, Nhật Bản hay đảo Guam của Mỹ.

Theo các nhà quan sát, sở dĩ hai bộ trưởng Ngoại Giao và Quốc Phòng Mỹ được phải đưa ra những tuyên bố cứng rắn, nhấn mạnh đến sự tồn tại của các phương án quân sự, đó là vì trước đó, ông Steve Bannon, một cố vấn cao cấp về chiến lược của tổng thống Mỹ Donald Trump, đã công khai thẩm định rằng trong vấn đề hạt nhân Bắc Triều Tiên, không thể có một giải pháp quân sự.

Về quan hệ Mỹ-Nhật, bộ trưởng Quốc Phòng Hoa Kỳ vào hôm qua cũng nhắc lại rằng liên minh quân sự giữa hai nước luôn luôn « vững như bàn thạch, và Washington sẽ thực thi các thỏa thuận trong hiệp ước quốc phòng chung với Nhật Bản « ngay lập tức » trong trường hợp xảy ra một cuộc tấn công.

Biển Đông và Hoa Đông

Trong cuộc Đối Thoại 2+2 vào hôm qua, hai bên chủ yếu tập trung thảo luận về các mối đe dọa đến từ các vụ phóng tên lửa cũng như tham vọng hạt nhân của Bắc Triều Tiên. Thế nhưng vấn đề Biển Đông cũng được hai bên nhắc đến.

Trong bản tuyên bố chung công bố sau cuộc họp, hai bên đã bày tỏ quan ngại về một số diễn biến trên Biển Hoa Đông và Biển Đông

Về Biển Hoa Đông, hai nước tái khẳng định tầm quan trọng của hợp tác trong việc duy trì hòa bình và ổn định ở biển Hoa Đông, xác định trở lại rằng Điều 5 của Hiệp Ước An Ninh Mỹ-Nhật áp dụng đối với quần đảo Senkaku.

Về Biển Đông, các bộ trưởng Ngoại Giao và Quốc Phòng Mỹ-Nhật tiếp tục phản đối các hành vi đơn phương cưỡng bức, bồi đắp và quân sự hóa các khu vực tranh chấp, làm thay đổi hiện trạng và gia tăng căng thẳng. Hai nước cũng nhấn mạnh trên tầm quan trọng của việc tuân thủ luật biển quốc tế, cụ thể là Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển, trong đó có việc tôn trọng quyền tự do hàng hải và hàng không cũng như các hoạt động sử dụng biển hợp pháp khác.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.