Vào nội dung chính
Tạp chí đặc biệt

Trợ giá gạo cho nông dân, cựu thủ tướng Thái Lan « gánh họa »

Đăng ngày:

Tại Thái Lan, phiên tòa hình sự xét xử cựu thủ tướng Yingluck Shinawatra diễn ra vào ngày 21/07/2017. Bà bị cáo buộc lơ là, thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng khi thực hiện chính sách trợ giá gạo cho nông dân, gây thiệt thại 5 tỉ euro cho ngân sách nhà nước. Tập đoàn quân sự cầm quyền, lực lượng đảo chính lật đổ cựu thủ tướng Yingluck Shinawatra, đã cho tịch biên tài sản của bà.

Cựu thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra được rất nhiều người đến ủng hộ trước cửa Tòa Án Tối Cao tại Bangkok, ngày 21/ 07/2017.
Cựu thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra được rất nhiều người đến ủng hộ trước cửa Tòa Án Tối Cao tại Bangkok, ngày 21/ 07/2017. ©REUTERS/Chaiwat Subprasom
Quảng cáo

Từ Bangkok, thông tín viên đài RFI Arnaud Dubus cho biết hiện vẫn còn rất nhiều người ủng hộ cựu thủ tướng Yingluck và quyết định trên của chính quyền quân sự Thái Lan đã khiến họ bất bình. Mỗi lần bà Yingluck xuất hiện trước tòa, hàng ngàn người tới để hoan hô, cổ vũ bà. Tập đoàn quân sự cầm quyền lo ngại rằng sẽ có rất đông người đến ủng hộ bà vào ngày tòa án tối cao ra phán quyết cuối cùng. Vì thế, các vị tướng cầm quyền làm tất cả mọi việc để ngăn cản những người tới tòa ủng hộ cựu thủ tướng.

Trở lại với chính sách trợ giá gạo tại Thái Lan dưới thời thủ tướng Yingluck Shinawatra, thông tín viên Arnaud Dubus giải thích :

« Trong thời gian lãnh đạo chính phủ từ tháng 07/1011 cho tới khi bà bị lật đổ vào tháng 05/2014, thủ tướng Yingluck đã cho thực hiện chương trình trợ giá gạo cho nông dân : chính phủ mua gạo của nông dân với giá cao hơn 50% so với giá trị trường. Nông dân thì tất nhiên là vui mừng, nhưng chính sách trên đã khiến ngân sách nhà nước thâm hụt 5 tỉ euro.

Sau khi đảo chính, tập đoàn quân sự và phe ủng hộ họ, đánh giá là chương trình trợ giá gạo thực chất là tham nhũng và họ cho rằng các quan chức cấp cao trong chính phủ của bà Yingluck cũng đã cảnh báo bà rằng đó là một chính sách « hao tiền, tốn của » nhưng bà không nghe. »

Chính vì thế, tập đoàn quân sự đã đưa cựu thủ tướng Yinluck ra xét xử:

« Trước tiên là trong một phiên tòa hình sự với cáo buộc « lơ là khi ở trên cương vị thủ tướng. Bản án cuối cùng sẽ được tuyên vào tháng 08/2017. Bà Yingluck có thể sẽ bị tối đa 10 năm tù. Tuy nhiên, ngay từ tuần cuối tháng 07, tập đoàn quân sự đã tịch biên tài sản của cựu thủ tướng, với tổng giá trị là 1 tỉ euro (1/5 số tiền mà chương trình trợ giá gạo gây thiệt hại cho ngân sách Nhà nước) ».

Trên thực tế, trước đây, nhiều thủ tướng Thái Lan cũng đã từng có các chính sách gây thiệt hại cho ngân sách Nhà nước, nhưng không ai bị xét xử, buộc tội như cựu thủ tướng Yingluck. Thông tín viên Arnaud Dubus nhấn mạnh :

« Ngay cả tập đoàn quân sự cầm quyền hiện nay tại Thái Lan cũng có chương trình hỗ trợ nông dân trồng cây cao su gây tốn kém nhiều cho ngân sách Nhà nước. Đó là chưa kể tới việc tập đoàn quân sự đã tiêu tốn hàng tỉ euro để mua vũ khí, đặc biệt là tàu ngầm và máy bay chiến đấu.

Một số người ủng hộ bà Yingluck cho rằng chính sách trợ giá gạo cho phép hàng chục triệu nông dân Thái Lan cải thiện điều kiện sống, trong khi các chi phí mua vũ khí chỉ có lợi cho giới quân sự mà thôi. »

Nếu cựu thủ tướng Yinglick bị kết án nhiều năm tù, bà sẽ trở thành người « tuẫn giáo » trong mắt người ủng hộ và bà sẽ càng được nhiều người yêu mến. Nếu bà không bị tòa án tối cao kết án tù, tập đoàn quân sự chắc chắn sẽ bị phê phán mạnh mẽ. Xin nói rõ là tại Thái Lan, tư pháp hoạt động khá độc lập với chính quyền. Dù kết quả có thế nào đi chăng nữa, mọi chuyện đều sẽ đều không có lợi cho tập đoàn quân sự cầm quyền.

Trung Quốc : Tiền giấy sẽ biến mất trong vòng 10 năm nữa

Phương thức thanh toán bằng các ứng dụng trên điện thoại di động ngày càng được người dân Trung Quốc ưa chuộng, tới mức nhiều chuyên gia dự báo chỉ trong vòng 10 năm tới, tiền giấy sẽ biến mất tại quốc gia đông dân nhất thế giới.

Từ đi taxi tới mua rau củ, hoa quả ở chợ, hầu như tất cả mọi người Trung Quốc đều có thể trả tiền bằng cách dùng điện thoại di động quét mã vạch trên sản phẩm. Đó là chưa kể người Trung Quốc rất chuộng mua hàng trên mạng internet. Năm 2016, 5.000 tỉ euro tiền mua sắm hàng hóa và phí dịch vụ được thực hiện bằng điện thoại di động.

Nếu việc tiền giấy và tiền kim loại chiếm 60% các khoản thanh toán vào năm 2011 thì theo dự báo, con số này chỉ còn là 30% vào năm 2020. Hiện nay, nhiều nhà hàng tại Trung Quốc không nhận tiền mặt nữa, thẻ ngân hàng cũng không còn được ưa chuộng. Một số chủ cửa hàng vốn không thích các hình thức thanh toán « phi vật thể » giờ cũng bắt buộc phải dùng phương tiện này, bởi vì khách hàng không mang tiền theo người.

Nhưng hình thức thanh toán bằng điện thoại di động cũng « tạo cơ hội làm ăn » cho những kẻ lừa đảo, vì chỉ cần đánh tráo mã vạch sản phẩm là họ sẽ tha hồ « rút ruột » tài khoản của khách hàng.

Trung Quốc điều tra cơ sở võ thuật đào tạo trẻ mồ côi thành « đấu sĩ nhí »

Vẫn liên quan tới Trung Quốc, mấy ngày nay, một đoạn băng vidéo về cảnh các đấu sĩ nhí thi đấu trong một cái lồng sắt được lan truyền nhanh chóng trên mạng internet. Thông tin về một trường dạy võ huấn luyện các bé trai mồ côi thành « quái vật trên sàn đấu » không chỉ châm ngòi cho một cuộc tranh cãi gay gắt giữa các cư dân mạng, mà còn dẫn tới một cuộc điều tra của chính quyền. Từ Bắc Kinh, thông tín viên RFI Heike Schmidt giải thích :

« Trên đoạn băng vidéo, người ta thấy đám đông reo hò cổ vũ hai cậu bé thi đấu trong một cái lồng với tiếng gào thét của người dẫn chương trình đang ca ngợi quyết tâm sắt đá của các em để giành chiến thắng. Một trong hai đấu sĩ này tên là Tiểu Ngô, 14 tuổi. Từ 3 năm nay, Tiểu Ngô tập luyện tại cơ sở võ thuật Enbo. Cơ sở này đã tuyển 400 trẻ mồ côi với mục đích đào tạo các em thành nhà vô địch đấm bốc. Tiểu Ngô giải thích : « Bà cháu hỏi cháu có thích võ thuật không. Cháu nói có. Thế là bà gửi cháu tới đây. Việc tập luyện rất vất vả. Cháu mệt đến mức nhiều lúc muốn từ bỏ.»

Giống tất cả các cậu bé khác, Tiểu Ngô tới từ một vùng quê rất nghèo. Các em nhỏ này hoặc là mồ côi, hoặc cha mẹ bỏ rơi. « Những đứa trẻ bị bỏ lại phía sau » là cụm từ người Trung Quốc dùng để chỉ 60 triệu trẻ có bố mẹ rời quê lên thành phố kiếm sống. Theo lời huấn luyện viên Đông Chu, được tuyển vào cơ sở huấn luyện này là may mắn của các em. Ông nói : « Một số học sinh nói muốn về nhà. Nhưng về để làm gì ? Để nuôi lợn ? Chăn trâu ? Ngửa tay đi ăn mày ? Hay trở thành du côn ? »

Trên trang Miaopai, đoạn phim có 13 triệu lượt người xem, với hàng chục ngàn bình luận của cư dân mạng. Một số người cho rằng cơ sở võ thuật Enbo mở ra tương lai cho các em. Chẳng hạn, một cư dân mạng tên là Phì Tràng bình luận : « Tôi biết cảnh nghèo đói của các các tộc người thiểu số ở vùng núi Đại Lương. Giờ đây, các em được ăn thịt, uống sữa và tránh được ma túy ». Một số người khác thì phản ứng hay gắt hơn. Họ gọi đó là một sự lạm dụng, bóc lột. Một cư dân mạng bình luận : « Trong lịch sử, chúng ta biết có những trận đấu giữa các nô lệ, nhưng trận đấu giữa các em nhỏ mồ côi cha mẹ thì còn tàn bạo hơn rất nhiều ». Khá nhiều người đều có ý kiến là lẽ ra nhà chức trách phải chăm sóc cho những trẻ mồ côi đó. Sau khi đoạn phim được tung lên mạng, nhà chức trách đã cho tiến hành điều tra. »

Điện thoại smartphone miễn phí làm đảo lộn thị trường Ấn Độ

Công ty JIO, một gã khổng lồ trong lĩnh vực dịch vụ điện thoại mới được người giàu có nhất Ấn Độ thành lập cách đây chỉ 1 năm và đã thực hiện một cuộc cách mạng khi miễn phí cước điện thoại di động và internet cho khách hàng trong 6 tháng đầu tiên đang ký dịch vụ. Và giờ đây, JIO lại tấn công vào thị trường cung cấp điện thoại di động. Từ New Delhi, thông tín viên RFI Sébastien Farcis giải thích là JIO thông báo vào cuối tháng 07/2017 rằng chỉ cần đặt cọc 20 euro là khách hàng sẽ được cấp một chiếc smartphone miễn phí. Tiền đặt cọc sẽ được hoàn lại sau 3 năm.

Smartphone mà hãng JIO cung cấp cho khách hàng là những mẫu smartphone lỗi mốt và hiệu năng không cao mua lại từ Trung Quốc hoặc có chi phí sản xuất rất thấp. Và nếu bán trên thị trường thì cũng rất ít khách hàng muốn mua. Vì thế, JIO gần như cho không khách hàng. Chỉ có điều là tất cả các ứng dụng cài đặt trên smartphone đều là của JIO : xem tivi, nghe nhạc, đọc báo, tải phim … Tạm thời, các ứng dụng của JIO cũng miễn phí, nhưng về lâu dài, khi khách hàng đã quen sử dụng dịch vụ thì JIO sẽ thu phí.

JIO đã đầu tư tổng cộng 27 tỉ euro để triển khai các dịch vụ smartphone. Và doanh nghiệp hy vọng sẽ có lãi trong 2-3 năm nữa. Hiện nay, cứ 10 người Ấn Độ thì 9 người có điện thoại di động nhưng chỉ có 20% dân số Ấn Độ sở hữu smartphone để có thể truy cập internet. Có nghĩa là JIO còn tới 800 triệu khách hàng tiềm năng để khai thác. Hiện tại, hãng này đã có 120 triệu khách hàng.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.