Vào nội dung chính
TRUNG QUỐC - HOA KỲ - BẮC TRIỀU TIÊN

Bắc Triều Tiên: Tập Cận Bình kêu gọi Trump dịu giọng

Trong cuộc điện đàm với tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 12/08/2017, chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cho rằng cần có một giải pháp hòa bình cho vấn đề hạt nhân Bắc Triều Tiên, đồng thời kêu gọi các bên liên quan kiềm chế.

Ảnh minh họa : Tổng thống Mỹ Donald Trump (T) và chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Binh. Ảnh tại thượng đỉnh G20, Hambourg, Đức, ngày 08/07/2017.
Ảnh minh họa : Tổng thống Mỹ Donald Trump (T) và chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Binh. Ảnh tại thượng đỉnh G20, Hambourg, Đức, ngày 08/07/2017. Reuters
Quảng cáo

Một phần nội dung cuộc điện đàm được phát trên truyền hình nhà nước Trung Quốc, theo đó, ông Tập Cận Bình cũng nhấn mạnh rằng lợi ích chung của Trung Quốc và Hoa Kỳ là duy trì hòa bình và giải trừ hạt nhân bán đảo Triều Tiên, thông qua đàm phán trên tinh thần tôn trọng lẫn nhau.

Hãng tin AFP cho biết cũng trong cuộc điện đàm này, chủ tịch Trung Quốc kêu gọi « các bên liên quan kiềm chế và tránh những phát biểu và hành động làm gia tăng căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên ». Ông Tập Cận Bình muốn nhắc đến phát biểu ngày 11/08 của tổng thống Mỹ từ sân golf Bedminster (New Jersey) : « Nếu Bình Nhưỡng làm bất kỳ việc gì nhắm vào Guam, hay một vùng đất của Mỹ hay một đồng minh của Hoa Kỳ, Bắc Triều Tiên sẽ phải thật sự và nhanh chóng hối hận về việc đó ».

Về phía Mỹ, sau cuộc điện đàm giữa hai nguyên thủ, Nhà Trắng tuyên bố Bắc Triều Tiên « phải ngừng hành động gây hấn và leo thang căng thẳng ». Bản thông cáo của Nhà Trắng cũng cho biết lãnh đạo hai nước Mỹ-Trung « đã nhắc lại cam kết chung đối với việc phi hạt nhân bán đảo Triều Tiên ».

Đối với Guam, qua cuộc điện đàm với thống đốc Eddie Calvo, tổng thống Trump tuyên bố quân đội Mỹ « đã sẵn sàng đảm bảo an ninh cho người dân Guam cũng như toàn bộ lãnh thổ Hoa Kỳ ».

Trung Quốc sẽ ủng hộ Bắc Triều Tiên nếu Bình Nhưỡng không khai hỏa trước

Trong trường hợp xảy ra chiến tranh, cả Mỹ và Bắc Triều Tiên đừng trông chờ vào bất kỳ sự ủng hộ nào, dù nhỏ nhất, từ phía Trung Quốc. Đây là nội dung bài xã luận 11/08 của Hoàn Cầu Thời Báo. Tuy nhiên, vẫn có một trường hợp cụ thể, theo giải thích của thông tín viên RFI Heike Schmidt từ Bắc Kinh.

« Nếu Bắc Triều Tiên là bên đầu tiên bắn tên lửa đe dọa lãnh thổ Mỹ và Hoa Kỳ phản công, thì Trung Quốc sẽ giữ thế trung lập ». Đây là khẳng định của Hoàn Cầu Thời Báo.

Nhưng tờ báo chính thống của Trung Quốc đưa ra thêm trường hợp thứ hai : « Nếu Hoa Kỳ và Hàn Quốc tấn công và tìm cách lật đổ chế độ Bắc Triều Tiên để thay đổi cán cân chính trị trên bán đảo Triều Tiên, trong trường hợp đó, Bắc Kinh sẽ ngăn chặn ».

Bài xã luận trên cũng cảnh báo trong trường hợp xung đột, cả hai bên đều thua cuộc, song lại không nhắc đến phe thất bại thứ ba, có thể là Trung Quốc, trong cuộc chiến trên bán đảo Triều Tiên.

Vì đối với Trung Quốc, không có gì tai hại bằng một cuộc chiến ngay cạnh biên giới. Trung Quốc sẽ bị mất vùng đệm, giúp giữ khoảng cách với Mỹ và Nhật Bản.

Bắc Kinh đang phải đối mặt với thế lưỡng nan : phải thuyết phục được Bình Nhưỡng, và tránh để chế độ Kim Jong Un sụp đổ. Vì vậy, Bắc Kinh đã chấp nhận áp dụng nghị quyết trừng phạt của Liên Hiệp Quốc đối với Bắc Triều Tiên - một sự kiện chưa từng có - song vẫn tiếp tục cung cấp dầu và lương thực cho người dân Bắc Triều Tiên ».

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.