Vào nội dung chính
TRUNG QUỐC - CHIẾN LƯỢC

“Trung Quốc muốn thành siêu cường số một vào năm 2049”

Tạp chí Le Point số cuối tuần qua đề ngày 03/08/2017 đã trích thành tựa nhận định của một chuyên gia phương Tây hàng đầu về Trung Quốc, ông Michael Pillsbury, giám đốc Trung Tâm về Chiến Lược Trung Quốc, Viện Hudson (Hoa Kỳ). Nhà nghiên cứu này đã cho ra mắt quyển « Cuộc chạy marathon 100 năm : Chiến lược bí mật của Trung Quốc để thay thế Mỹ ở vị trí siêu cường thế giới ».

Ảnh minh họa : Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh ngày 18/07/2017 tại Bắc Kinh.
Ảnh minh họa : Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh ngày 18/07/2017 tại Bắc Kinh. Reuters
Quảng cáo

Trả lời phỏng vấn của phóng viên le Point, Hélène Visssière, ông Pillsburry trước hết giải thích ý nghĩa của « Cuộc chạy mararathon 100 năm » mà Trung Quốc đang tiến hành.

Michael Pillsbury : Đây là ý lấy từ quyển sách của Lưu Minh Phúc (Liu Mingfu), Giấc mơ Trung Quốc, xuất bản năm 2010. Vị đại tá (hồi hưu) này tiết lộ là vào năm 1955 Mao Trạch Đông đã nói rằng : « Trong vòng 75 năm, Trung Quốc có thể bắt kịp và vượt qua Mỹ ». Nhưng ông Lưu Minh Phúc cho là Mao quá lạc quan. Cuộc chạy marathon sẽ kéo dài 100 năm.

Qua nghiên cứu, tôi được biết là từ thời Mao đến nay, giới diều hâu Trung Quốc là nước họ sẽ thay thế Mỹ ở vị trí lãnh đạo chính trị, kinh tế và quân sự của thế giới vào năm 2049, tức lúc kỷ niệm 100 năm ngày Mao lên nắm quyền.

Kế hoạch này được biết dưới tên « Cuộc chạy marathon 100 năm », nhưng không ai nói đến để không làm cho Mỹ e ngại. Tuy nhiên, bây giờ thì giới diều hầu bắt đầu đề cập đến một cách công khai.

Le Point : Theo ông thì giới quân sự Trung Quốc đã lấy cảm hứng từ các cuộc chiến thời xa xưa để xây dựng chiến lược hiện tại của họ ?

Michael Pillsbury : Chiến lược của họ hiện nay dựa nhiều trên những bài học thời Chiến Quốc (thế kỷ thứ V đến 221 trước Công Nguyên). Quả là điều khó tin nhưng có thực ! Các tướng lãnh Trung Quốc thuộc lòng những mưu mô xảo quyệt của 7 vương quốc thời Chiến Quốc Thất Hùng, chiến lược họ dùng để bành trướng và loại bỏ đối thủ, liên minh để ngự trị…

Dựa trên lời chứng của một số người đã chạy khỏi Trung Quốc, tôi đã bắt đầu đọc một số tiểu luận quân sự đã rút tỉa từ thời kỳ đó một loạt chiến thuật : duy trì nơi đối phương cảm giác an toàn và tự mãn, thao túng cố vấn của họ, ăn cắp ý tưởng và công nghệ, biết kiên nhẫn, cảnh giác để tránh không bị bao vây. Đây có lẽ là nỗi lo ngại lớn nhất của Trung Quốc…

Có một quân đội lớn không phải là bảo đảm tuyệt đối cho thắng lợi, điều này có thể giải thích vì sao Trung Quốc không phát triển một lực lượng quân sự đông đảo hơn hiện nay.

Le Point : Phải chăng họ cũng cũng lấy cảm hứng từ lịch sử Mỹ ?

Michael Pillsbury : Người Trung Quốc có vẻ như bị mê hoặc trước sự biến đổi của Mỹ thành một siêu cường. Họ nghiên cứu xem chính sách thương mại và công nghiệp đã giúp Mỹ vượt qua Anh Quốc và Đức như thế nào. Sách giáo khoa ở trường đảng Trung Quốc nêu điển hình của  nước Mỹ thế kỷ XIX : Mỹ đã làm thế nào để ru ngủ Anh Quốc, ăn cắp bằng sáng chế của Anh ra sao...

Tôi đã sững sờ khi thấy ở thư quán trường đảng, bên cạnh sách về thời Chiến Quốc, có cả một phần dành cho kỹ thuật quản lý của Mỹ.

Le Point : Ông thường nhắc nhở là Hoa Kỳ đã luôn luôn nhầm lẫn về chính sách của Trung Quốc ?

Michael Pillsbury : Từ những năm 1970, chính sách của Mỹ chủ yếu là do những người tìm kiếm một sự “dấn thân xây dựng” với Trung Quốc. Người ta tin tưởng là Trung Quốc đang đi trên con đường dân chủ hóa, sẽ hợp tác chặt chẽ với Mỹ, có cùng nguyện vọng với Mỹ. Người ta tưởng là sự trợ giúp của Mỹ cho một Trung Quốc còn yếu kém, với những lãnh đạo suy nghĩ như chúng ta, điều đó sẽ giúp cho Trung Quốc trở nên một cường quốc dân chủ, yêu chuộng hòa bình, không có tham vọng khu vực hay thế giới.

Thế nhưng Bắc Kinh đã phát triển một hệ thống tinh vi để đánh lừa thế giới bên ngoài, đã thuyết phục được phương Tây là sự vươn lên của họ không tác hại đến nước khác, là Trung Quốc là một nước lạc hậu cần được giúp đỡ.

Năm 1996, tôi đã gặp những người quân nhân, trí thức đã mô tả những vấn đề môi trường, thiếu nước, hiểm họa từ các cộng đồng thiểu số, nạn tham nhũng…Tôi rất thán phục sự thật thà của họ.

Le Point : Bắc Kinh ngày nay tỏ vẻ hung hăng hơn...

Michael Pillsbury : Kể từ năm 2007, Trung Quốc đã tự khẳng định mình, và càng tỏ rõ thái độ từ khi Tập Cận Bình lên nắm quyền, tranh thủ thời cơ được cho là Mỹ bị suy yếu sau cuộc khủng hoảng tài chính. Sự hung hăng của Trung Quốc bắt đầu ở Biển Đông.

Người Trung Quốc đã từng nói với tôi là họ sẽ không trở thành một cường quốc bá quyền vì họ không có tàu sân bay, không có căn cứ quân sự hải ngoại. Giờ đây họ đều có cả hai. Việc họ xây dựng căn cứ ở Trường Sa là nhằm tạo vị trí chiến lược nhắm vào các láng giềng để bảo vệ quyền lợi kinh tế của Trung Quốc.

Tôi đã dự một hội thảo ở Bắc Kinh, người ta đã giải thích là phần kinh tế tăng nhanh nhất là các nguồn tài nguyên từ đại dương, dầu hỏa, khí đốt, cá …

Le Point : Trung Quốc có phải là thành phần nguy hiểm không ?

Michael Pillsbury : Không có đe dọa quân sự trước mắt. Người Trung Quốc không đi chinh phục những nước khác như kiểu Hitler đã làm hay Tojo của Nhật Bản trong thế kỷ qua. Họ thực tiễn hơn. Họ có thể có than, có dầu hỏa họ cần nhờ các tập đoàn nhà nước hoạt động ở nước ngoài… Ông Hồ Cẩm Đào dường như đã từng nói mua Đài Loan dễ hơn và ít tốn kém hơn là đánh chiếm.

Mối đe dọa thật sự có lẽ là sự thiếu vắng cải tổ, và từ đây đến năm 2049, GDP của Trung Quốc tăng gấp đôi GDP của Mỹ. Hãy cứ nghĩ đến nạn ô nhiễm, ăn cắp công nghệ, và sự ưa thích những kẻ độc tài như Assad hay Mugabe… Nhưng đấy chỉ là giả thuyết...

Le Point : Hiện nay thì chiến lược quân sự của Trung Quốc là gì ?

Michael Pillsbury : Họ tập trung phát triển loại vũ khí có thể giúp đánh bại một kẻ thù hùng mạnh hơn bằng cách tấn công vào những điểm yếu của đối phương. Những quyển sách chiến lược mới của Trung Quốc đánh giá rằng Mỹ yếu trên phương diện an ninh mạng và không gian. Quân đội Trung Quốc đã thiết lập 16 đơn vị gián điệp chuyên trách tấn công tin học, và đã phát triển một chương trình vũ khí bí mật để phá hủy các vệ tinh mà Mỹ lệ thuộc vào.

Điều tuyệt vời là rất dễ chối cãi là mình có những vũ khí này. Hơn nữa chưa có nước nào tiến hành một cuộc chiến tranh trên mạng, cho nên một kẻ mới đến trong lãnh vực này, cũng có cơ may tương tự như những người đã có trăm năm kinh nghiệm quân sự.

Le Point : Có nên lo ngại chiến tranh nổ ra hay không ?

Michael Pillsbury : Có đấy, có thể xẩy ra một cuộc chiến tranh ngoài ý muốn. Trung Quốc là nước quen thói tung ra những « cú đánh cảnh cáo ». Họ đã can thiệp bất ngờ vào Triều Tiên năm 1950, rồi vào Ấn Độ năm 1962… Họ cho rằng một cuộc tấn công phủ đầu có thể tạo sự khác biệt (và mang lại chiến thắng).

Le Point : Ông nhìn tương lai như thế nào ?

Michael Pillsbury : Nhận định của tôi khá bi quan. Nếu Mỹ muốn tranh đua, thì họ phải thay đổi hoàn toàn quan điểm và nhìn nhận là Trung Quốc là một đối thủ cạnh tranh chứ không phải là một quốc gia cần cứu trợ, phải nhận dạng những lãnh vực mà Mỹ có thể gây sức ép, khuyến khích các nước lân cận thiết lập liên minh để có thể buộc Trung Quốc giảm bớt sự hung hăng…Và phải bảo vệ các nhà ly khai Trung Quốc, hỗ trợ giới cải cách và nghiên cứu thời kỳ Chiến Quốc... !

Mỹ chỉ mới bắt đầu thức tỉnh, hy vọng là không quá trễ.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.