Vào nội dung chính
Tạp chí kinh tế

Đầu tư của Trung Quốc ra nước ngoài : Gió đã xoay chiều ?

Đăng ngày:

Thời kỳ tận dụng vốn rẻ của nhà nước, vung tiền đầu tư ở hải ngoại của các đại gia Trung Quốc phải chăng sắp kết thúc ? Càng gần đến Đại Hội Đảng, Bắc Kinh càng khẩn trương kềm hãm nạn « tẩu tán tài sản ».

Vương Kiện Lâm (Wang Jianlin) (P), chủ tịch tập đoàn Vạn Đạt - Dalian Wanda Group, tham gia một lễ ký kế hợp tác, Bắc Kinh, 19/06/2017.
Vương Kiện Lâm (Wang Jianlin) (P), chủ tịch tập đoàn Vạn Đạt - Dalian Wanda Group, tham gia một lễ ký kế hợp tác, Bắc Kinh, 19/06/2017. REUTERS/Jason Lee
Quảng cáo

Nhiều tập đoàn từng là những cánh chim đầu trên con đường chinh phục thế giới bị khóa van tín dụng, các nghiệp vụ đầu tư ở hải ngoại bị điều tra, một vài chủ tịch tổng công ty bị bắt.

Bài học nào từ vụ những tên tuổi được biết đến nhiều ở Âu, Mỹ như Anbang, Wanda hay Fosun, HNA ... trong tầm ngắm của cơ quan phụ trách về kế hoạch kinh tế và phát triển Trung Quốc ?

Vào những ngày cuối tháng 7/2017, các tờ báo tài chính phương Tây tiết lộ Bắc Kinh « ra lệnh » cho hãng bảo hiểm An Bang (Anbang), cho ông vua trên thị trường bất động sản và làng giải trí là tập đoàn Vạn Đạt (Wanda) cũng như một số các tập đoàn Trung Quốc đã bắt rễ vào thị trường Âu, Mỹ phải bán lại tài sản đã đầu tư ở nước ngoài, đem vốn về nước và giảm bớt mức nợ. Các tập đoàn Trung Quốc có những phản ứng khác nhau.

Hiện tượng bán đổ bán tháo ?

Nhà tỷ phú giàu thứ nhì Trung Quốc, Vương Kiện Lâm (Wang Jianlin), tuân thủ tuyệt đối lệnh truyền từ Bắc Kinh khi thông báo : Vạn Đạt sẽ tập trung đầu tư ở trong nước, bán lại 77 khách sạn, nhiều trung tâm giải trí với giá 9,3 tỷ đô la cho một tập đoàn nhà nước khác cũng trong ngành địa ốc là Sunac, bơm thêm vốn vào cho công ty và thanh toán bớt nợ cho ngân hàng.

Hiềm nỗi, giới trong ngành đưa ra ba nhận xét : thứ nhất, đây là một vụ bán đổ bán tháo chuyển nợ từ một công ty nhà nước này sang một đơn vị khác – tức là từ Wanda chuyển sang cho Sunac. Thứ hai, điều bất thường là chính Vạn Đạt đi vay hơn 4 tỷ đô la để giúp Sunac có điều kiện mua lại những cơ sở của mình. Điểm thứ ba là đằng sau Wanda hay Sunac thì chủ nợ đều là các ngân hàng nhà nước Trung Quốc.

Vậy thì mục tiêu giảm nợ của một « con tê giác xám » như Vạn Đạt có hiệu quả gì hay không ?

Với An Bang, hãng bảo hiểm lớn thứ ba trên toàn quốc, tình thế có vẻ gay go hơn. Có tin đồn chủ nhân tập đoàn này, Ngô Tiểu Huy (Wu Xiaohui), bị bắt từ giữa tháng 6/2017. Công ty bảo hiểm hoạt động với 267 tỷ đô la này ra thông cáo : ông Ngô không còn là chủ tịch tổng giám đốc An Bang.

Nhưng ai sẽ đủ sức để mua lại tài sản bạc tỷ của An Bang, gồm từ khách sạn nổi tiếng Waldorf Astoria ở New York đến các hãng bảo hiểm như Tong Yang Life của Hàn Quốc, đến Vivat của Hà Lan, ngân hàng Delta Lloyd Bank NV của Bỉ… ?

Câu hỏi kế tiếp là phải hiểu như thế nào quyết định của Bắc Kinh khóa van tín dụng với các tập đoàn đầu tư ra nước ngoài ? Bắt buộc họ đem vốn trở lại Hoa Lục và phải chăng đây là một tín hiệu mới cho thấy là khủng hoảng về nợ của Trung Quốc đã cận kề ?

Trả lời đài RFI Việt ngữ, chuyên gia kinh tế Nguyễn Xuân Nghĩa từ Hoa Kỳ cho rằng, Bắc Kinh đang cố gắng đắp đê để đối phó với ba cơn bão cùng một lúc :

Nguyễn Xuân Nghĩa : Chính thức thì hôm 31/07/2017, vụ trưởng Trung Tâm Hợp Tác Quốc Tế thuộc Ủy Ban Phát Triển và Cải Cách, là cơ quan phụ trách về kế hoạch kinh tế xã hội của chính phủ Bắc Kinh, giải thích rằng « Trung Quốc không chủ trương giới hạn việc đầu tư ra ngoài, nhưng cần kiểm soát và điều tiết việc các doanh nghiệp vay vốn để đầu tư phải phù hợp với luật lệ quốc tế ».

Tôi nghĩ là quyết định vừa qua của Bắc Kinh phản ảnh nhiều ưu tư bên trong, chứ họ vẫn có thói quen luồn lách hệ thống luật lệ quốc tế. Những ưu tư đó là gì ?

Thứ nhất, Bắc Kinh đang bị nạn tẩu tán tư bản khi khối dự trữ ngoại tệ tương đương với gần 4.000 tỷ vào giữa năm 2014 nay chỉ còn khoảng 3.000 tỷ, nên ra lệnh kiểm soát các tập đoàn lớn đã tung tiền mua tài sản ở ngoại quốc. Vì các tập đoàn này còn vay ngân hàng quốc doanh để thực hiện các nghiệp vụ đầu tư ấy, nên sẽ gây thêm rủi ro tín dụng cho hệ thống doanh nghiệp và ngân hàng vốn mắc nợ quá nhiều và đang bị rủi ro tài chính rất cao. Riêng nạn thất thoát tư bản còn làm sụt giá đồng nhân dân tệ và gây thêm rủi ro về ngoại hối, là ba thứ rủi ro.

Thật ra, Bắc Kinh vẫn muốn các tập đoàn đầu tư ra ngoài, nhưng nhắm vào những ngành có thể tiếp thu hay ăn cắp được kiến năng quản trị và công nghệ hiện đại của thế giới, chứ không muốn các tập đoàn thụ đắc tài sản trong lãnh vực khách sạn hay giải trí để tìm doanh lợi. Đấy là lý do của áp lực giải tư mà các tập đoàn Vạn Đạt hay An Bang, v.v… đang gặp. Họ được yêu cầu đem tiền về đầu tư ở trong nước để kích thích sản xuất và tạo ra việc làm.

Quyết định vội vàng này phải chăng là dấu hiệu mới cho thấy là khủng hoảng về công nợ Trung Quốc đã cận kề ?

Nguyễn Xuân Nghĩa : Tổng số nợ hiện đã lên tới 281% của tổng sản lượng Trung Quốc. Riêng nợ của doanh nghiệp ngoài lĩnh vực tài chánh lên tới gần 28.000 tỷ đô la, bằng 251% GDP.

Thứ hai, ngoài khối nợ chính thức của ngân hàng, Bắc Kinh vừa cho công bố thêm loại nợ chui, nằm ngoài sổ sách, là shadow banking. Loại nợ có quá nhiều rủi ro này còn cao hơn mọi ước lượng trước đây, năm ngoái đã lên đến hơn bốn ngàn tỷ đô la mà lãnh đạo không thể kiểm soát nổi trong thực tế. Trong khi đó đà tăng trưởng thực chỉ khoảng 4-5% chứ không thể là con số chính thức là 6,9%.

Vì vậy, Bắc Kinh phải cố kiểm soát chủ nợ là ngân hàng lẫn khách nợ là các tập đoàn đầu tư để tránh rủi ro tín dụng, tài chính và ngoại hối có khi sẽ thành rủi ro chính trị trước Đại hội đảng Khóa 19 vào tháng 10 tới đây.

Kết luận là Bắc Kinh đang rơi vào cảnh ngộ « tam đa đoan » trilemma : là trong ba chính sách là 1) hối suất cố định của đồng bạc, 2) chính sách tiền tệ độc lập và 3) tự do lưu thông tư bản, thì chỉ thi hành được hai thôi. Đòi làm cả ba thì tất rơi vào khủng hoảng. Nếu điều ấy xảy ra, khi kinh tế Hoa Kỳ cũng bị suy trầm vào năm tới, thế giới sẽ hết hồn.

«Tê giác xám »

Về thân thế của hai trong số nhiều tập đoàn trong tầm ngắm của Bắc Kinh, trước hết là công ty Vạn Đạt của nhà tỷ phú giàu thứ hai Trung Quốc Vương Kiện Lâm. Được thành lập từ năm 1988 ở Đại Liên, hiện diện trong nhiều lĩnh vực từ du lịch đến khách sạn, điện ảnh. Trụ sở chính được dời từ Đại Liên về Bắc Kinh 2009.

Sáng lập viên kiêm chủ tịch tổng giám đốc Vương Kiện Lâm đã rất đắc lực để Vạn Đạt trở thành một trong những tập đoàn Trung Quốc năng động hơn cả trên trường quốc tế.

Không chỉ dừng lại trong lĩnh vực địa ốc đã làm nên tên tuổi của công ty, Vạn Đạt lấn sang địa hạt giải trí : bỏ ra 2,6 tỷ đô la thâu tóm 75 % hệ thống phát hành phim ảnh AMC của Mỹ (2.200 phòng chiếu phim tại Châu Âu, hơn 8.200 ở Mỹ) , thêm 3,5 tỷ khác để mua vào hãng phim Hollywood studio Legendery. Trong lĩnh vực thể thao, Vương Kiện Lâm đang nắm giữ 20 % vốn của câu lạc bộ Tây Ban Nha Atletico Madrid.

Wanda cũng đã bắt rễ vào thị trường tài chính, tin học qua những cơ sở như Wanda Internet Finance hayWanda Investment… Tại Pháp họ Vương đang là một đối tác chính trong dự án EuropaCity, một trung tâm thương mại và giải trí ở ngoại ô phía bắc Paris dự trù đi vào hoạt động năm 2024, gần như cùng lúc với Thế Vận Hội Paris.

Tại Trung Quốc mới chỉ cách nay vài tuần, người giàu thứ nhì Trung Quốc thông báo đầu tư trên 4 tỷ đô la vào Vân Nam và kế hoạch xây dựng cả một thành phố Wanda City ở Cáp Nhĩ Tân (Harbin), tỉnh Hắc Long Giang.

Chưa ai biết được sau vụ Vạn Đạt bị điều tra, các dự án đồ sộ được tính bằng tiền tỷ đó sẽ ra sao. Còn về phía An Bang, sau nhiều năm lớn như thổi, ông vua ngành bảo hiểm này thực sự lao đao.

Được mệnh danh là một trong số những con « tê giác xám » của Trung Quốc, tức là những tập đoàn khổng lồ có ảnh hưởng lớn trên toàn thế giới, An Bang hoạt động từ năm 2004, ban đầu chỉ là một hãng bảo hiểm xe hơi.

Trong hơn một thập niên, hãng bảo hiểm do Ngô Tiểu Huy lập ra đã lớn như thổi : từ 500 triệu nhân dân tệ doanh thu lúc khởi nghiệp, An Bang đã vượt ngưỡng 60 tỷ vào năm 2014 trước khi tiến tới mức hoạt động 2 000 tỷ nhân dân tệ và trở thành hãng bảo hiểm nặng ký thứ ba trên toàn quốc.

Có rất nhiều những nghi vấn trên chính sách làm ăn của nhà tỷ phú Ngô Tiểu Huy. Chỉ biết là trong hai năm vừa qua, An Bang đã liên tục mua vào các đối thủ Hàn Quốc, Hà Lan … Đó là chưa kể nhiều dự án bất thành, chẳng hạn như với tập đoàn bảo hiểm Mỹ FGL (Fidelity and Guaranty Life).

Cũng như Vạn Đạt, An Bang không thu mình trong chuyên môn của mình mà đã vươn vòi sang rất nhiều địa hạt khác. Điển hình là nghiệp vụ mua lại khách sạn nổi tiếng Waldorf Astoria ở New York với giá 2 tỷ đô la. Cũng An Bang đã bị hủy một hợp đồng quan trọng với gia đình Kushner vào giờ chót khi Jared, con rể của tổng thống Donald Trump kiêm cố vấn của Nhà Trắng, sợ mang tiếng làm ăn với nước ngoài.

Thiên thời địa lợi

An Bang hay Vạn Đạt và cả những HNA hay Fosun ... đều là những kênh để Trung Quốc đầu tư ra nước ngoài. Đặc biệt là từ sau khủng hoảng tài chính thế giới 2007-2008 phương Tây đua nhau trải thảm đỏ đón các nhà đầu tư Trung Quốc.

Những ông chủ như Vương Kiện Lâm (Wanda), Ngô Tiểu Huy (Anbang) hay Mã Vân (Alibaba) được tiếp đón trịnh trọng không kém là bao so với nghi lễ dành cho các nguyên thủ quốc gia.

Tổng số vốn đầu tư trực tiếp của Trung Quốc ở hải ngoại trong 6 tháng đầu 2016, cao hơn cả so với cả năm 2015.

Phụ trách hồ sơ mua bán doanh nghiệp cho tập đoàn ngân hàng HSBC, Stéphane Bensoussan, trên báo Le Monde (ngày 13/05/2016) cho biết các tập đoàn Trung Quốc tăng tốc tấn công vào các thành trì ở Tây Âu kể từ năm 2014. Điểm khởi đầu là quyết tâm của Bắc Kinh quốc tế hóa các tập đoàn nhà nước. Các doanh nghiệp tư nhân của Trung Quốc cũng thừa nước đục thả câu.

Chiến lược này càng được củng cố khi mà phương Tây thì thiếu vốn để phát triển, trong lúc các hãng của Trung Quốc lại thừa vốn và nhận thấy rằng, tăng trưởng trên đất nước họ đang bị chựng lại, Âu Mỹ là những thị trường mới để chinh phục.

Trong bối cảnh đó, cảng Pirée của Hy Lạp đã được chuyển nhượng lại cho COSCO. Nhiều tên tuổi của làng rượu vang đỏ của Pháp trong vùng Bordeaux đã đổi chủ. Năm 2016 Pháp là « điểm đến » quan trọng thứ 5 của các nhà đầu tư Trung Quốc, sau Thụy Sĩ, Hoa Kỳ, Hồng Kông và Đức.

Nghịch lý ở đây, là khi Trung Quốc vung tiền mua vào các cơ sở của Âu Tây thì công luận phương Tây lo ngại trước một « mối đe dọa da vàng ». Khi Bắc Kinh khóa bớt van tín dụng, chận lại bớt tham vọng của các ông chủ Trung Quốc thì các doanh nghiệp Tây phương tỏ ra bối rối không kém.

Nhưng xét cho cùng, Trung Quốc mới chỉ nhắm vào các công ty trong các ngành giải trí, khách sạn, du lịch … như Vạn Đạt An Bang hay Fosun … Còn các công ty mũi nhọn mang tính chiến lược như tập đoàn vận chuyển hàng hải COSCO, thì dù đang thua lỗ đến 8,5 tỷ đô la và tổng nợ của công ty trong năm 2016 cao gấp 3 lần so với tài khóa 2015, thế nhưng công ty vận tải số 1 của Trung Quốc này (và đứng hàng thứ 4 trên thế giới) vẫn được quyền tiếp tục đi vay.

Có lẽ ưu đãi đó nằm ở chỗ COSCO là biểu tượng của sức mạnh Trung Quốc, hiện diện khắp 5 châu. Trường hợp của tập đoàn vận tải đường biển này cho thấy, lập luận đòi các công ty giảm bớt nợ chỉ là một cái cớ. Nạn tẩu tán tài sản, rủi ro tín dụng đối với các doanh nghiệp và ngân hàng vì mang nợ quá nhiều và rủi ro tài chính tại Trung Quốc vẫn còn nguyên vẹn.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.