Vào nội dung chính
NHẬT BẢN - OLYMPIC

Olympic 2020 : Tokyo ngổn ngang công việc chuẩn bị cùng nỗi lo động đất

Còn đúng 3 năm đến ngày khai mạc Thế vận hội Olymypic mùa hè 2020, hôm qua, 24/07/2017, thành phố chủ nhà Tokyo khai trương đồng hồ đếm ngược thời gian đến lễ khai mạc ngày hội thể thao lớn nhất hành tinh 24/07/2020. Đến giờ, các công việc chuẩn bị vẫn còn rất bề bộn, trong khi kinh phí cho các công trình đang bị đội giá lên gấp nhiều lần.

Lễ khai trương đồng hồ đếm ngược thời gian đến Olympic Tokyo 2020, tại thủ đô Nhật ngày 24/07/2017.
Lễ khai trương đồng hồ đếm ngược thời gian đến Olympic Tokyo 2020, tại thủ đô Nhật ngày 24/07/2017. REUTERS/Toru Hanai
Quảng cáo

Thông tín viên Frédéric Charles tại Tokyo cho biết thêm chi tiết :

Tokyo đã hứa hẹn tổ chức một kỳ Thế vận hội khiêm tốn, giá rẻ, có chừng mực và tiết kiệm. Kinh phí dự trù ban đầu đặt ở mức hợp lý từ 5 đến 6 tỷ euro. Giờ đây Tokyo đánh giá chi phí có thể sẽ lên tới 28 tỷ euro, tức là tăng gấp 4 lần so với dự kiến và gấp 3 lần số tiền chi cho Thế vận hội Luân Đôn 2012.

Như thế cũng đã đủ để báo động Ủy Ban Olympic Quốc Tế. Từ sau Thế vận hội mùa đông Sotchi của Nga, ước tính tiêu tốn 38 tỷ euro, Ủy Ban Olympic Quốc Tế rất lo ngại giá thành chuẩn bị cho các kỳ Thế vận hội quá cao. Bởi như vậy sẽ khiến ngày càng có nhiều các thành phố không muốn xin tổ chức sự kiện.

Tokyo và Ủy Ban Olympic Quốc Tế đã quyết định cùng nghiên cứu để giảm chi phí. Một báo cáo của chính phủ mới đây đã chỉ ra rằng trong công tác chuẩn bị không có lãnh đạo nào đủ khả năng ấn định được giới hạn ngân sách. Điều này giống như trong một công ty không có chủ tịch hay giám đốc tài chính.

Trong các công trình chuẩn bị cho Olympic, không chỉ có một mà là nhiều khoản ngân sách kết hợp với các công ty tư nhân như để xây dựng làng Thế vận hội, hay với thành phố để cho một số công trình hạ tầng cơ sở hay với chính phủ trong các công trình xây mới sân vận động Olympic.

Sau khi phải hủy bỏ dự án thiết kế của nữ kiến trúc sư người Pháp gốc Irak Zaha Hadid, qua đời năm 2016, công trình sân vận động Olympic mới, vừa thành hình bị đánh giá quá đắt.

Có thể giá thành của sân vận động này phải lên tới 2 tỷ euro. Bản thiết kế mới của kiến trúc sư người Nhật Kengo Kuma có giá thành rất đắt, ít nhất là 1,2 tỷ euro, chưa tính đến phần đài lửa. Tokyo hứa sẽ sửa chữa thiếu sót này.  Cấu trúc đài lửa mới dự kiến được dựng bằng gỗ.

Văn phòng của kiến trúc sự Zaha Hadid tố kiến trúc sư Kengo Kuma lấy lại nhiều chi tiết sáng tạo trong thiết kế cũ. Cuối cùng việc xây dựng vội vã đã dẫn đến việc một công nhân 23 tuổi không chịu nổi sức ép đã phải tự tử.

Tokyo còn hứa hẹn sẽ tổ chức một kỳ Thế vận hội « an toàn và hòa bình » . Còn đúng 3 năm nữa đến ngày khai mạc, các nhà tổ chức vẫn tiếp tục gặp thêm rắc rối. Họ đã phải thay đổi logo. Nhà thiết kế được chọn làm công việc đó là người nổi tiếng với hàng loạt vụ đạo tác phẩm của người khác.

Việc Tokyo giành quyền đăng cai  trước Madrid và Istanbul hội tháng 9/2013 còn bị vấy bẩn bởi nghi ngờ hối lộ. Về vụ việc này,  tư pháp của Pháp đang tiến hành điều tra.

Một mối lo khác liên quan đến các vận động viên. Nhiệt độ mùa hè ở Tokyo có thể lên tới 30 đến 35 độ trong bóng râm với độ ẩm lên tới 80%. Gần đây còn lan truyền tin sẽ có động đất cực lớn trong thời gian diễn ra Thế vận hội.

Tokyo : Động đất lớn, mối lo thường trực

Bên cạnh các cố gắng hoàn tất các công trình đang còn ngổn ngang, thành phố chủ nhà Olympic 2020 đang phải rất nỗ lực xóa đi nỗi lo sợ động đất của cả chục nghìn vận động viên và hàng triệu du khách đến với sự kiện thể thao lớn này.

Ông Satoru Sunada, một quan chức thành phố phụ trách các công trình chuẩn bị cho Thế vận hội giải thích với AFP : « Đúng là Nhật Bản rất hay bị động đất, nhưng các chuẩn mực xây dựng ở đây thuộc loại khắt khe nhất thế giới ».

Phần lớn các công trình hạ tầng cơ sở đều được gia cố bằng những hệ thống và công nghệ hiện đại. Lấy ví dụ như sân vân động Ariake dành cho các trận bóng chuyền được xây dựng trên một hệ thống giảm sốc khổng lồ bằng cao su.

Ông Satoru Sunada trấn an : « Chúng tôi sẽ làm hết sức trong việc chuẩn bị các địa điểm để sao cho dù có động đất lớn xảy ra thì mọi người vẫn sống sót ». Ông nhấn mạnh là các công trình ở Tokyo đều đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn chống động đất rất khắt khe của Nhật.

Theo ông Toshiro Muto, tổng giám đốc của Ủy ban tổ chức Thế vận hội, nếu như Tokyo là một trong những thành phố được chuẩn bị tốt nhất để đối phó với thiên tai là bởi vì thành phố này đã trải qua những thảm họa thiên tai lớn.

Theo những mô phỏng chính thức về các biến động địa chất gần đây, khả năng xảy ra động đất trong vòng 3 thập kỷ tới trong khu vực thủ đô Nhật là 70%.

Tokyo là đô thị duy nhất trên thế giới nằm trên 3 mảng kiến tạo địa chất. Thành phố Yokohama kế bên là một trong vùng dễ bị động đất và sóng thần nhất, theo nghiên cứu năm 2013 của công ty bảo hiểm Swiss Re.

Trong quá khứ Nhật đã từng trải qua những trận thiên tai lớn.Vào năm 1923, hơn 100 người đã thiệt mạng trong một thảm họa xảy ở Kanto. Gần đây nhất là vào năm 2011, người dân Tokyo đã bị hoảng loạn vì vụ động đất kéo theo sóng thần lớn đã làm hơn 18 nghìn người chết và mất tích tại vùng đông bắc Nhật Bản. Trận thiên tai này còn để lại thảm họa hạt nhân Fukushima.

Ở Tokyo, cho dù tất cả các công trình xây dựng đều chịu được sốc, nhưng vì phải hạn chế sử dụng điện, cũng như các hoạt động nên cuộc sống ở thủ đô đã bị đảo lộn trong nhiều tuần.

Về phần ông Naoshi Hirata, phụ trách viện dự báo động đất thuộc Đại học Tokyo thì khẳng định : « Nếu từ nay đến Thế vận hội 2020 xảy ra một trận động đất trên quy mô lớn trong vùng Tokyo, thì vấn đề không còn là có nên tổ chức Thế vận hội nữa hay không mà là liệu kinh tế Nhật có gượng dậy được hay không ? ». Trong trường hợp đó chỉ có cách tìm một thành phố khác thay thế Tokyo, ông Hirata khẳng định.

Tokyo 2020 đã chuẩn bị gì trong trường hợp động đất sóng thần xảy ra ?

Các nhà tổ chức thì luôn tỏ ra yên tâm rằng các công trình Thế vận hội trong vịnh Tokyo được quy hoạch trên các bãi bồi tôn cao hay đều được bảo vệ bằng các con đê có khả năng chống được thủy triều cao 2 mét.Thế nhưng, thiên tai đôi khi vẫn có sức tàn phá lớn hơn dự tính của con người.

Thành phố Tokyo đang chuẩn bị một cuốn cẩm nang bằng nhiều thứ tiếng để hướng dẫn các du khách của Thế vận hội xử lý các tình huống xảy ra tai họa bất ngờ. Nhiều cuộc diễn tập đã được chuẩn bị để giúp người nước ngoài ý thức được các sự cố có thể xảy ra.

Bởi vì nếu người Nhật đã quen với các bài tập tình huống như vậy thì những người nước ngoài lần đầu đến Tokyo sẽ không biết trú ẩn vào đâu một khi có sự cố động đất. Một trận rung chấn nhỏ cũng có thể làm cho du khách hoảng loạn lớn.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.