Vào nội dung chính
CHÂU Á - KINH TẾ

20 năm sau khủng hoảng tài chính, châu Á đã rút ra bài học

Năm 1997, những con rồng, con hổ kinh tế châu Á đang được thế giới ngưỡng mộ đã bị cơn bão tài chính tàn phá tan tác tưởng như không gượng dậy nổi. 20 năm sau, châu Á trở lại là vùng kinh tế năng động. Nhật báo Le Monde có bài viết : « Châu Á đã rút ra bài học khủng hoảng như thế nào ».

Những xấp tiền yen tại một ngân hàng ở Seoul ngày 08/10/2010.
Những xấp tiền yen tại một ngân hàng ở Seoul ngày 08/10/2010. Reuters/Lee Jae-Won
Quảng cáo

Tờ báo nhắc lại sự kiện mùa hè 1997, cả châu Á rơi vào tâm bão tài chính, các nhà đầu tư đồng loạt rút vốn đẩy nhiều nước đang trong thời hoàng kim kinh tế vào khủng hoảng suy thoái, nặng nề. Trận bão tài chính năm đó đã để lại cho châu Á những hậu quả thảm hại : Hệ thống tiền tệ suy sụp, các doanh nghiệp vỡ nợ, phá sản hàng loạt, hàng triệu việc làm bị mất…. Thế nhưng , khu vực này đã nhanh chóng hồi phục trở lại thành một trong những khu vực kinh tế năng động nhất hành tinh.

Le Monde ghi nhận, hai thập kỷ sau, những bài học dường như đã được rút ra từ cuộc khủng hoảng đó. « Các nước châu Á không còn phụ thuộc vào nguồn tín dụng đầu tư nước ngoài nữa. Châu Á giờ đây là một kho dự trữ ngoại tệ khổng lồ. Theo Bloomberg, trong khoảng thời gian từ 1996-2017, dự trữ ngoại tệ của Hàn Quốc tăng gấp 11 lần, từ 33 lên 378 tỷ đô la Mỹ. Indonesia tăng 7 lần, Thái Lan tăng 5 lần ».

Theo tờ báo, đó chính là tấm lá chắn giúp các nước châu Á chống đỡ với cuộc đại khủng hoảng tài chính 2008. Khu vực châu Á giờ đây trong viễn cảnh tăng trưởng vững chắc, trong khi mà trước năm 1997, người ta thấy các nước này chỉ là mảnh đất đầu tư vốn, chủ yếu dồn cho bất động sản, thu nhập chỉ trông chờ vào xuất khẩu. Giờ đây mỗi nước đểu biết phát huy thế mạnh để thu tiền, như Thái Lan tập trung vào phát triển du lịch, Indonesia tập trung vào tiêu thụ nội địa, hay Malaysia thì dựa trên nguyên vật liệu cơ bản…

Theo Le Monde, thế nhưng trong 20 năm, những con hổ, con rồng của châu Á đã trở nên phụ thuộc nhiều vào Trung Quốc. Trung Quốc từng giúp cho các nền kinh tế nhỏ trụ được trong khủng hoảng, thì giờ đây nếu nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới này bị chao đảo, thì những nền kinh tế nhỏ của châu Á kia cũng sẽ bị kéo theo.

Bắc Triều Tiên và sự bất lực của Hoa kỳ

Vẫn về chủ đề châu Á, nhật báo kinh tế Les Echos nhìn về bán đảo Triều Tiên với bài phân tích : « Vì sao hoa Kỳ sẽ phải chấp nhận cường quốc mới Bắc Triều Tiên ? » . Câu trả lời đơn giản là Hoa Kỳ không thể làm gì được hơn.

Bài báo nhắc lại sự kiện đã qua khá lâu : Ngày 23/10/1964, đại sứ Mỹ tại Đài Bắc gửi về nước bức điện nói rằng chính quyền Đài Loan phẫn nộ với việc trước đó một tuần, Trung Quốc lần đầu tiên thử hạt nhân thành công, đồng thời Đài Bắc kêu gọi đồng minh Mỹ nhanh chóng can thiệp quân sự để ngăn chặn mối đe dọa hạt nhân của Trung Quốc đang làm đảo lộn trật tự chiến lược trong vùng.

Tại Nhà Trắng, nhiều cố vấn của tổng thống Lyndon Johnson thời đó đã ủng hộ giải pháp tấn công phủ đầu, ngăn chặn Trung Quốc phát triển kho vũ khí hạt nhân. Nhưng cuối cùng, Washington không động thủ, đành chấp nhận nhìn Trung Quốc trở thành một cường quốc hạt nhân. Les Echos nhận thấy là 50 năm sau, chính quyền Trump cũng đang phải đứng trước một vấn đề tương tự với Bắc Triều Tiên.

Từ khi Bình Nhưỡng bắn thử quả tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) hôm 04/07 vừa qua, nhiều tiếng nói cứng rắn tại Washington cũng nhắc đến khả năng Mỹ tấn công phủ đầu Bắc Triều Tiên. Nhưng các nhà ngoại giao và quân sự Hàn Quốc, Nhật Bản và Mỹ đã nhanh chóng nhắc đến mối nguy hiểm không lường của một hành động can thiệp quân sự. Chính bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, James Mattis đã cảnh báo những hậu quả thảm khốc nếu tấn công Bắc Triều Tiên, vì Bình Nhưỡng sẽ đáp trả dữ dội vào ngay Hàn Quốc, nơi có 28 nghìn lính Mỹ đồng trú.

Không có được giải pháp quân sự, những tuần qua, Washington quay sang thúc đẩy trừng phạt kinh tế chế độ Bình Nhưỡng. Nhưng các cuộc thảo luận về gia tăng trừng phạt Bắc Triều Tiên lại bị sa lầy ở Liên Hiệp Quốc vì sự phản đối của Nga và Trung Quốc. Hoa Kỳ chuyển qua các biện pháp trừng phạt đơn phương nhằm vào Bình Nhưỡng và các doanh nghiệp có thể giúp Bình Nhưỡng phát triển chương trình vũ khí.

Thế nhưng, Les Echos nhận thấy, vô số các trừng phạt tượng trưng như vậy không hề có tác động nào đến kinh tế Bắc Triều Tiên cũng như ngăn cản được chế độ của Kim Jong Un làm đầy thêm kho vũ khí hạt nhân của họ. Có thể Bắc Triều Tiên đã lên chương trình tiếp tục bắn thử tên lửa xuyên lục địa trong những ngày tới. Washington sẽ không thể làm gì hơn là chấp nhận nhìn Bắc Triều Tiên trở thành một cường quốc hạt nhân mới, Les Echos kết luận.

Hồi giáo cực đoan tràn sang Đông Nam Á

Cho đến giờ mỗi khi nhắc đến thánh chiến, Hồi giáo cực đoan, người ta vẫn nghĩ tới những khu vực Trung Đông, Bắc Phi hay những vụ khủng bố ở thế giới phương Tây. Nhưng giờ mối đe dọa này đang hiển hiện ở Đông Nam Á.

Nhật báo Le Monde trong bài xã luận mang tiêu đề « Liều thuốc độc Hồi giáo cực đoan tại Đông Nam Á » nhận định hiện tượng trên là « một tiến triển khiến tất cả các nước trong khu vực này phải lo ngại. Hầu như khắp nơi trong vùng, tư tưởng Hồi giáo cực đoan đang phát triển mạnh ». Chính cái tư tưởng đó là nền tảng của phong trào thánh chiến được nuôi dưỡng bằng bạo lực.

Tại hội nghị bộ trưởng Quốc phòng các nước Đông Nam Á hồi tháng 6 vừa qua tại Singapore, lãnh đạo Quốc phòng nước chủ nhà đã khẳng định đà phát triển của Hồi giáo cực đoan đang là « mối đe dọa an ninh lớn nhất trong khu vực ».

Le Monde nhấn mạnh, trong khi ông phát biểu như vậy thì tại miền nam Philippines, quân đội nước này đang chật vật chiến đấu giành lại thành phố Marawi bị quân thánh chiến có liên hệ trực tiếp với tổ chức Nhà Nước Hồi giáo chiếm giữ. Các nhóm thánh chiến ở miền nam Philippines giờ là một đội quân được huấn luyện tốt, trang bị đầy đủ vũ khí và tập hợp đông đảo các chiến binh đến từ nước ngoài.

Theo Le Monde, không chỉ có Philippines, mà cả vùng Đông Nam Á đang lo sợ trở thành cứ địa của thánh chiến, giống như trường hợp Raqqa ở Syria hay Mossul tại Irak.

Tờ báo nêu trường hợp Indonesia, đất nước 255 triệu dân trong đó 87% là người Hồi giáo. Ngay sau loạt vụ khủng bố 11/09/2001 tại Mỹ, Indonesia cũng đã hứng chịu làn sóng sóng khủng bố nhằm vào người phương Tây. Từ hàng thế kỷ nay, người Hồi giáo Indonesia vẫn sống bao dung, hòa đồng với tập quán địa phương, với các tôn giáo khác. Thế nhưng, một vài năm gần đây người ta có thể nhận thấy xu hướng cực đoan hóa Đạo Hồi đang trỗi dậy mạnh mẽ ở đất nước này, nhất là từ khi chính quyền cho phép thực thi giáo luật Charia trong tỉnh Aceh. Xã luận của Le Monde kết luận : « Cần phải theo dõi sát sao hiện tượng này . Bởi vì châu Âu biết quá rõ là thánh chiến không có biên giới ».

Cataluna đòi ly khai khỏi Tây Ban Nha

Chuyển qua với thời sự châu Âu. Sự kiện chính của nhật báo Le Figaro là Cataluna, vùng đất phía đông bắc Tây Ban Nha nằm giáp với cực nam nước Pháp, đòi ly khai tự trị.

Tựa lớn trang nhất của Le Frgaro ghi nhận : « Cataluna thách thức Madrid và đòi độc lập ». Tờ báo cho biết, những lãnh đạo vùng có chủ trương ly khai đang chuẩn bị tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý về quy chế độc lập cho Cataluna. Đây là một ý đồ mà chính phủ Tây Ban Nha muốn ngăn chặn bằng mọi giá. Chỉ còn 70 ngày trước cuộc trưng cầu dân ý này, cuộc đọ sức giữa chính quyền trung ương và vùng căng thẳng thêm từng ngày.

Từ khi chủ tịch vùng Cataluna, Carles Puigdemont thông báo tổ chức trưng cầu dân ý về vấn đề độc lập của vùng vào ngày 01/10 tới, căng thẳng giữa Madrid và Barcelone, thủ phủ vùng Cataluna, ngày càng tăng. Bốn bộ trưởng của cơ quan hành pháp và nhiều quan chức cao cấp, trong đó có cảnh sát trưởng, của xứ Cataluna hoặc từ chức hoặc bị gạt ra ngoài, để thay thế bằng những người ủng hộ chủ trương đòi tự trị. Chủ tịch vùng Cataluna còn tuyên bố quyết không từ bỏ cuộc trưng cầu dân ý cho dù Tòa Bảo hiến cấm. Trong khi đó Madrid kêu gọi các công chức trung thành với chính quyền trung ương và đe dọa một lần nữa bằng con đường tư pháp sẽ làm thất bại ý đồ đòi tách Cataluna ra khỏi Tây Ban Nha.

Pháp : Emmanuel Macron, đã hết rồi thời ưu ái của dân

Về thời sự nội tình nước Pháp, hầu hết các báo đều tập trung khai thác sự kiện chỉ số tín nhiệm của tân tổng thống Emmanuel Macron bị giảm mạnh, chấm dứt thời kỳ được ưu ái, chỉ sau hơn hai tháng cầm quyền.

Theo số liệu của viện thăm dò dư luận Ifop thực hiện trong tuần qua cho báo Le Journal Du Dimanche, 54% người dân Pháp hài lòng với tổng thống, tức là giảm 10% trong vòng một tháng. Đi vào chi tiết, chỉ số tín nhiệm của tổng thống Pháp còn bị giảm 11 điểm ở những người có tuổi trên 65 và ở giới công chức giảm 18 điểm.

Le Figaro bình luận : « Đây là báo động đầu tiên, một cảnh cáo thẳng thừng. Cho dù vẫn còn đa số những người được hỏi hài lòng về tổng thống, thì Emmanuel Macron vẫn bị giảm sút uy tín đáng kể …. Điều này có nghĩa là tuần trăng mật giữa tổng thống và người dân Pháp dường như đã kết thúc. »

Trong khi đó, Libération thì cho rằng « đây mới chỉ là một cuộc thăm dò đơn lẻ. Cần phải đợi các cuộc điều tra khác để đo được điểm đầu xuống dốc này. Ông Macron đã chứng tỏ là người có khả năng sửa chữa sai lầm ». Tuy nhiên tờ báo cũng ghi nhận là việc chỉ số được lòng dân của tân tổng thống Pháp xuống thấp hơn hai người tiền nhiệm là ông Hollande và Sarkozy ở cùng thời điểm là điều không ngờ, nhất là đối với một người được cho là « sứ thần của kỷ nguyên chính trị mới ».

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.