Vào nội dung chính
INDONESIA - BIỂN ĐÔNG

Biển Đông: Không nên hiểu sai việc Indonesia đổi tên vùng biển Natuna

Ngày 14/07/2017, Indonesia đã tiết lộ một động thái cứng rắn chống Trung Quốc trên vấn đề vùng biển quanh quần đảo Natuna của nước này nằm sát Biển Đông. Đó là đặt cho vùng biển này một cái tên Indonesia là « Biển Bắc Natuna ». Ngay sau khi thông tin này được loan báo, một số nhà phân tích đã cho rằng Indonesia đã tỏ rõ hơn lập trường chống đường lưỡi bò Trung Quốc, và bắt đầu cứng rắn hơn trên các vấn đề Biển Đông.

Thứ trưởng Indonesia đặc trách vấn đề hàng hải Arif Havas Oegroseno chỉ trên bản đồ vùng gọi là 'Biển Bắc Natuna', trong cuộc nói chuyện với nhà báo tại Jakarta, ngày 14/07/2017.
Thứ trưởng Indonesia đặc trách vấn đề hàng hải Arif Havas Oegroseno chỉ trên bản đồ vùng gọi là 'Biển Bắc Natuna', trong cuộc nói chuyện với nhà báo tại Jakarta, ngày 14/07/2017. REUTERS/Beawiharta
Quảng cáo

Trên trang mạng The Interpreter của Viện Nghiên Cứu Úc Lowy Institute vào hôm nay, 19/07/2017, Aaron L. Connelly, một chuyên gia về Đông Nam Á và Indonesia, đã cho rằng không nên ngộ nhận về việc chính quyền Jakarta đổi tên biển, và động thái đó không hề có nghĩa là Indonesia sẽ có lập trường cứng rắn hơn đối với Trung Quốc trên vấn đề Biển Đông.

Theo chuyên gia này, về bề nổi thì quả là trong thời gian gần đây, chính quyền Indonesia của tổng thống Joko Widodo đã có nhiều biện pháp nhằm chống lại việc Trung Quốc có hành động lấn lướt tại vùng biển ngoài khơi quần đảo Natuna, mà một phần bị Trung Quốc đưa vào bên trong đường lưỡi bò trên Biển Đông mà Bắc Kinh dùng làm cơ sở đòi chủ quyền.

Trước nhiều sự cố do Trung Quốc gây ra tại vùng này, Jakarta đã tăng cường lực lượng võ trang trong khu vực, gia tăng tuần tra, cứng rắn thực thi luật pháp trong vùng. Bản thân tổng thống Jokowi đã hai lần đến thăm căn cứ quân sự Indonesia tại Natuna để tỏ rõ quyết tâm bảo vệ quyền lợi trong vùng đặc quyền kinh tế của quần đảo Natuna.

Theo Connelly, một số nhà phân tích đã xem những động thái đó là dấu hiệu cho thấy Indonesia đang áp dụng một cách tiếp cận cứng rắn hơn đối với các vấn đề Biển Đông. Sau quyết định đổi tên vùng biển quanh Natuna, những lập luận tương tự cũng xuất hiện.

Tuy nhiên, theo chuyên gia Úc, các hành động của chính quyền Jokowi chỉ thể hiện một thái độ cứng rắn hơn trong việc chống Trung Quốc để bảo vệ các lợi ích của Indonesia, giới hạn quanh vùng Natuna mà thôi, chứ hoàn toàn không phải là chống các hoạt động của Trung Quốc trong phần còn lại của Biển Đông, vốn dĩ còn vi phạm luật pháp quốc tế nghiêm trọng hơn nhiều.

Theo ông Connelly, có rất ít khả năng là Indonesia đứng ra đóng vai trò lãnh đạo trong việc chống lại các hoạt động của Trung Quốc trên Biển Đông vì hai lý do :

1) Tổng thống Indonesia đương nhiệm Jokowi rất ít quan tâm tới vai trò lãnh đạo ngoại giao khu vực, khác với người tiền nhiệm Susilo Bambang Yudhoyono, và vị ngoại trưởng năng nổ của ông là Marty Natalegawa.

2) Chính ông Jokowi vẫn tin tưởng rằng sẽ thu hút được vốn đầu tư của Trung Quốc vào các dự án cơ sở hạ tầng mà ông chủ trương. Do đó ông tránh tối đa việc lên tiếng chống lại Trung Quốc.

Theo chuyên gia Úc, phản ứng nhẹ nhàng của Bắc Kinh sau khi Jakarta tiết lộ tin đổi tên biển ở vùng Natuna, cho thấy là Trung Quốc đã thừa biết là việc làm của Indonesia chỉ có ý nghĩa hạn chế.

Đối với ông Connelly, tổng thống Jokowi và các cố vấn của ông tin rằng bằng cách « đánh lẻ » trên vấn đề Biển Đông, Indonesia có thể bảo vệ lợi ích của mình mà không làm tổn hại đến triển vọng đầu tư đến từ Trung Quốc.

Cách tiếp cận đó có thể bảo vệ chủ quyền và quyền hàng hải của Indonesia trong ngắn hạn, nhưng sẽ có hại về lâu về dài, nhất là khi cách đi của Indonesia không ảnh hưởng gì đến hành vi ngày càng hung hăng của Bắc Kinh, coi thường luật pháp quốc tế và từ chối đàm phán một cách trung thực về Biển Đông, một vấn đề thiết thân cho toàn khu vực. Tiền lệ Biển Đông còn dự báo không hay về cách hành xử của Bắc Kinh trong những địa hạt khác trong bối cảnh Trung Quốc trở nên mạnh hơn.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.