Vào nội dung chính
CHÂU Á-TÀI CHÍNH

Hai thập niên sau khủng hoảng tài chính Á châu : Hậu quả vẫn còn tính thời sự

Khủng hoảng tài chính 1997/1998 là một bước ngoặt trong lịch sử kinh tế châu Á. Những liều thuốc chữa cháy để dập tắt "hỏa hoạn" bùng lên tại Thái Lan, Indonesia, rồi lan rộng sang cả Hàn Quốc hai thập niên trước gieo mầm cho tai họa tài chính 2007/2008. Chính sách kích cầu của Trung Quốc từ một chục năm qua có là nguyên nhân dẫn tới một đợt sóng thần tài chính mới ?

Chứng khoán Á châu mất giá tháng 7/1997.
Chứng khoán Á châu mất giá tháng 7/1997. Reuters
Quảng cáo

Trong bài phân tích mang tựa đề "Cách nay 20 năm, khủng hoảng Á châu : hậu quả vẫn còn tính thời sự", đăng trên báo mạng Asialyst.com đầu tháng 7/2017, chuyên gia kinh tế Jean-Raphaël Chaponnière tìm cách trả lời câu hỏi trên.

Khủng hoảng 1997 và nguyên nhân

Cách nay 20 năm, khủng hoảng tài chính Á châu bùng phát từ thủ đô Bangkok. Một năm trước đó Ngân Hàng Thế Giới công bố báo cáo về "Phép lạ kinh tế Thái Lan", sau khi đã có hẳn một công trình về "Phép lạ kinh tế Á châu".

Ở vào thời điểm 1996, những nhà quan sát tinh tế nhất cũng chỉ dự báo kinh tế Thái Lan sẽ gặp nạn nhưng không một ai nghĩ rằng, đám cháy sẽ lan rộng tới nhiều nước láng giềng : chẳng những ở khu vực Đông Nam Á mà thần hỏa còn với qua tận đến Hàn Quốc.

Tai họa đó từ đâu đến ?

Tăng trưởng tại châu lục này đã tăng tốc kể từ năm 1985, khi Tokyo tăng giá đồng yen, tạo đà cho xuất khẩu của tất cả các nước kém phát triển hơn Nhật Bản. Sự kiện này mở ra một chu kỳ tăng trưởng "10 năm vinh quang". Năm 1990/1991 khi Hoa Kỳ bị vỡ quả bóng tín dụng (Saving and Loans), thì bất ngờ châu Á lại không hề hấn gì. Chính sự vững chắc đó của các "con rồng, con cọp" Á châu lại càng khiến mọi người tin tưởng vào khu vực và tư bản của thế giới lại càng dễ dàng đổ về châu lục này.

Từ Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế đến bộ Tài Chính Hoa Kỳ hay Wall Street đều đã mở rộng các luồng giao dịch với châu Á. Những tiếng nói chỉ trích ngành tài chính ngân hàng của châu Á còn chưa được quản lý chặt chẽ ít được công luận chú ý.

Một đặc điểm khác, như chuyên gia kinh tế Jean-Raphaël Chaponnière ghi nhận là đơn vị tiền tệ của các nền kinh tế nói trên được buộc chặt vào đô là Mỹ. Từ năm 1992, Ngân Hàng Dự Trữ Liên Bang Hoa Kỳ hạ lãi suất chỉ đạo để kích thích đầu tư và tiêu thụ trên nước Mỹ. Các nhà đầu tư châu Á "tát nước theo mưa" trước hiện tượng tiền rẻ.

Thêm vào đó, nhiều quỹ đầu tư của Nhật cũng lợi dụng lãi suất thấp của Mỹ để vay tiền, đầu tư vào châu Á kiếm lời.

Hậu quả trực tiếp là từ Thái Lan đến Indonesia, từ Malaysia đến Hàn Quốc … đều đứng trước hiện tượng dư thừa sản xuất. Các hoạt động đầu cơ bắt đầu nhen nhúm trong lúc mà hàng của Trung Quốc bắt đầu xuất hiện trên thị trường …

Vết dầu loang

Mùa xuân 1997, Thái Lan vỡ bong bóng địa ốc. Ngân Hàng Trung Ương tung tiền cứu nguy đồng baht. Nhưng tới đầu tháng 7/1997, mọi chuyện bị "tức nước vỡ bờ". Đơn vị tiền tệ của Thái Lan tuột dốc không phanh, tạo nên một sự ngờ vực rồi hoảng loạn, không chỉ với đồng baht Thái, mà cả với đồng tiền của Indonesia.

Tháng Giêng 1998, tổng thống Soeharto do dự áp dụng chính sách được IMF kê đơn, lập tức tư bản ồ ạt "tháo chạy" khỏi Jakarta. Indonesia rơi vào một cuộc khủng hoảng vô tiền khoáng hậu. Tổng thống Soeharto sau hơn 30 năm liên tục cầm quyền phải ra đi.

Ở mãi tận Bắc Á, Hàn Quốc không được bình an. Tháng 12/1997 Seoul bị chấn động vì bão tố từ Đông Nam Á ập tới. Hàn Quốc bị đe dọa mất khả năng thanh toán, thiếu tiền mặt, do nhiều tập đoàn chaebol bị phá sản - điển hình là Daewoo. Phải đợi đến ngày cuối cùng trong năm, IMF mới tung ra kế hoạch cứu nguy xứ Hàn.

Ba nền kinh tế hùng mạnh nhất trong khu vực là Hàn Quốc, Thái Lan và Indonesia đều "lâm nạn" : GDP của Indonesia giảm 17 % trong vòng 9 tháng. Kéo theo là một cuộc khủng hoảng về mặt xã hội. Theo tác giả, Jean-Raphaël Chaponnière, mãi tới năm 2006 người dân Indonesia mới tìm lại được sức mua như trước khủng hoảng 1997/1998.

Không chỉ thế, các nước bạn hàng chính của Bangkok, Jakarta hay Seoul cũng bị vạ lây. Đứng đầu là Malaysia và ở một cấp nhẹ hơn là Philippines, Đài Loan và Trung Quốc. Tài chính của Trung Quốc vào 2 thập niên trước còn khá khép kín nhờ vậy mà Bắc Kinh đứng ngoài tâm bão.

1997-2007 : Lỗi tại châu Á

Con chim phải đạn, sợ cành cây cong. Sau cơn ác mộng 1997, châu Á tiếp tục đẩy mạnh đầu tư và tiết kiệm nhiều hơn nữa, nhưng để ủy thác vào nơi an toàn nhất trên thế giới là Hoa Kỳ.

Nước Mỹ từ đầu những năm 2000 đứng trước hiện tượng "dư thừa tư bản". Chính luồng vốn chảy từ châu Á sang này, đã nuôi dưỡng chu kỳ tăng trưởng bền bỉ hiếm thấy trên đất Mỹ. Từ đó nảy sinh ra quả bóng địa ốc. Cho đến tháng 7/2007 khi khủng hoảng tín dụng gia cư bùng phát, giải Nobel Kinh Tế 2001, giáo sư Joseph Stiglitz không vòng vo quy trách nhiệm cho các nước châu Á đổ tiền vào Hoa Kỳ gây nên trận đại hồng thủy 2007/2008.

Thế nhưng châu Á tương ổn định sau vụ ngân hàng Mỹ Lehman Brothers phá sản (tháng 9/2008). Có bị ảnh hưởng đi chăng, là do trao đổi mậu dịch và tăng trưởng toàn cầu sa sút.

Trung Quốc sắp thổi nên cơn bão mới ?

Lịch sử được lập lại. Nhưng lần này Trung Quốc bước lên tuyến đầu. Tháng 10/2008 Bắc Kinh thông báo một kế hoạch kích cầu còn quy mô hơn của Mỹ. Trong 8 năm qua, đầu tư của Trung Quốc luôn cao hơn của cả Hoa Kỳ hay toàn khối 28 nước trong Liên Hiệp Châu Âu. Tín dụng dưới thời các ông Hồ Cẩm Đào, Tập Cận Bình tăng nhanh đến nỗi làm mọi người liên tưởng đến những gì đã diễn ra ở Hàn Quốc và Thái Lan trước năm 1997.

Bài học từ khủng hoảng tài chính châu Á cách nay đúng 20 năm cho thấy, những giai đoạn mà tín dụng tăng nhanh thường dẫn tới khủng hoảng. Từ năm 2016, IMF đã gióng tiếng chuông báo động trước mức nợ của doanh nghiệp Trung Quốc. Bản thân Bắc Kinh cũng ý thức được mối đe dọa này. Vài tháng trước Đại Hội Đảng lần thứ 19, Bắc Kinh đã thông báo một số biện pháp để kềm hãm nợ "phình" lên thêm.

Nền kinh tế thứ nhì thế giới liệu có thoát khỏi mối đe dọa này ?

Hoàn cảnh của Trung Quốc ngày nay khác nhiều so với các nước Đông Nam Á và Hàn Quốc 20 năm trước. Trung Quốc trong thế xuất siêu, và nhất là đã tích lũy được một khoản dự trữ khá lớn. Nợ của nước này được tính bằng nhân dân tệ chứ không phải bằng đô la. Các công ty và ngân hàng đều được đặt dưới sự quản lý của Nhà nước. Trong bối cảnh đó, chuyên gia kinh tế Jean-Raphaël Chaponnière cho rằng nếu có lâm nạn, thì Trung Quốc sẽ tránh được một vụ "máy bay rơi" như ở Hoa Kỳ mà có khuynh hướng từng bước lún vào khủng hoảng theo kiểu của Nhật Bản từ sau vụ vỡ chứng khoán năm 1989. Đó cũng là một rủi ro đáng sợ không kém.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.