Vào nội dung chính
MIẾN ĐIỆN - XÃ HỘI

Liên Hiệp Quốc : 80 000 trẻ em Rohingya Miến Điện suy dinh dưỡng

Chương Trình Lương Thực Liên Hiệp Quốc PAM, trong một bản báo cáo được công bố ngày 17/07/2017 báo động về tình trạng thiếu ăn của khoảng 80 000 trẻ em thuộc sắc tộc Rohingya, nạn nhân của chính sách kỳ thị người theo đạo Hồi tại Miến Điện.

Người Rohingya Miến Điện tại một trại tị nạn ở Bangladesh. Ảnh ngày 9/07/2017.
Người Rohingya Miến Điện tại một trại tị nạn ở Bangladesh. Ảnh ngày 9/07/2017. Reuters
Quảng cáo

Bản báo cáo của Liên Hiệp Quốc dựa trên thẩm định tình trạng sức khỏe của 75.000 dân Rohingya ở bang Rakhin, phải bỏ làng đi lánh nạn trước những cuộc đàn áp của quân đội Miến Điện nhân danh chống khủng bố. Những người còn ở lại đang lâm vào cảnh thiếu thực phẩm như trường hợp dân cư ở một quận tên Maungdaw nơi mà một phần ba số hộ gia đình thường xuyên bửa đói bửa no.

Hầu hết các gia đình này đều đơn chiếc vì cha, chồng phải bỏ trốn quân đội.

Không một trẻ nào dưới 2 tuổi có đủ thức ăn và sữa theo chuẩn mực dinh dưỡng tối thiểu. Trong số 220 000 dân cần tiếp tế lương thực có hơn 80 000 trẻ dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng cần phải được khẩn cấp điều trị trong suốt 12 tháng tới đây.

Một phát ngôn viên của PAM tại Miến Điện giải thích, nếu không có biện pháp khắc phục tình trạng suy dinh dưỡng, các nạn nhân nhỏ bé này sẽ tiếp tục xuống cân và khó tránh rối loạn hệ thống miễn dịch đưa đến cái chết.

Tuy chính quyền dân cử của bà Aung San Suu Kyi thay thế chính phủ quân sự, nhưng phe quân đội vẫn kiểm sóat Quốc Hội và chính sách đối với các sắc dân thiểu số.

Giải Nobel Hoà Bình 1991 bị chỉ trích sử dụng quân đội đàn áp người Rohingya. Tháng 10/2016, sau vụ một toán chiến binh Rohingya tấn công một số đồn cảnh sát biên giới, quân đội chính phủ đã trả thù không nương tay. Nhiều hình ảnh binh lính đàn áp đánh đập dân làng đã được đưa lên các mạng xã hội.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.