Vào nội dung chính
HOA KỲ - HÀN QUỐC

Mỹ muốn đàm phán lại thỏa thuận thương mại với Hàn Quốc

Tổng thống Donald Trump ngày 12/07/2017 đã yêu cầu bộ trưởng Ngoại Thương Mỹ triệu tập một cuộc họp với các đại diện Hàn Quốc để bàn về thỏa thuận thương mại « Korus ». Hoa Kỳ muốn đàm phán lại văn bản này với hy vọng giảm bớt thâm hụt thương mại của Mỹ.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa REUTERS/Dado Ruvic
Quảng cáo

Theo thông cáo của bộ trưởng Ngoại Thương Mỹ, Robert Lighthizer, cuộc họp có thể diễn ra vào tháng 08/2017 tại Washington, và ngày cụ thể sẽ được ấn định sau, với mục đích là « bắt đầu tiến trình đàm phán để xóa bỏ hàng rào thuế quan đối với Mỹ và đưa ra các điều chỉnh cần thiết cho thỏa thuận ».

Tổng thống Trump từng đánh giá thỏa thuận thương mại Mỹ-Hàn là « kinh hoàng ». Còn trong bức thư gửi đến bộ trưởng Thương Mại Hàn Quốc, ông Robert Lighthizer chỉ ra « những vấn đề liên quan đến quyền được vào thị trường Hàn Quốc của hàng hóa Mỹ ».

Ngày 13/07, Seoul tỏ ra nghi ngờ về thông báo của chính quyền Mỹ, đồng thời nhắc lại rằng thỏa thuận thương mại song phương chỉ có thể thay đổi với đồng thuận từ hai phía. Bản thông cáo của bộ Thương Mại Hàn Quốc nhấn mạnh, « trước hết, cần phải nghiên cứu, phân tích và đánh giá tác dụng của Korus để xác định xem liệu thỏa thuận này có phải là nguyên nhân dẫn đến tình trạng mất cân đối thương mại hay không ».

Thương mại chỉ là một mặt trong quan hệ liên minh chặt chẽ giữa Hàn Quốc và Hoa Kỳ. Dù là đồng minh quan trọng để kiềm chế Bắc Triều Tiên, Seoul vẫn không phải là trường hợp ngoại lệ trong danh sách cần xét lại các thỏa thuận thương mại bất lợi cho Mỹ của chính quyền Trump.

Theo đánh giá của Washington, từ khi có hiệu lực vào tháng 03/2012, thâm hụt thương mại của Mỹ với Hàn Quốc đã tăng gấp đôi : từ 13,2 tỉ đô la vào năm 2011 lên thành 27,6 tỉ đô la năm 2016, trong khi Hàn Quốc đưa ra con số 23,2 tỉ đô la.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.