Vào nội dung chính
HÀN QUỐC - NHẬT BẢN

Hàn Quốc lập bảo tàng « phụ nữ giải sầu » tại Seoul

Vấn đề « phụ nữ giải sầu » tiếp tục làm nhức nhối quan hệ Hàn Quốc – Nhật Bản. Chính quyền Hàn Quốc vừa quyết định xây dựng một bảo tàng ở trung tâm thủ đô Seoul để tưởng niệm hàng trăm ngàn phụ nữ, từng là nạn nhân tình dục của quân đội Nhật Bản thời đế quốc.

Hàn Quốc : Bức tượng tượng trưng cho "Phụ nữ giải sầu" thời Thế chiến II, trước đại sứ quán Nhật tại Seoul. Ảnh chụp ngày 28/12/2015.
Hàn Quốc : Bức tượng tượng trưng cho "Phụ nữ giải sầu" thời Thế chiến II, trước đại sứ quán Nhật tại Seoul. Ảnh chụp ngày 28/12/2015. REUTERS/Ahn Eun-na/News1
Quảng cáo

Theo Yonhap, hôm qua 10/07/2017, bộ trưởng Bình Đẳng Giới Hàn Quốc, bà Chung Huyn Back, cho biết mục đích của chính phủ là xây dựng một bảo tàng ở vị trí thuận lợi, để nơi đây có thể biến thành « một điểm hành hương », để tưởng nhớ và nhắc nhở về những vi phạm nhân quyền do chiến tranh. « Phụ nữ giải sầu » không còn là vấn đề riêng giữa Hàn Quốc và Nhật Bản mà đã trở thành vấn đề quốc tế. Theo bộ trưởng Hàn Quốc, một trong các chủ trương của chính phủ là đưa bảo tàng nói trên trở thành một di sản của UNESCO.

« Phụ nữ giải sầu » là một uyển ngữ để chỉ khoảng 200.000 phụ nữ châu Á, từ Trung Quốc đến Philippines, nhưng chủ yếu là phụ nữ Triều Tiên bị cưỡng bức làm nô lệ tình dục tại các nhà thổ của quân đội Nhật ở tiền tuyến trong thời gian Đệ nhị Thế chiến.

Bộ trưởng Bình Đẳng Giới Hàn Quốc phát biểu như trên trong chuyến thăm viếng House of Sharing, một nơi khu an dưỡng của các nạn nhân nô lệ tình dục trước đây, tại Gwangju, phía đông Seoul.

Yonhap nhấn mạnh là ngược lại với tổng thống tiền nhiệm Park Guen Hye, vừa bị phế truất, tổng thống Moon Jae In không coi thỏa thuận với Nhật Bản năm 2015 là « mang tính không thể đảo ngược ». Sau khi đắc cử, tổng thống Hàn Quốc cho biết rất nhiều dân Hàn không chấp nhận thỏa thuận 2015 « về mặt tình cảm ».

Đoạn phim tài liệu đầu tiên

Cũng về vấn đề « phụ nữ giải sầu », các nhà nghiên cứu lần đầu tiên phát hiện được một đoạn phim tài liệu về các phụ nữ nạn nhân của quân đội Nhật. Đoạn phim câm xuất hiện như một bằng chứng mạnh. Thông tín viên Frederic Ojardias tường trình từ Seoul,

« Đoạn phim chỉ dài có 18 giây, cho thấy bảy phụ nữ trẻ Triều Tiên (xếp hàng dọc theo một bức tường), chân trần, đầu cúi, cái nhìn hoảng sợ. Họ nói chuyện với một sĩ quan Trung Quốc, đến để giải phóng họ.

Đoạn phim rất hiếm này đã được một sĩ quan Mỹ quay vào năm 1944 tại Trung Quốc, ở tỉnh Vân Nam (Yunnan), nơi mà phe đồng minh vừa lấy lại từ tay quân đội Nhật. Các nhà nghiên cứu Hàn Quốc đã tìm thấy phim trong kho lưu trữ Mỹ.

Đây là một bằng chứng bổ sung về việc cưỡng bức phụ nữ làm nô lệ tình dục quy mô lớn trong quân đội đế quốc Nhật. Cho đến hiện nay, cánh hữu dân tộc chủ nghĩa Nhật Bản tiếp tục khẳng định là những người mà họ gọi là ‘‘phụ nữ giải sầu’’ là gái mãi dâm tự nguyện… Quan điểm này khiến dân Hàn Quốc giận dữ.

Năm 2015, Seoul và Tokyo đã từng đạt được một thỏa thuận dự kiến Nhật sẽ xin lỗi và lập một quỹ bồi thường. Tuy nhiên, thỏa thuận này bị chính các nạn nhân – vốn không được tham khảo ý kiến - lên án. Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In, đắc cử hồi tháng 5/2017, muốn xét lại vấn đề này.

Chính quyền Hàn Quốc vừa thông báo sẽ xây dựng ngay giữa trung tâm thủ đô một bảo tàng để tưởng niệm các phụ nữ nô lệ tình dục năm xưa ».

Nhật phản đối việc Seoul ủng hộ đưa hồi ức « gái giải sầu » vào di sản UNESCO

Sau phát biểu của bộ trưởng Bình Đẳng Giới Hàn Quốc, về ý định đưa hồi ức về các phụ nữ bị quân đội Nhật bắt làm nô lệ tình dục vào di sản tư liệu « Memory of the World » của Tổ Chức Giáo Dục, Khoa Học và Văn Hóa của Liên Hiệp Quốc (UNESCO), bộ Ngoại Giao Nhật đã có tuyên bố phản đối.

Theo ngoại trưởng Nhật Fumio Kishida, trong cuộc trả lời báo giới hôm nay, hành động nói trên là « đi ngược lại sứ mạng đặc biệt và mục tiêu của UNESCO là cổ vũ tình hữu nghị và hiểu biết lẫn nhau giữa các dân tộc ». Ông cho biết đã « mạnh mẽ bày tỏ lập trường với chính phủ Hàn Quốc ».

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.