Vào nội dung chính
Tạp chí đặc biệt

Bắc Triều Tiên phát triển mạng thông tin nội bộ để làm gì ?

Đăng ngày:

Bắc Triều Tiên đang nỗ lực phát triển các sản phẩm kết nối, mạng thông tin nội bộ và các website riêng. Bằng chứng là Bình Nhưỡng vừa cho ra lò một máy tính bảng được đặt tên là « iPad ». Máy tính bảng này lại được nhái theo sản phẩm cùng tên được bảo hộ của tập đoàn khổng lồ Apple.

iPAD Bắc Triều Tiên. Ảnh chụp màn hình Newsweek.
iPAD Bắc Triều Tiên. Ảnh chụp màn hình Newsweek.
Quảng cáo

Tuy « iPad » của Bắc Triều Tiên bị chế giễu nhiều trên Internet, nhưng sự việc cho thấy đang có những biến đổi đáng quan tâm tại một quốc gia được coi là khép kín nhất thế giới. Thông tín viên Frederic Ojardias tại Seoul giải thích thêm :

« Trước tiên, từ vài năm qua, Bắc Triều Tiên đã sản xuất nhiều máy tính bảng, điện thoại thông minh. Nhưng trên thực tế, Bắc Triều Tiên chỉ lắp ráp. Các linh kiện điện tử được nhập từ Trung Quốc.

Chế độ Bình Nhưỡng vẫn tiếp tục cấm hoàn toàn người dân truy cập Internet nhưng lại phát triển mạng thông tin nội bộ : đó là một hệ thống cục bộ, khép kín và cô lập với phần còn lại của thế giới. Trên mạng nội bộ này, cũng có những website bán hàng trực tuyến, như « Manmulsang », một dạng Amazon Bắc Triều Tiên. Cũng có một website xem phim trực tuyến, một kiểu Netflix Bắc Triều Tiên…

Bên cạnh đó, có rất nhiều ứng dụng cho điện thoại thông minh, như ứng dụng tập thể hình, ứng dụng cho nông nghiệp… Hiện nay, ba triệu người Bắc Triều Tiên, tương đương 10% dân số nước này, có điện thoại di động. Một số người cho rằng, con số này là dấu hiệu cho thấy sự xuất hiện một tầng lớp trung lưu kiểu Bắc Triều Tiên. »

Quả thật những năm gần đây nền kinh tế Bắc Triều Tiên có những thay đổi sâu sắc, gần như phát triển theo kiểu tư bản chủ nghĩa : nhiều chợ hơn, có website mua hàng trên mạng theo kiểu « Amazon » của Bắc Triều Tiên, hay như có các hệ thống thanh toán qua mạng, cho dù đến lúc này, không rõ người dân Bắc Triều Tiên sử dụng đến mức độ nào.

Nhưng ông Chad O’Caroll, phụ trách NK News, một website thông tin chuyên về Bắc Triều Tiên, trong một hội thảo mang chủ đề « Hiện đại hóa trực tuyến », được tổ chức ngày 14/06/2017 tại Seoul, lưu ý là chế độ Bình Nhưỡng tuy có tìm cách phát triển kinh tế, nhưng không nên xem đấy là một hình thức mở cửa, tự do chính trị.

Frederic Ojardias giải thích tiếp : « Bản thân ChadO’Caroll cũng cho rằng khi phát triển các mạng kết nối, chính quyền Bắc Triều Tiên có thể theo dõi tốt hơn người dân. Đặc biệt là những tầng lớp sung túc nhất, đó là những người có điều kiện để sử dụng các công nghệ thông tin này.

Việc phát triển mạng nội bộ cũng giúp tăng cường hoạt động tuyên truyền và đưa ra hình ảnh một đất nước hiện đại, phát triển. Về mục tiêu này, phải thừa nhận Bình Nhưỡng đã có những thành công nhất định, bởi vì người dân Bắc Triều Tiên dường như rất ưa thích các đồ vật kết nối này.

Thế nhưng, sự phát triển mạng nội bộ của Bắc Triều Tiên cũng có những giới hạn : an ninh là ưu tiên tuyệt đối của chính quyền. Bình Nhưỡng muốn chắc chắn là các công nghệ tin học này không cho phép người dân tự do thảo luận và tự tổ chức liên kết với nhau nằm ngoài tầm kiểm soát của chính quyền. »

Trump : Tường chắn nhập cư có gắn tấm pin năng lượng mặt trời

Tổng thống Donald Trump luôn làm thế giới giật mình hoặc là vì những dòng tweet, hoặc là những phát ngôn bất ngờ, không lường trước được. Luôn ám ảnh với ý tưởng xây tường chống nhập cư trái phép, dài gần 3200km, phân chia ranh giới Hoa Kỳ và Mêhicô, tổng thống Mỹ vừa đưa ra một ý tưởng mới : tại sao không phủ tường bằng những tấm năng lượng mặt trời để có kinh phí xây tường ?

Chuyện tưởng như đùa, nhưng tổng thống Mỹ lại cho đấy là « một ý tưởng tuyệt vời » chưa từng có ai đề cập đến. Trước những người ủng hộ tại thành phố Cedar Rapids, bang Iowa, Donald Trump giải thích : « Vùng biên giới phía nam, nắng nóng rất nhiều… Chúng tôi nghĩ đến việc xây tường giống như là tường năng lượng mặt trời chẳng hạn. Bức tường này sẽ sản xuất ra điện năng, và như vậy chúng ta sẽ có tiền để đóng góp. Hãy nghĩ xem, tường càng cao, thì nó càng tạo ra nhiều giá trị ».

Quả là một công đôi chuyện. Lắp các tấm pin năng lượng mặt trời, không những ngăn chặn được nhập cư, mà còn có thể mang lại lợi nhuận. Nhưng nhiều tập đoàn Mỹ chuyên về năng lượng tái tạo nghi ngờ về tính khả thi.

Trang mạng Business Insider, được Euronews trích dẫn lại thẩm định ngoài tổng kinh phí rất lớn để xây tường ước tính dao động trong khoảng từ 10-40 tỷ đô la, còn phải tính thêm 1, 5 – 4 tỷ đô la cho dự án này.

Cũng theo các ước tính, nguồn năng lượng tạo ra từ bức tường chống nhập cư này có thể cung cấp điện cho khoảng 220.000 hộ gia đình, và có thể giúp các nhà khai thác thu về mỗi năm từ 100-400 triệu đô la. Nhưng không ai đoán được trong vòng bao lâu sẽ thu hồi được vốn, ít nhất là trước một thập niên.

Để cho dự án có lãi, các nhà khai thác và người tiêu dùng không được nằm quá xa nguồn cung cấp. Thế nhưng, điều kiện này khó có thể đáp ứng bởi một lý do hết sức đơn giản : biên giới phía nam Hoa Kỳ - Mêhicô trải dài gần 3.200 km, đi qua nhiều bang, thường là giữa vùng sa mạc, và như vậy các tấm năng lượng mặt trời sẽ bị phân tán.

« Nói thì dễ, làm thì khó ». Trước mắt làm thế nào để thuyết phục Quốc Hội Mỹ đã là một việc khó. Chưa nói là tổng thống Mêhicô cho đến lúc này vẫn kiên quyết từ chối tham gia đóng góp vào việc xây tường.

Nhật Bản : Tokyo tuyên chiến chống mùi hôi

Donald Trump ám ảnh về chuyện nhập cư, người Nhật Bản bịám ảnh về vấn đề vệ sinh. Họ rất kỵ các mùi hôi xông lên. Nhiều người trong số họ cho rằng nhiều nơi tại Tokyo có mùi không sạch, hôi hám. Vậy những mùi đó bốc lên từ đâu ? Thông tín viên Frédéric Charles tại Tokyo giải thích:

« Tất cả các tòa nhà ở Tokyo và có trời mà biết là ở một đô thị rộng lớn có tới 39 triệu dân, thì những tòa nhà nào không bốc ra những mùi hôi khó chịu. Nhưng đúng là tầng hầm một số tòa nhà có các bể chứa nước thải. Những bể này sinh ra khí sulfure, có mùi trứng thối, rất buồn nôn.

Núi lửa và các nguồn nước nóng cũng phát ra mùi hôi khó chịu này. Mà Nhật Bản thì có rất nhiều núi lửa. Hệ thống khướu giác của con người rất nhậy cảm, báo động cho cơ thể tránh hít phải một lượng lớn khí độc hại. Thế nhưng, thành phố Tokyo không cho biết làm thế nào để các bể chứa nước thải bớt bốc lên những mùi buồn nôn này. »

Trước những lời phàn nàn này, nhiều khu phố đã thành lập các nhóm tuần tra chuyên trách phát hiện các mùi hôi khó chịu. Bên cạnh đó, còn có những dịch vụ chuyên cung cấp các mùi thơm cho các tòa nhà.

« Một chi nhánh của NTT, tập đoàn viễn thông khổng lồ, đã lập trên internet một website, « cổng thông tin về mùi hôi ». Tại đây, bạn có thể lựa chọn một thế giới hương thơm mà bạn muốn tạo ra ở nhà bạn. Bạn có thể điều khiển từ xa, nhờ vào một máy tính được gắn một thiết bị đặc biệt chứa các loại tinh dầu thơm.

Nhờ vậy, sáng ngủ dậy, bạn có thể hít thở những mùi thơm của một khu vườn tràn ngập hoa. Rồi mùi bưởi, mùi các loại hoa trước khi bước vào một ngày mới. Cũng có những mùi thơm giúp bạn thư giãn trước khi đi ngủ.

Dịch vụ này dành cho những khu nhà riêng và những doanh nghiệp muốn tạo ra bầu không khí kích thích khướu giác. Đương nhiên, cách thức này không thể áp dụng cho những tòa nhà phát thải ra các mùi hôi, mùi trứng thối. »

Với mối ám ảnh về sạch sẽ, cần phải xua đuổi các mùi hôi, thì thị trường sản phẩm khử trùng cũng phát triển mạnh theo.

« Đủ loại sản phẩm, như bít tất khử mùi hôi, bút khử trùng. Thậm chí cách nay một chục năm, một công ty tân dược đã tung ra thị trường một loại thuốc khử mùi hôi của phân. Ban đầu, thuốc này được bào chế để cho các y tá dùng khi chăm sóc người già cả không làm chủ được vấn đề tiểu tiện. Rồi sau đó, giới trẻ Nhật rất chuộng dùng vì không chịu được các mùi cơ thể. »

Sữa quá hạn : Một nguồn nguyên liệu « sạch » cho dệt may

Rũ bỏ các mùi hôi thối tại Tokyo, tạp chí Thế Giới Đó Đây mời quý vị cùng đến Đức, khoác thử lên người chiếc áo mà sợi vải được dệt từ sữa quá hạn. Vậy làm thế nào chế tạo sợi vải từ sữa ?

Báo Le Figaro (ngày 24/06/2017) cho biết đây chính là ý tưởng của cô Anke Domaske, một nhà vi sinh học và cũng là nhà tạo mẫu thời trang người Đức.  Cô Domaske nảy sinh ý tưởng này vào năm 2009, lúc được 26 tuổi, thời điểm cha dượng của cô bị phát hiện mắc bệnh bạch cầu. Ông bị dị ứng với tất cả các loại vải sợi, do các thành phần hóa chất tích tụ trên quần áo.

Từ đó cô và một vài người bạn đã quyết tâm nghiên cứu một kỹ thuật có từ những năm 1930, để tạo sợi vải từ chất cazein, một loại đạm có trong sữa. Qua thử nghiệm hơn 3 ngàn công thức, cuối cùng cô Domaske cùng với các cộng sự đã tìm ra được một loại sợi làm từ sữa mà không bị tan trong nước và đã được công nhận bằng sáng chế.

Hiện hãng QMilk của cô có hợp tác với khoảng 20 nhà nuôi bò sữa và mua đến một tấn sữa mỗi năm với mức giá 4 xu/ lít. Sợi vải của QMilk không những mịn màng, mà còn chống lại các loại vi khuẩn hiệu quả, dễ phân hủy dưới các tác nhân sinh học, và có thể giặt bằng máy.

Phương pháp kéo sợi này của Domeske còn giúp tránh lãng phí sữa. Mỗi năm tại Đức, do các chuẩn mực về an toàn thực phẩm, các nhà sản xuất vứt đi gần 2 triệu tấn sữa mỗi năm, đủ để làm đầy 770 bể bơi thế vận hội.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.