Vào nội dung chính
TRUNG QUỐC - CHÂU ÂU - KINH TẾ

Kiểm soát đầu tư Trung Quốc ở châu Âu : Pháp lẻ loi

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron muốn Ủy Ban Châu Âu có thêm nhiều quyền hành để kiểm soát những dự án đầu tư của Trung Quốc vào Liên Hiệp Châu Âu, nhằm bảo vệ những lĩnh vực công nghiệp chiến lược. Thế nhưng, theo hãng tin AFP, các lãnh đạo khác của châu Âu, họp thượng đỉnh trong hai ngày 22 và 23/06 ở Bruxelles, sẽ bác bỏ đề nghị đó.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron trong cuộc họp báo tại Bruxelles, ngày 22/06/2017.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron trong cuộc họp báo tại Bruxelles, ngày 22/06/2017. REUTERS/Gonzalo Fuentes
Quảng cáo

Vào năm ngoái, nước Đức và Liên Hiệp Châu Âu đã bất lực đứng nhìn công nghệ cao cấp « made in Germany » bị chuyển giao cho Trung Quốc qua việc tập đoàn điện tử gia dụng Midea của Trung Quốc mua lại công ty sản xuất máy công cụ Kuka của Đức với giá 4,6 tỷ euro.

Từ đầu thập niên 2000, đầu tư của Trung Quốc vào châu Âu đã tăng mạnh. Tính đến năm 2016, tổng vốn đầu tư của Trung Quốc ở châu Âu đã lên đến mức kỷ lục là 46 tỷ đôla, tăng đến 90% từ năm 2015.

Trong những năm gần đây, các nhà đầu tư Trung Quốc đua nhau mua lại các công ty trong các ngành công nghiệp mũi nhọn của châu Âu, nhất là của Đức. Điều này đã gây lo ngại ngày càng nhiều, bởi vì qua những vụ mua bán, các công ty Trung Quốc, trong đó có cả các công ty Nhà nước, thâu tóm những công nghệ cao cấp của châu Âu với giá rẻ mạt một cách bất chính.

Trong thời gian tranh cử tổng thống Pháp, cựu bộ trưởng Kinh Tế Emmanuel Macron đã đề nghị thiết lập ở cấp độ châu Âu một « công cụ kiểm soát các đầu tư ngoại quốc ở châu Âu », chủ yếu nhắm vào các đầu tư của Trung Quốc. Tổng thống Macron đã dự định đưa đề nghị này ra biểu quyết tại thượng đỉnh Bruxelles, với sự ủng hộ kín đáo của Đức.

Thế nhưng, nhiều nước châu Âu lại không muốn như thế. Theo bản dự thảo văn kiện kết thúc thượng đỉnh Bruxelles, các nước này chỉ chấp nhận yêu cầu Ủy Ban Châu Âu xem xét « những nhu cầu » của Liên Hiệp Châu Âu trong vấn đề này. Theo một nhà ngoại giao châu Âu, được hãng tin AFP trích dẫn, đây là một « thỏa hiệp » để không làm mất mặt tổng thống Macron, một nhân vật chủ trương đẩy mạnh hợp nhất châu Âu, nên rất được ủng hộ ở Bruxelles.

Tuy đề nghị của ông chưa được thông qua, nhưng tổng thống Macron ít ra đã đạt được một điều, đó là thượng đỉnh châu Âu đề cập đến vấn đề kiểm soát một số đầu tư trực tiếp ngoại quốc trong những lĩnh vực nhạy cảm và sẽ yêu cầu Ủy Ban Châu Âu nghiên cứu việc này.

Tổng thống Pháp nói rõ quan điểm của ông là, về thương mại, châu Âu hoàn toàn đi theo hướng tự do mậu dịch, nhưng phải biết bảo vệ lợi ích của mình khi những quốc gia khác không tuân thủ một số quy định.

Tuy vậy, như lời của ủy viên thương mại châu Âu Cecilia Malmstrom, kiểm soát đầu tư nước ngoài là một vấn đề rất nhạy cảm về chính trị, vì một số quốc gia như Hy Lạp hay Bồ Đào Nha rất cần đến đầu tư ngoại quốc để kinh tế nước họ tiếp tục tăng trưởng, cho nên họ chống lại đề nghị của tổng thống Macron. Những quốc gia khác cũng không đồng tình với lãnh đạo Pháp, vì chủ trương của họ là phải mở cửa hoàn toàn các thị trường.

Tóm lại, làm sao dung hòa được tự do lưu thông vốn với việc bảo vệ các ngành công nghiệp chiến lược, đó là thách đố đang đặt ra cho các lãnh đạo châu Âu.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.