Vào nội dung chính
Tạp chí đặc biệt

Hàn Quốc : Dư luận viên của tổng thống « hoành hành » trên internet

Đăng ngày:

Tại Hàn Quốc, các phóng viên và chính trị gia, dù có tư tưởng tiến bộ hay bảo thủ, những người thường chỉ trích tân tổng thống Moon Jae In giờ lại bị các Moonppas tấn công mạnh mẽ trên mạng internet. Vậy Moonppas, họ là ai ?

Tổng thống Hàn Quốc  Moon Jae In chụp ảnh với những người nhiệt tình ủng hộ ông. Ảnh chụp tại San bay quốc tế Incheon, ngày 12/05/2017.
Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In chụp ảnh với những người nhiệt tình ủng hộ ông. Ảnh chụp tại San bay quốc tế Incheon, ngày 12/05/2017. Reuters
Quảng cáo

Thông tín viên RFI Frédéric Ojadias giải thích từ Seoul :

"Moonppas" là một từ mang nghĩa xấu, chỉ những người ủng hộ nhiệt tình tân tổng thống Moon Jae In, thậm chí là quá cuồng nhiệt, theo những người thích gièm pha. Họ gồm hàng trăm ngàn cư dân mạng hoạt động tích cực trên nhiều diễn đàn. Những "lính gác trên mạng" này cho rằng một trong các nguyên nhân dẫn tới vụ tự sát năm 2009 của cựu tổng thống Roh Moo Hyun - một thần tượng của những người có tư tưởng tiến bộ - là ý kiến quá tiêu cực của giới truyền thông, rằng ông ấy là nạn nhân của truyền thông.

Vì thế, họ đã quyết định dùng phương pháp tuyên truyền tích cực trên mạng để bảo vệ tân tổng thống. Những người này đáp trả mọi lời chỉ trích nhắm vào tổng thống Moon Jae In thông qua vô số lời bình luận và thông điệp trên các mạng xã hội. Đó là một sự quấy rối trên mạng internet và nhắm cả vào các chính trị gia và truyền thông theo tư tưởng tiến bộ.

Hankyoreh - nhật báo lớn phe trung tả mới đây đã phải gánh chịu hậu quả. Báo Hankyoreh bị phê phán là không ủng hộ tích cực cho ông Moon Jae In và việc tờ báo này hồi cuối tháng Năm đăng trên trang nhất một bức ảnh không được đẹp lắm của tân tổng thống đã gây ra một cơn bão chỉ trích.

Quá bực bội, một biên tập viên của tờ báo đã đáp trả bằng một status trên Facebook. Status của ông kết thúc bằng câu : "Này các Moonppas, tôi chờ các vị đấy, hãy tới mà chiến đấu đi !". Và các Moonppas đã làm vậy. Ngay ngày hôm sau, biên tập viên nói trên đã phải gửi thư xin lỗi các Moonppas.

Một ví dụ khác về "lực lượng tấn công trên mạng" : Một dân biểu phe bảo thủ cáo buộc con trai của tân thủ tướng đã trốn nghĩa vụ quân sự trong khi chính con của ông này cũng vậy. Và thế là, số điện thoại cá nhân của vị dân biểu này đã bị tung lên mạng, các tin nhắn trách móc ông đạo đức giả được gửi tới dồn dập khiến ông phải giảm bớt các lời chỉ trích.

Nhật báo Joongang Ilbo tỏ ra lo ngại. Theo tờ báo này, một số nhà bình luận về chính trị bị kiểm duyệt, còn các nhà báo giờ đây phải cân nhắc từng từ, từng chữ vì sợ bị "ném đá" trên mạng. Tờ báo theo khuynh hướng bảo thủ đã dành nửa trang cho hiện tượng nói trên và dẫn lời giám đốc ban vận động tranh cử của một đối thủ của ông Moon Jae In, khẳng định rằng rất có thể lực lượng tấn công trên mạng đã ảnh hưởng tới kết quả bầu cử, trong đó ông Moon chiến thắng với kết quả áp đảo.

Còn trang web Korea Exposé nhấn mạnh rằng bản thân tổng thống chẳng làm gì mấy để giảm sự cuồng nhiệt của những lính gác trên mạng, thậm chí ông Moon còn ví cách cư xử của họ như "một loại gia vị giúp cuộc cạnh tranh trở nên thú vị".

Yến sào : "Lộc trời ban" cho người Miến Điện

Nông thôn miền nam Miến Điện vốn nổi tiếng với nghề chế biến dầu cọ, cao su tự nhiên, hạt cau, nhưng từ một vài năm nay, nguồn thu nhập chính của người dân nơi đây lại là từ tổ yến.

Trong những năm qua, người ta dựng hàng trăm tòa nhà bê tông với kích thước khổng lồ quanh thành phố nhỏ Bokpyin để nuôi chim yến. Ông Paing Set Aung, sở hữu nhiều tòa nhà nuôi chim yến kể là ban đầu, ở Bokpyin, có một tòa nhà to và chim yến tự kéo đến làm tổ. Thấy vậy, người dân nảy ra sáng kiến dựng các tòa nhà và chủ động dụ chim yến tới làm tổ bằng cách phát băng ghi âm tiếng chim yến vào mỗi sáng sớm về khi tối đến. Chim yến nghe tiếng đồng loại sẽ bay tới làm tổ.

Trước đây, người Miến Điện thu hoạch tổ yến tự nhiên trên vách núi tại các hòn đảo. Nhưng hoạt động theo kiểu truyền thống đó khá nguy hiểm và năng suất không cao. Tổ yến nuôi được thu hoạch 3-4 lần/năm.

Tổ yến Miến Điện chủ yếu được xuất sang Trung Quốc để phục vụ các thực khách sành ăn và nhiều tiền. Tổ yến Miến Điện được "bán đắt như vàng" cho thương lái Trung Quốc, trung bình 1.200 euro/kg, tương đương với số tiền lương của một người Miến Điện đi làm cả năm. Tổng doanh thu từ tổ yến trong cả nước đạt 5 tỉ euro/năm. Vì thế, tổ yến được coi là "lộc trời" tại đất nước Đông Nam Á này.

Trước đây, yến sào chỉ dành cho giới tinh hoa, giàu có, nhưng giờ đây, ngày càng có nhiều người thuộc tầng lớp trung lưu quan tâm tới món ăn bổ dưỡng này.

Tại các nhà hàng sang trọng ở Bắc Kinh hay Thượng Hải, yến sào được dùng để chế biến món tráng miệng, các món súp hoặc đồ uống. Mỗi bát yến sào có giá tới vài trăm euro. Tại Thượng Hải, người ta gọi yến sào là "caviar của phương Đông". Caviar (trứng cá muối) là một trong món ăn xa xỉ, đắt đỏ nhất thế giới.

Theo y học cổ truyền Trung Quốc và theo kết quả nhiều nghiên cứu về dinh dưỡng, yến sào giàu protein, tốt cho cả phụ nữ, trẻ em, người già và nam giới. Yến sào nổi tiếng là làm đẹp cho làn da của phụ nữ, tốt cho phụ nữ mang thai. Các cơ sở chăm sóc da cao cấp tại Thượng Hải còn bán kem dưỡng da làm từ yến sào với giá vài trăm euro. Yến sào cũng được chế biến thành kẹo và bán trên mạng internet.

Quốc tịch Israel : “áo giáp” bảo vệ người Palestine ở Jérusalem

Hiện ở Đông Jérusalem có hơn 300.000 người Palestine sinh sống. Điều kiện của họ khác với những người dân mang quốc tịch Palestine sống tại Cisjordanie hoặc ở dải Gaza. Vì Israel coi Đông Jerusalem thuộc chủ quyền của họ, nên người Palestine sống tại đây phải đóng thuế cho Israel, được Israel cấp thẻ thường trú và được hưởng các quyền xã hội. Nhưng giấy thông hành của họ thì do chính quyền Jordanie cấp.

Tuy nhiên, thẻ thường trú mà Israel cấp cho người Palestine ở Đông Jérusalem cũng chỉ mang tính tạm thời. Trường hợp một người sinh sống nhiều năm ở nước ngoài, thậm chí ở vùng Cisjordanie, chỉ cách Jerusalem vài km, cũng có thể bị tịch thu "thẻ thường trú".

Năm 2014, cô Nora, 28 tuổi, luật sư, người Palestine sống tại Jérusalem, quyết định làm thủ tục xin nhập quốc tịch Israel. Đối với Nora, đó là một quyết định khó khăn nhưng cô không còn lựa chọn nào khác. Có quốc tịch Israel, cô Nora sẽ có nhiều cơ hội đi du lịch, tới thăm anh, chị em ở châu Âu và đặc biệt là có cơ hội thực hiện ước mơ trở thành thẩm phán tại Israel. Suốt ba năm đã trôi qua, nhưng cô Nora vẫn đang chờ quyết định của chính quyền Israel. Giống như cô Nora, ngày càng có nhiều người dân Palestine sống ở Đông Jérusalem, bị Israel chiếm đóng từ 50 năm nay, xin quốc tịch của nước mà họ coi là "kẻ thù".

Một thanh niên 27 tuổi, tự nhận tên là Mohammed - trở thành “người Israel mới” cách đây 2 năm chia sẻ: “Tôi không hề hối tiếc về quyết định của mình. Từ khi có quốc tịch Israel, cuộc sống của tôi dễ dàng hơn. Tôi sống yên ổn hơn.”

Cho dù tiếng Ả Rập là một trong những ngôn ngữ chính thức ở Israel, nhưng cuộc phỏng vấn được thực hiện bằng tiếng Do Thái. Vì thế, từ năm 2009 đến năm 2016, trong số gần 6.500 người Palestine xin quốc tịch Israel, chỉ có khoảng 3.500 người được cấp giấy tờ.

Tuy nhiên, khi xin quốc tịch Israel, những người như cô Nora hay anh Mohammed phải giấu giếm vì điều đó khó được cộng đồng người Palestine chấp nhận. Họ cũng không còn được phép tới đa phần các nước Hồi Giáo vì những quốc gia này không thừa nhận sự tồn tại của Israel.

Mặc dù hiểu rằng quốc tịch Israel sẽ là “tấm áo giáp” bảo vệ, điều mà chính quyền Palestine không làm được ở Jerusalem và chính nỗi lo sợ đã thúc đẩy thanh niên Pelestine xin quốc tịch Israel, nhưng một nhà hoạt động đấu tranh chống việc Israel xây các khu định cư Do Thái trên lãnh thổ của người Palestine lấy làm tiếc vì điều đó có nghĩa là giới trẻ Pelestine chấp nhận và tạo điều kiện để việc chiếm đóng của Israel được hợp thức hóa.

Trung Quốc : "Đại Nhảy Vọt" về nhà vệ sinh công cộng

Trung Quốc nổi tiếng thế giới với Cách Mạng Văn Hóa và chính sách "Đại Nhảy Vọt" 1958-1961. Nhưng từ năm 2015, nhà chức trách Trung Quốc lại tung ra một cuộc Cách Mạng mới, một chiến lược "Đại Nhảy Vọt" về nhà vệ sinh công cộng. Đó là một chiến lược rất nghiêm túc để làm đẹp bộ mặt của các thành phố. Thông tín viên RFI Heike Schmidt giải thích Bắc Kinh :

"Văn phòng du lịch quốc gia cho chúng tôi biết nhiệm vụ khó khăn sắp hoàn thành. Nói cho chính xác, cho tới giờ, 52.485 nhà vệ sinh công cộng đã được cải tạo hoặc xây mới. Mục tiêu đề ra năm 2015 đã hoàn thành được 93%. Đó là một dự án quốc gia, làm đẹp cho bộ mặt của cả nước, với ngân sách khổng lồ hơn 1 tỉ đô la. Theo các chuyên gia du lịch, dự án trên đã thành công : 80% du khách hài lòng khi sử dụng toilette công cộng.

Ở Dương Châu và Quý Lâm, những nơi nổi tiếng về du lịch, nhà chức trách tự hào có nhà vệ sinh « 5 sao ». Rất khó để biết những đâu mà tiêu chí xếp hạng toilette cao cấp. Các bức ảnh đăng tải trên Internet cho thấy những những nhà vệ sinh bao quanh bằng kính, có tầm nhìn rất đẹp ra rừng hoặc có TV màn hình phẳng để khách xem ti vi khi đi vệ sinh. Tại một số toilette, khách hàng có thể tranh thủ wifi miễn phí và máy rút tiền tự động."

Để đối phó với các hành vi thiếu văn minh, nhà chức trách cũng nghĩ ra nhiều biện pháp. Chẳng hạn, tại một nhà vệ sinh ở Bắc Kinh, người ta đang thử nghiệm một hệ thống nhận diện gương mặt để hạn chế nạn ăn cắp giấy vệ sinh.

"Người sử dụng nhà vệ sinh không đội mũ, không đeo kính râm và đi qua một thiết bị chụp ảnh gương mặt rồi nhận được mẩu giấy vệ sinh dài 60 cm. Nếu người này quay lại trong vòng 9 phút, máy sẽ không nhả thêm giấy vệ sinh. Kết quả của biện pháp trên rất khả quan : nhà vệ sinh này chỉ tốn có 10 cuộn giấy/ngày thay vì 43 cuộn như trước đây".

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.