Vào nội dung chính
CHÂU Âu - TRUNG QUỐC

Châu Âu muốn cùng Trung Quốc đi đầu trong lĩnh vực khí hậu

Hồ sơ khí hậu với việc tổng thống Donald Trump quyết định rút Hoa Kỳ ra khỏi thỏa thuận COP 21 Paris là một trong những chủ đề chính tại thượng đỉnh châu Âu-Trung Quốc, khai mạc hôm nay, 02/06/2017 tại Bruxelles.

Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường bên cạnh chủ tịch Ủy Ban Châu Âu Jean-Claude Juncker (P) và chủ tịch Hội Đồng Châu Âu Donald Tusk (T) tại hội nghị thượng đỉnh song phương Trung Quốc-Liên Hiệp Châu Âu ở Bruxelles, Bỉ, ngày 1/06/2017.
Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường bên cạnh chủ tịch Ủy Ban Châu Âu Jean-Claude Juncker (P) và chủ tịch Hội Đồng Châu Âu Donald Tusk (T) tại hội nghị thượng đỉnh song phương Trung Quốc-Liên Hiệp Châu Âu ở Bruxelles, Bỉ, ngày 1/06/2017. REUTERS/Virginia Mayo/Pool
Quảng cáo

Phát biểu khai mạc hội nghị, chủ tịch Ủy Ban Châu Âu Jean-Claude Juncker, được AFP trích dẫn, đã khẳng định là không có chuyện thay đổi thụt lùi các cam kết trong thỏa thuận Paris, về tiến trình chuyển đổi sử dụng năng lượng. Về phần mình, thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường cho biết Bắc Kinh luôn luôn « bảo vệ các quy định đa phương ».

Không chỉ các quốc gia mà ngay cả các định chế châu Âu cũng chỉ trích gay gắt quyết định của tổng thống Mỹ.

Từ Bruxelles, thông tín viên Pierre Benazet gửi về bài tường trình :

« Tổng thống Mỹ đã làm dấy lên sự nhất trí bên trong các định chế châu Âu, và đã giúp cho cánh tả, cánh hữu và phe môi sinh đạt đồng thuận trong việc chỉ trích ông.

Ví dụ, phe bảo thủ thuộc Đảng Nhân Dân Châu Âu cho rằng quyết định của tổng thống Donald Trump là vô trách nhiệm và sẽ ảnh hưởng lâu dài đến uy tín quốc tế của Hoa Kỳ. Về phần mình, chủ tịch Ủy Ban Châu Âu Jean-Claude Juncker coi quyết định này là một sai lầm nghiêm trọng.

Phe môi sinh dự tính đến việc đưa ra các trừng phạt về các-bon trong việc nhập khẩu sản phẩm Mỹ vào châu Âu, bởi vì Donald Trump bắt đầu tiến hành một cuộc chiến tranh thương mại bằng cách muốn tận dụng các lợi thế trước mắt để tiếp tục sử dụng thoải mái các nhiên liệu hóa thạch.

Trong mọi trường hợp, tất cả các nước trong Liên Hiệp Châu Âu đều bày tỏ tham vọng tiếp tục áp dụng đầy đủ thỏa thuận quốc tế về khí hậu. Liên Hiệp Châu Âu muốn đi tiên phong và chuẩn bị cùng với Trung Quốc nhân hội nghị thượng đỉnh song phương đang diễn ra, tiến hành một chiến dịch vận động trong lĩnh vực khí hậu. Hai bên có thể ra tuyên bố chung kêu gọi đẩy nhanh việc áp dụng thỏa thuận khí hậu Paris ».

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.