Vào nội dung chính
CAM BỐT - NHÂN QUYỀN

Ân Xá Quốc Tế : Tư pháp Cam Bốt là công cụ đàn áp

Báo cáo của Amnesty International – Ân Xá Quốc Tế ngày 30/05/2017 tố cáo chính quyền Cam Bốt sử dụng hệ thống tư pháp để đàn áp đối lập và những nhà tranh đấu. Tổ chức bảo vệ nhân quyền này lo ngại không khí sợ hãi gia tăng tại Cam Bốt với cuộc bầu cử địa phương Chủ Nhật, 03/06/2017. Đây là một trắc nghiệm quan trọng đối với quyền lực của thủ tướng Hun Sen, tại vị từ 32 năm nay.

Nhà hoạt động Cam Bốt Tep Vanny (G), trong phiên tòa tại Phnom Penh. Ảnh ngày 15/02/2017.
Nhà hoạt động Cam Bốt Tep Vanny (G), trong phiên tòa tại Phnom Penh. Ảnh ngày 15/02/2017. TANG CHHIN SOTHY / AFP
Quảng cáo

Trong dịp công bố bản báo cáo dài 40 trang mang tên « Courts of injustice/Những tòa án bất công », hôm nay 30/05/2017, giám đốc Ân Xá Quốc Tế khu vực Đông Nam Á, bà Champa Patel, khẳng định : « Tại Cam Bốt, các tòa án là công cụ trong tay chính quyền ». Ân Xá Quốc Tế nhấn mạnh : chính quyền Cam Bốt đã thao túng tư pháp, lạm dụng các biện pháp hình sự để « dập tắt tiếng nói của những người mà chính quyền không chấp nhận ».

27 nhà hoạt động, nhà đối lập hiện đang ngồi tù, hàng trăm người khác đang bị truy tố, và một bộ phận đối lập chính trị có thể bị « bỏ tù bất cứ lúc nào ». Giám đốc Ân Xá Quốc Tế Đông Nam Á khuyến cáo chính quyền nên ủng hộ một hệ thống « tư pháp độc lập », thể theo các cam kết quốc tế, thay vì dùng tư pháp để đàn áp những người bất đồng chính kiến.

AFP dẫn ý kiến của các chuyên gia, theo đó, càng gần đến cuộc bầu cử địa phương, chính quyền Phnom Penh càng lo lắng. Ông Sebastian Strango, tác giả một cuốn sách về thủ tướng Cam Bốt Hun Sen, đưa ra nhận xét : đảng cầm quyền « có nguy cơ mất quyền kiểm soát ở cấp địa phương, lần đầu tiên kể từ khi chế độ Khmer Đỏ sụp đổ năm 1979 ».

Ngay sau khi bản báo cáo được công bố, đảng của thủ tướng Hun Sen đã lên án giới bảo vệ nhân quyền có thái độ « thù địch » với chính phủ.

Các thủ đoạn của chính quyền

Báo cáo của Ân Xá Quốc Tế chỉ ra nhiều cách thức mà chính quyền dùng để thao túng hệ thống tư pháp không minh bạch của Cam Bốt, như ra lệnh bắt giam các nhà hoạt động với những cáo buộc không có cơ sở, trước khi đem họ ra xét xử trong các phiên tòa bất công.

Một ví dụ tiêu biểu là năm thành viên và cựu thành viên của hiệp hội ADHOC, tổ chức bảo vệ nhân quyền lâu đời nhất tại Cam Bốt, bị tạm giam cách đây một năm trước khi được đưa ra xử. Hay trường hợp của nhà tranh đấu Tep Vanny, người bảo vệ hàng nghìn gia đình tại Phnom Penh chống lại nạn cướp đất trong suốt thập niên vừa qua. Kể từ năm 2013 đến nay, bà Tep Vanny đã bị bắt giữ ít nhất năm lần.

Một thủ đoạn tiêu biểu khác của tư pháp Cam Bốt là mở ra một vụ án, nhưng không tiến hành điều tra hoặc truy tố, trong nhiều năm trời. Mục tiêu của cách làm này là để cho một không khí bất định kéo dài gây mệt mỏi cho các nạn nhân.

Nhìn chung, theo Ân Xá Quốc Tế, không có bất cứ một nhà tranh đấu bảo vệ nhân quyền hay nhà đối lập nào bị đưa ra tòa lại được trắng án, và rất nhiều phán quyết được đưa ra hoàn toàn không dựa vào kết quả điều tra. Chính quyền Phnom Penh chỉ giảm án cho họ sau khi cộng đồng quốc tế gây áp lực.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.